Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền năm 2021: Quảng bá, bảo tồn giá trị tinh hoa dân ca

VOV.VN - Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền thu hút sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 23 đơn vị.

Nhằm giới thiệu, quảng bá và bảo tồn những giá trị tinh hoa qua các làn điệu dân ca, ca dao, dân vũ, nhạc cụ dân tộc truyền thống của các vùng miền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền năm 2021 được Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) phát động và tổ chức từ tháng 9-12/2021. Các tiết mục xuất sắc nhất được lựa chọn công diễn tại lễ tổng kết và trao giải vào ngày 26.12 tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).

Hội diễn được tổ chức theo hình thức ghi hình nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh, đồng thời đáp ứng chất lượng nghệ thuật,thích ứng với bối cảnh mới hiện nay.

Hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ góp mặt

Hội diễn Đàn, Hát dân ca 3 miền thu hút sự tham gia của hơn 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của 23 đơn vị thuộc Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim, Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh của 23 các tỉnh, thành phố: An Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Hải Dương, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum, Lâm Đồng, Nam Định, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Gia Lai, Vĩnh Phúc.

Vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19, sự tham gia hào hứng của các đơn vị cho thấy sức mạnh và sự lôi cuốn của âm nhạc dân ca trong đời sống. Với nỗ lực và niềm đam mê, hàng trăm nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên đã đến với sân chơi này với tinh thần sôi nổi, nhiệt huyết, năng động. Qua 130 tiết mục với các thể loại hát, múa, độc tấu, song tấu, tam tấu, hòa tấu cùng các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, các nghệ sĩ, diễn viên đã thể hiện trọn vẹn những khát vọng, đam mê cống hiến cho dòng chảy của dân ca trong nền văn hóa nghệ thuật dân tộc.

Ban Giám khảo gồm những thành viên uy tín, có trình độ chuyên môn, gồm: Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hoá cơ sở, thành viên Hội NSSK Việt Nam, Trưởng ban; NSND Thuý Hường, NSND Nguyễn Minh Thông, NSND Phan Muôn, Nhạc sĩ - NSƯT Lương Nguyên. Theo đánh giá của Ban Giám khảo, chương trình được các đơn vị đầu tư, dàn dựng công phu, phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật quay, dựng hình được kết hợp nhuần nhuyễn, tạo nhiều yếu tố bất ngờ.

Dù bối cảnh nhiều khó khăn song nhiều chương trình đã tạo những điểm sáng, đa phong cách cho Hội diễn. Mỗi chương trình mang những sắc thái khác nhau, nhưng đều thể hiện được nét tinh tuý đặc trưng của các địa phương. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, yếu tố dân gian, qua thủ pháp trình diễn mới lạ hòa quyện cùng âm nhạc, hiệu ứng ánh sáng…, các chương trình mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc, giá trị thẩm mỹ, đặc biệt có nhiều góc nhìn cận cảnh những lối sống, sinh hoạt văn hoá của các dân tộc ở mỗi vùng, miền.

Các tiết mục cũng chứa đựng nhiều thông điệp nhân văn, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa; truyền thống đoàn kết gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc; phản ánh sự đổi thay, những thành tựu của đất nước trên bước đường xây dựng và phát triển.

Ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trương Cục Văn hóa cơ sở, Trưởng Ban Giám khảo nhận định: “Song song với việc bảo tồn, giữ gìn những giá trị cốt lõi của các loại hình nghệ thuật truyền thống, các đơn vị đã dày công dàn dựng, sáng tạo nhằm giới thiệu đến công chúng những tiết mục đặc sắc, làm nổi bật chủ đề, tư tưởng, nội dung, ý nghĩa của Hội diễn…”.

Nhiều làn điệu lần đầu tiên được giới thiệu

Việc thực hiện ghi âm, ghi hình tham gia Hội diễn là một cách thích ứng, giúp các nghệ sĩ, diễn viên chắt lọc tinh hoa để sáng tạo, dàn dựng, trình diễn những tiết mục mang phong cách mới, vừa thấm đẫm truyền thống, vừa phù hợp với đời sống hiện nay. Qua đó, tác động đến công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật.

Đa sắc màu là bức tranh tổng thể của Hội diễn Đàn, Hát Dân ca 3 miền. Với chủ đề Ân tình câu ví, giặm, chương trình tham dự của Đội Nghệ thuật quần chúng Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An mang đậm chất dân ca Nghệ Tĩnh; gồm các tiết mục: diễn xướng "Ngày hội quê hương"; Hát xẩm "Cõi bờ trong tiếng mẹ ru"; Đối ca dân ca Nghệ Tĩnh "O hàng bán rượu"; Diễn xướng "Tình quê trong nón lá". Những câu hát sâu lắng, lời đối đáp vui tươi, hóm hỉnh, dí dỏm và không kém phần duyên dáng dẫn dắt khán giả về với vùng đất địa linh nhân kiệt, non nước hữu tình và hiểu rõ hơn nguồn mạch tâm hồn của người dân xứ Nghệ.

Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh đến với Hội diễn với những làn điệu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ca trù đặc sắc, gồm: "Cảng Nhà Rồng tiễn Bác", "Muối mắm nên duyên", "Đường lên cổng trời" và "Quê hương đổi mới". Các tác phẩm tập trung vào chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ và tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam; truyền thống đoàn kết dân tộc; phản ánh những thành tựu trên con đường xây dựng và phát triển.

Tham gia Liên hoan đàn, hát dân ca ba miền năm 2021, đoàn An Giang xây dựng chương trình có chủ đề Những điệu lý quê mình. Những giai điệu cuốn hút lần lượt mang đến cho hội diễn nhiều cảm xúc, với các tiết mục gồm: tốp ca múa Liên khúc "Những điệu lý quê hương"; hòa tấu Liên khúc "Lý con Sam - Lý đương đệm - Lý con khỉ"; múa độc lập "Lúa trời"; đơn ca nữ "Lý đầu cầu-Lý dĩa bánh bò"; ca múa "Phải thương nhau cùng".

Các nghệ nhân đến từ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Tây Ninh xây dựng chương trình đậm nét văn hóa địa phương, gồm các tiết mục: Đơn ca "Sông nước Tây Ninh - Về thăm Tây Ninh quê em"; hòa tấu nhạc cụ dân tộc Đảo ngũ cung 20 câu, cong ca "Lý con chuột", "Lý chuột và mèo", tốp ca hò phòng chống đại dịch Covid-19 theo điệu Hò dô ta và múa dân gian giới thiệu làng nghề chằm nón lá của Tây Ninh. Theo biên đạo Hồng Ân, chương trình được dàn dựng tái hiện không gian Tây Ninh xưa và nay với những nét đẹp trong đời sống văn hóa, bên Sông Vàm Cỏ Đông thơ mộng là những gia đình giữ gìn nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ, là những bàn tay cần mẫn làm nên chiếc nón lá và những câu hát dân ca… Đó là tiếng lòng thiết tha của người dân Tây Ninh yêu cuộc sống.

NSƯT Lương Nguyên, thành viên Ban Giám khảo, nhận định, những tác phẩm tham gia Hội diễn nhìn chung có chất lượng cao, phản ánh đúng đời sống, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của các địa phương, vùng miền. “Các đơn vị văn hóa nghệ thuật  hào hứng tham gia, nhiều tiết mục rất đặc biệt từ cách bảo tồn, dàn dựng và triển khai thành sản phẩm nghệ thuật. Đáng chú ý, có những làn điệu lần đầu tiên được giới thiệu trong hội diễn; hòa tấu đờn ca tài tử, hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc được chú ý…”, NSƯT Lương Nguyên cho biết.

Theo BGK, năm nay có nhiều tiết mục độc tấu điêu luyện, cách thể hiện chuyên nghiệp, thể hiện trình độ cao về âm nhạc dân ca. “Có những đơn vị đầu tư rất sâu, như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Bắc Ninh… Mặc dù đây đều là những tỉnh, thành bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19 nhưng vượt trên những khó khăn đó, vẫn có nhiều tác phẩm nổi trội. Đơn cử như TP. Hồ Chí Minh, chương trình tham gia được dàn dựng rất hoành tráng, cho thấy sự công phu, cấu trúc chặt chẽ từ ý tưởng cho đến triển khai tiết mục, cấu tạo thành chương trình. Từ chất liệu dân ca Nam Bộ, dù là điệu lý nguyên gốc hoặc có phát triển thì tất cả đều được kết nối xuyên suốt, trong một ý tưởng thống nhất”, NSƯT Lương Nguyên nhận xét.

Đánh giá cao về tính sáng tạo của nhiều chương trình tham gia Hội diễn, NSƯT Lương Nguyên cho rằng đây là những minh chứng sinh động cho các hoạt động bảo tồn vốn di sản văn hóa dân tộc. Với kinh nghiệm tham gia nhiều chương trình liên hoan dân ca, NSƯT Lương Nguyên nói, đây là hội diễn khiến ông thấy bất ngờ bởi có nhiều làn điệu lần đầu tiên được giới thiệu. Điều đó cho thấy thêm những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị tham gia, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19.

“Những chương trình này có thể phát ở các đài địa phương hoặc có thể chọn lọc để phát ở những kênh lớn, qua đó lan tỏa sức sống của các làn điệu dân ca thấm đẫm chất văn hóa dân gian”, NSƯT Lương Nguyên nói./.

DANH SÁCH KHEN THƯỞNG HỘI DIỄN ĐÀN, HÁT DÂN CA BA MIỀN NĂM 2021

(Kèm theo Quyết định số 312/QĐ-VHCS ngày 22 tháng 12 năm 2021

của Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở)

I. HUY CHƯƠNG VÀNG CHƯƠNG TRÌNH

1. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang

2. Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ

3. Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh

4. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi

5. Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa

6. Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh Nam Định

7. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng

8. Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh

9. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hải Dương

II. HUY CHƯƠNG BẠC CHƯƠNG TRÌNH

1. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế

2. Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim Phú Thọ

3. Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San

4. Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh

5. Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An

6. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum

7. Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bến Tre

8. Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang

9. Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thành phố Đà Nẵng

10. Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa

11. Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh

12. Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Hòa Bình

13. Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc

14. Đoàn Nghệ thuật quần chúng thành phố Hải Phòng

III. HUY CHƯƠNG VÀNG TIẾT MỤC

1. Đơn ca nữ: Lý đầu cầu - Lý Dĩa bánh bò

Dân ca Nam Bộ - Viết lời mới: Bá Trạng - Dàn dựng: Bảo Trân

Biểu diễn: Anh Thư - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang

2. Hát ru: Mẹ và lời ru

Soạn lời: Hoài Minh - Biên đạo: NSƯT Nhật Danh, Huy Bình

Biểu diễn: NN. Thúy Ái, NN. Quỳnh Mai, NN Ngọc Vẹn - Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ

3. Hòa tấu nhạc cụ dân tộc: Âm thanh thành phố

Âm nhạc: Ái Cầm - Đạt Kìm

Biểu diễn: CLB Âm nhạc dân tộc Trung tâm Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh

4. Hoà tấu chiêng: Sức mạnh trai làng H’re

Biểu diễn: Tốp nghệ nhân nam nữ - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi

5. Tam tấu: Tiếng khèn gọi bạn

Phát triển âm nhạc: Công Chí, Cao Bằng Nghĩa

Biểu diễn: Vi Văn Thái, Cao Bằng Nghĩa, Vi Văn Anh - Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa

6. Hát văn: Hội làng

Thơ: Nguyễn Bính

Biểu diễn: NSƯT. Hồng Vân - Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh Nam Định

7. Tiết mục: Dạ cổ hoài lang

Sáng tác: Cao Văn Lầu

Biểu diễn: Hương Lan và tốp múa - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng

8. Hát theo phong cách truyền thống không nhạc đệm: Năm Cung

Biểu diễn: Thanh Tuyền, Hoài Tươi - Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh

9. Hát Chầu văn: Cậu Hoàng Bơ, Cô Đôi thượng ngàn

Biểu diễn: Thiên Lương, Minh Tuấn, Kiều Chinh và tốp múa - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hải Dương

10. Hò giã gạo:  Khúc dân ca nối nhịp nghĩa tình

Lời mới:  Phan Dy

Biểu diễn: Tốp nam nữ và tốp múa - Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế

11. Dân ca Ghẹo: Bắt ốc (lời cổ)

Biên đạo: Trung Hậu

Biểu diễn: Tốp nữ  - Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim Phú Thọ

12. Hòa tấu nhạc cụ dân tộc: Glai rơnang sang mơak "làng ta tươi đẹp"

Dân ca Jrai - Dàn dựng: Khắc Phú

Biểu diễn: Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San

13. Ca trù: Quê hương ngày mới

Soạn lời: Lê Hữu Thường

Biểu diễn: Thu Hà, Văn Đài, Quốc Dũng - Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh

14. Hát xẩm: Cõi bờ trong tiếng mẹ ru

Soạn lời: NSND. Hồng Lựu

Biểu diễn: Mai Hương, Tuấn Thương, Viết Hưng, Minh Tài và tốp múa - Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An

15. Độc tấu T'rưng: Kể chuyện làng hồ

Sưu tầm và phát triển dân ca  Bahnar: Y Nhơn

Biểu diễn: Y Nhơn, dàn nhạc dân tộc và tốp nam nữ - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum

16. Nói thơ, hát, đọc vè: Thi tài nói dóc

(Nói thơ Vân Tiên, Lý cái phảng, Lý ăn giỗ, Nói thơ Lạc nô và Vè nói lái)

Biên soạn: Lư Nhất Vũ, Lê Giang

Biểu diễn: Tốp nam nữ và nhóm múa - Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bến Tre

17. Tấu sáo Mông: Chợ tình

Âm nhạc: Đức Liên

Biển diễn: Minh Quang - Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang

18. Đơn ca: Đà Nẵng tung cánh đại bàng

Tác giả: Đỗ Thị Bửu

Biểu diễn: Nghệ nhân Huyền Tân - Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thành phố Đà Nẵng

19. Hòa tấu: Lưu Thủy - Bình Bán - Kim Tiền - Xuân Phong - Long Hổ

Biểu diễn: Câu lạc bộ Đờn ca tài tử - Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa

20. Tam tấu Nhạc cụ dân tộc: Đảo ngũ cung 20 câu

Biểu diễn: NNƯT. Phan Thành Trí, Bùi Lê Văn, Lê Minh Tiến - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh

21. Tiết mục: Âm sắc bản Dao

Sáng tác: Triệu Tiến

Biểu diễn: Đội văn nghệ xóm Rãnh, xã Toàn Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình

22. Dân ca Trống quân Vĩnh Phúc: Trống quân Đức Bác

Biểu diễn: Tốp nam nữ - Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc

23. Hát đúm: Cưới chịu

Biểu diễn: Đinh Như Hăng, Đinh Thị Hoài - Đoàn Nghệ thuật quần chúng thành phố Hải Phòng

IV. HUY CHƯƠNG BẠC TIẾT MỤC

1. Hòa tấu: Lý con khỉ - Lý lươn đệm - Lý Quạ kêu

Hòa âm phối khí:  Lê Của

Diễn tấu:  Lê Của (đờn kìm), Thái An (đờn Bầu), NNUT Hoàng Dũng (đờn tranh), Thanh Sơn (bộ gõ) - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang

2. Múa: Lúa trời

(Phát triển trên nền nhạc Lý cây bông - dân ca Nam Bộ)

Âm nhạc: Phương Đông - Biên đạo múa: Hoài Phúc

Biểu diễn: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh An Giang

3. Dân ca hài: Ai cũng khen anh

(Theo điệu Lý con cúm núm, Lý cây cám)

BD: NNƯT Thanh Tùng, NNƯT Trường Út - Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ

4. Múa dân gian Khmer: Niềm vui ngày mùa

Âm nhạc: Dân gian Khmer - Biên đạo: NSƯT Nhật Danh, Tuấn Kiệt

Biểu diễn: Tốp dân vũ Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ

5. Ca khúc: Hồn quê

Âm nhạc: Ái Cầm, Đạt Kìm

Biểu diễn: Trúc Lai và CLB Múa Trung tâm Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh

6. Liên khúc: Thành phố vươn cao - Thành phố tương lai

Sáng tác: Đinh Hoàng Vũ, NSƯT. Huỳnh Khải

( Theo thể điệu lý Chim Xanh, Lý Ngựa Ô Nam Bộ)

Biểu diễn: CLB Ca sĩ, CLB Múa - Trung tâm Văn hóa Tp. Hồ Chí Minh

7. Tốp ca nữ: Ru con trên chân (Chu choang con nga)

Tác giả: Y Minh Trang (phát triển dân ca H’re)

Biểu diễn: Tốp ca nữ, tốp múa nữ và dàn nhạc đệm (chiêng, đàn và trống) - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi

8. Song ca: Ông xã, bà đội

Biểu diễn: Quang Thọ, Kiều Oanh - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi

9. Tấu sáo Mông: "Sáo Mông xuống chợ"

Biểu diễn: Ly Ly Pó - Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa

10. Hát dân ca Mông: Ca ngợi Bác Hồ Chí Minh

Lời dịch: Pó Ly

Biểu diễn: Hơ Thị Má và tốp múa - Trung tâm Văn hóa tỉnh Thanh Hóa

11. Giá hầu: Quan Hoàng Mười

Biểu diễn: Minh Hoàng cùng tốp nam nữ - Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh Nam Định

12. Làn điệu Chèo cổ: Luyện năm cung

Biểu diễn: Thu Hiền - Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Triển lãm tỉnh Nam Định

13. Dân ca Quan họ Bắc Ninh: Lý cây đa

Biểu diễn: Tốp ca nam nữ & Nhóm múa minh họa - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng

14. Dân ca Nam bộ: Lý Đất Giồng

Biểu diễn: Hữu Thắng, Dương Hiền & Nhóm múa minh họa - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng

15. Dân ca quan họ cổ: Vui bốn mùa

Biểu diễn: Tốp nam nữ và tốp múa - Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh

16. Dân ca quan họ cổ: Ngồi tựa mạn thuyền

Biểu diễn: Tốp nam - Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Ninh

17. Hát chèo: Nhớ về Hải Dương

Soạn lời: Đức Minh

Biểu diễn: Minh Tuấn và tốp múa Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hải Dương

18. Tiết mục múa: Trống cơm

Dàn dựng: Minh Thúy          

Biểu diễn: Tốp nam nữ - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hải Dương

19. Tiết mục múa: Tự tình Hương Giang

Biên đạo: Phan Tuần

Biểu diễn: Tốp múa Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế

20. Tổ khúc dân ca: Khúc hát quê hương

Lời mới: Minh Khiêm

Biểu diễn: Toàn đoàn Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế

21. Hòa tấu trống, chiêng: Âm vang Đất tổ cội nguồn

Biên đạo và dàn dựng: Hồng Vân - Trung Hậu

Biểu diễn: Tốp nam nữ - Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim Phú Thọ

22. Xoan cổ: Xin huê - Đố huê         

Biểu diễn: Tốp nam nữ - Trung tâm Văn hóa và Chiếu phim Phú Thọ

23. Dân ca Bahnar: "Ju Tam Tơnh Jơng Tam Ngớt"

Dàn dựng Khắc Phú - Biên đạo: Quỳnh Giao

Biểu diễn: Tốp nam Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San

24. Dân ca Bahnar: Blơn Blan Hla Chặt Rim Kông - "khi mùa xuân về"

Biểu diễn: Y Ben - Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San

25. Tiết mục: Đường lên Cổng Trời

Soạn lời: Lê Quyết Diễn

Biểu diễn: Quyết Diễn, Hồng Liên - Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh

26. Tiết mục: Muối mắm nên duyên

Soạn lời: Nguyễn Văn Mạnh

Biểu diễn: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh

27. Đối ca dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh: O hàng bán rượu

Soạn lời: Cao Xuân Thưởng

Biểu diễn: Đình Tuấn, Thanh Hằng - Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An

28. Diễn xướng: Tình quê trong nón lá

Soạn lời: NSƯT. An Ninh

Biểu diễn: Mai Hương, Thanh Hậu, Ngọc Khánh, Thu Hoan, Biên Thùy, Hồng Vân, Thanh Mai cùng toàn đoàn Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An

29. Tiết mục: Mãi không rời xa

Tác giả: NSƯT A Dũh (Phát triển làn điệu dân ca Xê Đăng)

Biểu diễn: A Xin và Y Ngũch và dàn nhạc cụ dân tộc - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum

30. Tiết mục múa: Pơ Toi erih nao (lễ bỏ mả)

Âm nhạc: Phạm Tịnh - Biên đạo: NSƯT Ngọc Hân, Thanh Tuấn

Biểu diễn: Phương Dung, A Đa Li, A Guis, Nay Y Won, Y Nhi và tốp múa Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Kon Tum

31. Tiết mục: Rủ nhau câu cá

(Lý con cá,  Vè con cá)

Biên soạn: Lê Anh Trung

Biểu diễn: Hoàng Lam, Hoài Phương và nhóm múa Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bến Tre

32. Tiết mục: Ngời sáng tương lai

(Hò, lý cúm núm, lý cái mơn, nói thơ Vân Tiên, Lý cây ổi)

Biên soạn: Minh Viễn

Biểu diễn: Tốp nam nữ và nhóm múa - Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Bến Tre

33. Tiết mục Then cổ: Khảm Hải

Biểu diễn: Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang

34. Tiết mục múa: vũ điệu Chim Gâu (dân tộc Cao Lan)

Biểu diễn: Trung tâm Văn hóa tỉnh Tuyên Quang

35. Hòa tấu nhạc cụ: Đà Nẵng ngày mới

Dân ca khu V

Biểu diễn: Nguyễn Tình (đàn bầu), Trương Tuấn Hải (trống), Lê Nguyễn Vỹ (Đàn nhị, sáo), Lê Kim Vui (Đàn Tranh), Phạm Hồng Thái (Guitar phím lõm) - Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thành phố Đà Nẵng

36. Song ca: Hương tình Đà Nẵng

Tác giả: Cao Văn Minh

Biểu diễn: NNƯT. Thanh Châu, NN Huyền Tân - Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thành phố Đà Nẵng

37. Song ca: nụ cười ngày con nhập ngũ

Dân ca bài chòi

Biểu diễn: Vũ Linh, Ngọc Sương - Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa

38. Tiết mục múa:  Thanh sắc xứ Trầm

Dàn dựng: Bá Cương

Biểu diễn: Tốp múa Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Khánh Hòa

39. Tiết mục: Sông nước Tây Ninh - Về thăm Tây Ninh quê em

Sáng tác: Lê Phú - Xuân Hồng

Biểu diễn: Kim Ngân, tốp đế nam nữ và nhóm múa Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh

40. Song ca: Lý con chuột 1 - Lý con chuột 2 - Lý chuột và mèo

Sưu tầm và ký âm: Lê Hữu Trịnh

Biểu diễn: Hồng Ân, Kim Tuyến - Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh

41. Hòa tấu Chiêng Mường: Bến Rậm Sông Bờ - Khen Đất Khen Mường - Trầm Khầm

Biên soạn và dàn dựng: Bùi Ngọc Tú

Biểu diễn: Đoàn Nghệ thuật quần chúng huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình

42. Hát Chầu văn: Hòa Bình xưa và nay

Đặt lời mới: NNƯT. Trần Mạnh Hùng

Biên đạo và Dàn dựng: Nguyễn Mạnh Tuấn

Biểu diễn: NNƯT Trần Mạnh Hùng - Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Hòa Bình

43. Dân ca Trống quân Vĩnh Phúc: Hò bên sông Lô

Biểu diễn: Duy Sỹ và tốp nam nữ - Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc

44. Dân ca Trống quân Vĩnh Phúc: Xin hoa đố chữ

Biểu diễn: Xuân Hưởng, Hồng Thắm và tốp nam nữ - Trung tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc

45. Ca trù: Tràng An hoài cổ

Tác giả: Nguyễn Công Trứ

Biểu diễn: Phạm Thị Liên, Tô Văn Kiên, Lê Văn Thái - Đoàn Nghệ thuật quần chúng thành phố Hải Phòng

46. Độc tấu đàn tranh: Rặng tre trước gió

Biểu diễn: Nguyễn Thị Bích Ngọc - Đoàn Nghệ thuật quần chúng thành phố Hải Phòng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trao giải cuộc thi Kiều bào hát dân ca trên VOV
Trao giải cuộc thi Kiều bào hát dân ca trên VOV

VOV.VN - Sau gần 7 tháng phát động, cuộc thi Kiều bào hát dân ca trên VOV đã kết thúc với 20 giải thưởng được trao cho các thí sinh là bà con ở nước ngoài cũng như người nước ngoài yêu mến nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Trao giải cuộc thi Kiều bào hát dân ca trên VOV

Trao giải cuộc thi Kiều bào hát dân ca trên VOV

VOV.VN - Sau gần 7 tháng phát động, cuộc thi Kiều bào hát dân ca trên VOV đã kết thúc với 20 giải thưởng được trao cho các thí sinh là bà con ở nước ngoài cũng như người nước ngoài yêu mến nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Lò Thị Ban - nghệ nhân nặng lòng với làn điệu dân ca Thái
Lò Thị Ban - nghệ nhân nặng lòng với làn điệu dân ca Thái

VOV.VN - Nghệ nhân Lò Thị Ban, ở bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La được nhiều người biết tới. Không chỉ vì chị có giọng hát dân ca Thái truyền cảm, ngọt ngào, mà còn là người góp phần gìn giữ, truyền dạy để làn điệu dân ca của dân tộc mình còn mãi cho đời sau.

Lò Thị Ban - nghệ nhân nặng lòng với làn điệu dân ca Thái

Lò Thị Ban - nghệ nhân nặng lòng với làn điệu dân ca Thái

VOV.VN - Nghệ nhân Lò Thị Ban, ở bản Hìn, phường Chiềng An, thành phố Sơn La được nhiều người biết tới. Không chỉ vì chị có giọng hát dân ca Thái truyền cảm, ngọt ngào, mà còn là người góp phần gìn giữ, truyền dạy để làn điệu dân ca của dân tộc mình còn mãi cho đời sau.

64 năm và những điệu dân ca trên làn sóng phát thanh
64 năm và những điệu dân ca trên làn sóng phát thanh

VOV.VN - 64 năm qua, các chương trình dân ca với đầy đủ các loại hình nghệ thuật theo cánh sóng vươn xa, tới với thính giả cả nước.

64 năm và những điệu dân ca trên làn sóng phát thanh

64 năm và những điệu dân ca trên làn sóng phát thanh

VOV.VN - 64 năm qua, các chương trình dân ca với đầy đủ các loại hình nghệ thuật theo cánh sóng vươn xa, tới với thính giả cả nước.