Liên hoan nghệ thuật Hát Then – Đàn Tính lần thứ 5 hướng đến giới trẻ
VOV.VN - Trong dịp này sẽ có rất nhiều “nghệ nhân”, diễn viên nhí được tham gia trình diễn các tiết mục Then tại lễ khai mạc và tại Đêm hội Thành Tuyên.
Cây đàn Tính và làn điệu Then đã gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái bao đời nay, trở thành một phần tinh thần, cội rễ, làm nên bản sắc, nét đẹp riêng có các dân tộc. Do đó Liên hoan nghệ thuật Hát Then – Đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái được tổ chức không chỉ là dịp để giới thiệu vẻ đẹp, sức sống của một nét tâm hồn mà còn để nối dài mãi vẻ đẹp, sức sống ấy đến các thế hệ mai sau. Trong lần thứ 5 tổ chức, Liên hoan mang chủ đề “Bảo tồn, phát huy nghệ thuật Hát Then – Đàn Tính trong thời kỳ xây dựng và phát triển bền vững đất nước", kéo dài từ 24 đến 26/9 tới tại tỉnh Tuyên Quang. Trước thềm Liên hoan, PV Đài TNVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang, Trưởng ban tổ chức liên hoan.
Hát Then. Ảnh minh họa. |
PV: Nhiều năm qua, Liên hoan nghệ thuật Hát Then – Đàn Tính đã từng được tổ chức tại nhiều địa phương có di sản Then. Trong lần này, Tuyên Quang sẽ làm gì để liên hoan không bị trùng lặp so với những lần tổ chức trước?
Ông Nguyễn Hải Anh: Không gian Then của các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc tương đối giống nhau. Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn… đã từng tổ chức các liên hoan này trước đây, tỉnh nào cũng tìm ra cho mình một nét riêng. Và Tuyên Quang cũng cố gắng tìm cho mình một nét riêng. Thứ nhất, chúng ta có một Hội thảo quốc tế lớn với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài cũng là những người nghiên cứu về Then nhiều năm nay và sẽ có những chia sẻ tại Hội thảo để chúng ta làm như thế nào để bảo tồn và phát huy di sản Then trong cộng đồng.
Thứ 2, Tuyên Quang sẽ tổ chức cho các cháu học sinh và cả sinh viên đại học của Tuyên Quang đến dự, cùng giao lưu với các nghệ nhân Then các tỉnh về tham gia liên hoan. Tôi nghĩ là sẽ tạo ra cho giới trẻ một sự hào hứng, đam mê để có thể khám phá nghiên cứu hơn nữa về Then.
PV: Được biết, Liên hoan nghệ thuật Hát Then – Đàn Tính lần thứ 5 được tổ chức cùng với lễ hội Thành Tuyên, một lễ hội Trung Thu đã diễn ra nhiều năm qua tại tỉnh, ông có thể cho biết tại sao lại có sự kết hợp này?
Ông Nguyễn Hải Anh: Liên hoan hát Then được tổ chức vào đúng dịp lễ hội Thành Tuyên là sự kết hợp vô cùng độc đáo, bởi Then là “món ăn” không thể thiếu của các dân tộc Tày, Nùng Thái. Trong Then có rất nhiều nghi lễ và hoạt động nghệ thuật mà trong đó có rất nhiều nghi lễ để người dân Tày, Nùng, Thái bày tỏ tình cảm của mình lên các đấng bề trên, lên miền trời. Họ bày tỏ qua rất nhiều lễ hội và dịp Trung thu cũng là dịp để các dân tộc Tày, Nùng, Thái qua các làn điệu Then, nghi lễ Then của mình dâng lên với tổ tiên với những người họ tôn thờ những tình cảm chân thật, quý mến, kính trọng nhất. Chính vì thế, việc kết hợp tô chức Liên hoan hát Then và lễ hội Thành Tuyên sẽ rất thú vị, vừa đậm chất văn hóa vừa đậm chất tính nhân văn, cũng như thể hiện được mong mỏi nguyện vọng, quyết tâm của nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy di sản Then trong đời sống cộng đồng.
PV: Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội dành cho thiếu nhi, vậy hát Then trong liên hoan lần này sẽ được thể hiện như thế nào cho phù hợp với đối tượng này?
Ông Nguyễn Hải Anh: Chúng tôi có những diễn viên, “nghệ nhân” Then chỉ ở lửa tuổi lớp 1, lớp 2. Đây là điều chúng tôi rất tự hào vì các cháu thiếu nhi khi còn ngồi trên ghế tiểu học đã quan tâm tới Then, có những cháu diễn hết sức nhuần nhuyễn và say mê như nghệ nhân thực thụ. Trong dịp này sẽ có rất nhiều “nghệ nhân”, diễn viên nhí được tham gia trình diễn các tiết mục Then tại lễ khai mạc và tại Đêm hội Thành Tuyên. Qua đó cho mọi người thấy rằng Then ở Tuyên Quang và các tỉnh trong vùng Then cả nước không chỉ giới hạn trong số ít người già, người lớn tuổi hay nghệ nhân cao tuổi mà Then đã lan truyền, lan tỏa ra cả các thế hệ tương lai. Điều này thể hiện sức sống mãnh liệt của Then trong lòng đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái.
Các diễn viên nhí, các diễn viên còn rất trẻ sẽ tham gia biểu diễn các tiết mục Then cổ và cả những tiết mục Then hiện đại được dựng lời theo cơ sở của làn điệu cổ. Đây sẽ là yếu tố bất ngờ cho các đại biểu.
PV: Ngoài các hoạt động trong Liên hoan nghệ thuật Hát Then – Đàn Tính, để Then có thể phát huy sức sống trong giới trẻ cũng như các cháu thiếu nhi, thời gian qua việc truyền dạy Then trong nhà trường cũng như trong cộng đồng đã được Tỉnh đầu tư, quan tâm như thế nào?
Ông Nguyễn Hải Anh: Tiếc là trong trường phổ thống hiện nay chưa có giáo trình về Then. Tuy nhiên có chương trình ngoại khóa rất hiệu quả để có thể truyền dạy và duy trì di sản Then từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mô hình hiệu quả nhất là câu lạc bộ Then tại các thôn, bản, làng xóm, các tổ dân phố. Nơi đây có sự giao lưu truyền dậy giữa nghệ nhân lớn tuổi và lớp trẻ. Những câu lạc bộ này được hình thành trên tinh thần tự giác.
Hiện nay ở Tuyên Quang chúng tôi có rất nhiều nghệ nhân lớn tuổi. Trong đó có nghệ nhân Hà Thuấn, nghệ nhân Mai Văn Đức đang thực hiện công tác dịch toàn bộ lời Then cổ của ông cha sang tiếng phổ thông. Hiện nay 2 nghệ nhân này đã dịch được khoảng 1000 trang. Chúng tôi đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch sớm xuất bản các tập Then của Tuyên Quang để có thể quảng bá hơn nữa cũng như để mọi người có thể hiểu thêm về ý nghĩa những câu Then, nghi lễ Then là gì và qua đó khơi dậy thêm sự hiểu biểu của họ đối với Then.
PV: Vâng xin cảm ơn ông!./.