Lập công ty “ma” để trốn tránh trả tiền tác quyền âm nhạc

VOV.VN - Để trốn tránh trả tiền tác quyền âm nhạc, nhiều đơn vị còn thành lập nên những công ty “ma” gây khó khăn không nhỏ cho việc thu phí.

VCPMC (Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam) mới đây đã có một buổi làm việc với Ban chủ nhiệm CLB Cựu Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội về việc: Tác động của một số chính sách pháp luật ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật gây khó khăn cho công tác bảo hộ quyền tác giả âm nhạc, ảnh hưởng đến cam kết của Việt Nam với quốc tế và đề xuất giải pháp.

Trong buổi làm việc, VCPMC đã công bố danh sách 78 chương trình ca nhạc lớn nhỏ trong cả nước chưa thực hiện nghĩa vụ về quyền tác giả âm nhạc tính đến ngày 26/10/2018.

Lập cả công ty “ma” để trốn tác quyền

Theo ông Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC, hiện Trung tâm đang rất “rốt ráo” để thu tiền tác quyền âm nhạc nhưng cũng rất băn khoăn và e ngại liệu có thể thu hồi được hay không? Ông nêu ra tình trạng, ca sĩ hát một đêm 2-3 ca khúc kiếm được vài trăm triệu, nhưng nhạc sĩ sáng tác ra ca khúc đó thì khi ốm không có tiền mua thuốc.

Số tiền trả tác quyền dù không đáng là bao nhiêu so với phần lợi của ca sĩ, bầu sô vậy mà khi trả tiền tác quyền thì tìm đủ mọi cách tránh né, thậm chí chửi bới um sùm và còn lập cả công ty “ma” để trốn tránh.

"Thực tế có những đơn vị thành lập tới 4 công ty, xin cấp phép làm 4 chương trình, làm xong chương trình nào là xóa sổ luôn công ty. Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có tìm đến nơi cũng chẳng đòi được tiền" - ông Cẩn nói.

Ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho biết, ca sĩ hát một bài kiếm 300 - 500 triệu mà khi tác giả đòi tiền tác quyền thì chửi um sùm.

Ông Cẩn cũng giải thích thêm, sở dĩ có hiện tượng vi phạm tràn lan tác quyền như hiện nay là vì các đơn vị tổ chức đã tìm thấy kẽ hở trong quy trình cấp phép để lách luật. Trước kia, nếu muốn xin giấy phép cho các chương trình nghệ thuật, biểu diễn, các đơn vị tổ chức sẽ phải thực hiện xin phép các tác giả trước. Trong bộ hồ sơ cấp phép cần phải có hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

Tuy nhiên, theo Nghị định 142/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 9/10/2018), trong Điều 6 Nghị định quy định: Bãi bỏ thành phần hồ sơ “01 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thoả thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả” tại thủ tục cấp Giấy phép biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và Giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, quy định tại khoản 5 và khoản 14 Điều 1 Nghị định số 15/2016/NĐ-CP.

Trước đó, ngày 18/4/2018, Bộ VHTTL đã ra Quyết định số 1396QĐ – BVHTTDL về việc phê duyệt phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ VHTTDL, làm cơ sở để xây dựng dự thảo Nghị định mới về hoạt động nghệ thuật biểu diễn thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ - CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP.

Tại Phụ lục lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (kèm theo Quyết định 1396) có nêu phương án cắt giảm điều kiện "hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả" trong thủ tục cấp giấy phép biểu diễn và giấy phép phê duyệt nội dung bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu (tại Điều 9, Điều 24 Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 15/2016/NĐ-CP).

Theo đại diện của VCPMC, quy định này đi ngược lại với Công ước quốc tế và Luật Sở hữu trí tuệ. Điều 18, 19, 20 của luật Sở hữu trí tuệ ghi rõ: tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng quyền tác giả phải xin phép và trả nhuận bút, thù lao. Việc trả tiền này luôn tuân thủ nguyên tắc: phải xin phép trước mới được sử dụng. Công ước Berne cũng quy định rõ, tác giả được toàn quyền hoặc độc quyền cho phép sử dụng tác phẩm.

Cần có chính sách pháp luật phù hợp thực tiễn

Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam - nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi cho biết, khi Nghị định được đưa ra để lấy ý kiến, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã cùng VCPMC soạn thảo văn bản về việc cần thiết phải có chứng nhận này. Tuy nhiên, sau đó Nghị định ra đời vẫn giữ quan điểm không yêu cầu nộp giấy thỏa thuận tác quyền trong hồ sơ xin cấp phép biểu diễn.

Theo ông Đinh Trung Cẩn, Nghị định 142 chỉ thực hiện được với điều kiện hiểu biết chung về bản quyền, cũng như tinh thần chấp pháp của xã hội đã được nâng cao. Còn trong giai đoạn ý thức về bản quyền vẫn còn rất yếu như hiện nay, Nghị định 142 gây khó khăn cho những đơn vị bảo vệ bản quyền như VCPMC, tạo ra lỗ hổng pháp lý để lách luật và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về việc vi phạm, cũng như sẽ triệt tiêu sự sáng tạo của nhạc sĩ.

Ông Nguyễn Văn Thuận, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho biết, bên cạnh thanh tra, kiểm soát thì yêu cầu này cũng là kênh giúp nhà nước kiểm soát. Chưa kể, nó cũng góp phần xây dựng ý thức pháp luật của người sử dụng âm nhạc.

Bà Bùi Thị An, đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng: “Tôi đồng ý đây là tài sản riêng, có quyền bán, cho và quyền thỏa thuận. Khi việc này đã khơi ra, nếu luật có điều chưa thật phù hợp thì vẫn có quyền báo cáo với Chính phủ. Quan trong là phải minh bạch, thu chi rõ ràng nhằm tạo sự đồng thuận, phát triển”.

Ông Vũ Đức Khiển, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội, cho biết có thể gửi kiến nghị tới Quốc hội, Chính phủ về vấn đề thay đổi quy định này.

Hiện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã gửi văn bản tới các cơ quan chức năng với mong muốn cần phải quy định rõ phải có "hợp đồng sử dụng quyền tác giả với chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền mà chủ sở hữu quyền tác giả đã ủy quyền".

“Phải trả lại sự sòng phẳng đúng nghĩa, không chỉ tiền bạc mà còn tình cảm. Hơn nữa, chúng tôi mong muốn điều chỉnh các điều lệ cho phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Đinh Trung Cẩn nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ minh bạch việc thu tác quyền âm nhạc qua ti vi
Sẽ minh bạch việc thu tác quyền âm nhạc qua ti vi

VOV.VN - Tổng số tác phẩm âm nhạc một số kênh truyền hình chính sử dụng trong tháng 10 vừa qua là hơn 800 bài hát, tổng số lần phát gần 2.100 lần. 

Sẽ minh bạch việc thu tác quyền âm nhạc qua ti vi

Sẽ minh bạch việc thu tác quyền âm nhạc qua ti vi

VOV.VN - Tổng số tác phẩm âm nhạc một số kênh truyền hình chính sử dụng trong tháng 10 vừa qua là hơn 800 bài hát, tổng số lần phát gần 2.100 lần. 

Thu phí tác quyền ở khách sạn từ 1/10: Không được áp đặt giá
Thu phí tác quyền ở khách sạn từ 1/10: Không được áp đặt giá

VOV.VN - Việc VCPMC thông báo tiếp tục thu phí bản quyền tivi ở khách sạn từ 1/10 tới là vấn đề đang gây khá nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian gần đây.

Thu phí tác quyền ở khách sạn từ 1/10: Không được áp đặt giá

Thu phí tác quyền ở khách sạn từ 1/10: Không được áp đặt giá

VOV.VN - Việc VCPMC thông báo tiếp tục thu phí bản quyền tivi ở khách sạn từ 1/10 tới là vấn đề đang gây khá nhiều tranh cãi trong dư luận thời gian gần đây.

Cục NTBD không đồng tình với việc thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi
Cục NTBD không đồng tình với việc thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi

VOV.VN - Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, việc các chủ khách sạn ở Đà Nẵng phản ứng về cách thu tiền của VCPMC là hoàn toàn có lý.

Cục NTBD không đồng tình với việc thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi

Cục NTBD không đồng tình với việc thu tiền tác quyền âm nhạc qua tivi

VOV.VN - Thứ trưởng Vương Duy Biên cho rằng, việc các chủ khách sạn ở Đà Nẵng phản ứng về cách thu tiền của VCPMC là hoàn toàn có lý.