“Hò sông Mã” – bài dân ca tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa
VOV.VN - “Hò sông Mã” thể hiện tình yêu cuộc sống sông nước của nhân dân Thanh Hóa với niềm tự hào về dòng sông của quê hương.
Thanh Hóa là một trong những tỉnh đông dân và có nền văn hóa lâu đời của nước ta với nhiều công trình nghệ thuật như di tích núi Đọ, trống đồng Đông Sơn...
Thanh Hóa là quê hương của Triệu Trinh Nương, một trong những phụ nữ nổi tiếng anh hùng của nước ta với lòng dũng cảm kiên cường. Thanh Hóa có đất Lam Sơn là quê hương và căn cứ địa của Lê Lợi anh hùng, có dãy núi Tam Điệp đã chở che cho đội quân bách chiến bách thắng của Quang Trung tập kết trước khi tiến ra thành Thăng Long đánh tan quân xâm lược Tôn Sĩ Nghị.
Nhân dân Thanh Hóa cần cù lao động đã tạo nên những cánh đồng phì nhiêu, nổi tiếng là một trong những vựa thóc lớn của miền Bắc nước ta. Thiên nhiên Thanh Hóa giàu đẹp, lịch sử Thanh Hóa anh hùng.
Với những điều kiện như vậy nên Thanh Hóa cũng đã hình thành một nền dân ca phong phú từ lâu đời, rải rác ở khắp các miền trong tỉnh.
Có thể kể đến một số loại tiêu biểu như hát Ghẹo, hát Úa ở Đông Anh, hát Khúc ở Tĩnh Gia, hát Mùa ở Xuân Pha, hát Chèo chài ở Thiệu Hóa, Hoằng Hóa… đó là chưa kể đến nhiều loại dân ca của những dân tộc thiểu số anh em ở miền núi, của đồng bào Mường, Thái, Mông… Nhưng nói đến dân ca Thanh Hóa thì phải kể đến "Hò sông Mã" - loại dân ca điển hình và đặc biệt hơn cả.
Sông Mã xưa nay vẫn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống giao thông và kinh tế của nhân dân Thanh Hóa. Trong kháng chiến chống Pháp cũng như trong những năm chống Mỹ, sông Mã là một tuyến giao thông đường thủy thuận lợi đã góp phần vào chiến công chung của nhân dân ta. Sống trên dòng sông lúc đầy gian nguy sóng gió, lúc lại ý vị nên thơ, người dân chèo thuyền đã sáng tạo ra hình thức ca hát đầy tính nghệ thuật để động viên ca ngợi thiên nhiên và tự động viên mình.
Xưa kia, mỗi con đò, ngoài người chủ đò, còn có một người tháo vát, giàu kinh nghiệm được mọi người tin cậy trao cho điều khiển chung. Người này thường ra hiệu lệnh cho mọị người và là người “bắt cái” trong các câu hò. Mỗi đò thường có 3 hoặc 4 trai đò giữ nhiệm vụ chèo chống. Trai đò có thể chia ra hai tốp để chống đò nối tiếp nhau liên tục và hưởng ứng theo câu hò của người “bắt cái”.
Hò sông Mã có thứ tự hẳn hoi và chia ra làm 5 giai đoạn rõ rệt: hò rời bến, hò đò ngược, hò đò xuôi, hò mắc cạn và hò cập bến.
Hò rời bến còn gọi là họ mời khách. Trên một chặng đường dù xa hay gần nhưng đã chung một thuyền trên dòng sông, mọi người như muốn xích lại gần nhau, như muốn gắn bó với nhau trở thành những người “bạn đường sinh tử”. Vì vậy mà hò rời bến với âm điệu mở đầu đầy vui tươi đon đả, giới thiệu để làm quen với nhau như muốn nhắn nhủ dặn dò:
Thuyền tôi ván táu sạp lim
Đôi mạn sang lẻ có chim phượng hoàng.
Tiện đây mời cả bạn hàng
Rửa chân cho sạch vào khoang ta ngồi.
Câu hò thường là câu lục bát. Người “bắt cái” mở đầu bằng “dô ta” và “í ta dô ta” rồi mới xướng vào câu hò mỗi lần hai tiếng, xen kẽ với tiếng hô “dô ta” của trai đò.
Hò đò ngược còn gọi là hò chống sào vì lúc này chủ yếu trai đò dùng sào để chống, để đẩy con thuyền đi ngược dòng sông theo hiệu lệnh của người “bắt cái”. Hò đò ngược còn được goị là "sắng nước ngược" theo tiếng gọi chuyên môn của những người chèo đò.
Hò đò ngược chỉ có một làn điệu. Giọng hò đò ngược nghe chậm chạp và có phần nặng nề hợp với cảnh lao động chống sào nặng nhọc, nhưng vẫn đượm màu sắc trữ tình nhiều lúc lại còn đầy vẻ dí dỏm lạc quan:
Thương ai đứng bụi nấp bờ
Sáng trông đò dọc tối chờ đò xuôi
Thuyền ngược anh bỏ sào xuôi
Khúc sông bỏ vắng để người sầu riêng
Hò đò xuôi gồm những điệu hò chủ yếu của hò sông Mã. Khi đã thuận buồm xuôi gió, con đò nhẹ trôi trên dòng nước, công việc của người chèo đò cũng trở nên nhẹ nhàng đỡ vất vả thì tiếng hò của họ cũng cất lên không những với nhiều âm điệu, nhiều màu sắc mà cũng chính nội dung lời ca cũng bao la, rộng rãi và số lượng bài bản cũng nhiều hơn.
Đôi ta như đũa tre non
Khen ai khéo vuốt đũa tròn nên đôi
Đôi ta như đũa tre già
Khen ái khéo tiện đũa đà bằng đôi.
Hò đò xuôi gồm nhiều làn điệu khác nhau như: hò xuôi nhịp đôi một, hò xuôi nhịp đôi hai, hò đường trường, hò giọng giả, hò xuôi ru ngủ, hò xuôi làn ai, hò xuôi lối niệm Phật, hò xuôi theo làn văn… Mỗi làn điệu hò đò xuôi có một âm điệu riêng. Người bắt cái thường thay đổi các làn điệu hò cho đỡ nhàm chán.
Hò mắc cạn có hai làn điệu: Hò vác và hò cạn (còn gọi là hò kéo thuyền). Vác đò là một việc làm nặng nhọc nên hò vác chỉ do người “bắt cái” hò trọn vẹn các câu, còn trai đò chỉ xô theo một tiếng "vác" ở cuối câu ứng với động tác vác đò và chuyển đò đi. Cứ như thế hò vác kéo dài cho đến khi đò đã ra khỏi chỗ nước cạn cạn.
Còn hò cạn hay hò kéo thuyền thì lao động đã có phần nhẹ nhàng hơn cho nên sau câu hò của người bắt cái trai hò thường vừa kéo vừa xô theo một câu dài là: "ơ hò dô ta, nín lặng mà nghe, mà nghe câu hò".
Thuyền ai đã cạn nơi đây
Mượn đôi giải yếm làm dây kéo thuyền.
Hò cập bến biểu lộ sự vui mừng phấn khởi khi đã đến nơi an toàn.
Xăm xăm tới gốc mai gìa
Hỏi thăm cô gái có nhà hay không?
Hoặc là:
Nhác trông phong cảnh vui thay
Báo Bồng có phải chốn này hay không?
Báo Bồng là đất quê hương
Ai về Bồng Báo cầm cương ngựa hồng
Hò Sông Mã là loại hò có tính tập thể cao, biểu hiện rõ nét tính chất lao động bằng âm nhạc trên đò giang sông nước. Những làn điệu hò thay đổi là tùy theo mức độ lao động khẩn trương, căng thẳng hay là lúc thoát mái nhẹ nhàng.
Âm điệu hò sông Mã khỏe khoắn và nhịp nhàng như vậy, nhưng nội dung lời ca hò sông Mã nhìn chung vẫn biểu hiện tính chất lạc quan, trữ tình như nhiều loại dân ca khác. Hò sông Mã cũng thể hiện tình yêu cuộc sống sông nước của nhân dân Thanh Hóa với niềm tự hào về dòng sông của quê hương mình vừa hiền hòa thơ mộng, vừa hùng dũng sục sôi.
Nhiều lúc, hò sông Mã cũng phản ánh những nhận định, những kinh nghiệm rút được trong khi đi nghề, nhưng nội dung vẫn luôn luôn gắn bó chặt chẽ giữa con người, xã hội và thiên nhiên. Do đó lời ca hò sông Mã thường lấy trong ca dao. Nội dung câu ca không nhất thiết lúc nào cũng phải theo sát nhạc điệu của mỗi giai đoạn hò bởi lẽ những âm điệu đó đều mang tính khái quát khá cao, có thể lồng vào những câu ca khác nhau.
Hò sông Mã cũng đã cung cấp cho các nhạc sĩ sáng tác những âm điệu độc đáo, tạo nên những tác phẩm âm nhạc mới ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất và chiến đấu trên quê hương Thanh Hóa anh hùng. Những ca khúc ấy không những được bà con Thanh Hóa yêu mến tự hào mà bà con và thính giả cả nước đón nhận và yêu thích./.