Mùa xuân, xốn xang tiếng Khèn tình tự...
VOV.VN - Cây khèn gắn bó với nhiều dân tộc ở vùng cao và được sử dụng vào những ngày vui, ngày lễ đầu xuân…
Những năm 1980 của thế kỷ trước chúng tôi thường hay về Thanh Hóa để thu thanh các tiết mục văn nghệ dân gian. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Văn Ban lúc đó là người dân tộc Thái mấy lần đưa chúng tôi về huyện Quan Hóa quê ông để thu thanh dân ca Thái và còn đưa chúng tôi sang cả huyện Mai Châu gần đó của tỉnh bạn Hòa Bình để thưởng thức tiết mục “Hạn Khuống” vui tươi sống động.
Ông Hà Văn Ban thuộc nhiều bài dân ca Thái, dân ca Mường và rất giỏi thổi khèn. Vị Chủ tịch tỉnh rất yêu văn nghệ, nghiên cứu sâu và thuộc nhiều bài khèn. Ông kể chuyện về cây khèn rất say sưa khó mà dứt ra được. Có hôm ngủ với ông ngay văn phòng của Ủy ban tỉnh, nghe ông kể đến gần 2h sáng, chúng tôi vẫn không quên mở máy ghi âm để ghi lại câu chuyện.
Đối với nhiều dân tộc, Khèn là loại nhạc cụ hết sức thân thuộc và gần gũi - Ảnh: Hoàng Minh |
“Vào một đêm trăng sáng, chàng trai người Thái đến nhà người mà mình định tìm hiểu, thì cô gái đã ngủ. Muốn đánh thức cô gái dậy để nghe hát tỏ tình, chàng trai liền lấy khèn ra, đưa lên miệng thổi, sau đó nhẹ cất tiếng hát:
Em ơi! Thức ra đầu sàn mà ngắm sao Vì,
Dậy ra cuối sàn mà trông sao Bản,
Em sẽ thấy anh...
(Hát Khắp - dân ca Thái)
Khèn không chỉ có mặt ở bản Thái mà khèn còn thấy xuất hiện ở nhiều điểm sinh hoạt văn nghệ của đồng bào Mông, Mường, Lào... Ngoài cái tên chung là khèn, còn có những tên gọi khác nữa như: Khèn Thái, Khèn Mường, Khèn Lào, Khèn bè...
Trong những ngày vui dựng nhà mới, mừng vụ lúa bội thu hay ngày hội đón xuân tung Còn, đồng bào Mường, ngoài tiếng Cồng rộn rã, còn thổi khèn để đệm những khúc hát theo điệu Thường (Xương, Thương) hay Đang (Rang)...
Tiếng khèn ấm áp hòa cùng tiếng hát thiết tha, ngợi ca cuộc sống mới hạnh phúc hôm nay.
"Xương (Thương) i à í ơi.
Mỗi mùa hoa nở trước sổ (cửa sổ)
Đơm nụ tròn như búp tai ai
Đơm nụ tròn như búp tai cô gái Mường..."
(Hát Thường – dân ca Mường)
Đối với đồng bào Mông, tiếng hát, tiếng khèn cần như cơm ăn, nước uống. Không chỉ ngày vui mới nghe tiếng khèn, đồng bào Mông còn sử dụng khèn trong những ngày tang lễ, hoặc làm đạo cụ múa cho những chàng trai trong ngày hội đầu xuân thi tài, đọ sức.
Nhìn chung khèn có hai loại - loại chưa cải tiến và loại (bước đầu) đã cải tiến (dạng khèn bè). Loại chưa cải tiến thường dùng ở các bản, các mường, hàng âm từ thấp lên cao.
Loại đã được cải tiến (bước đầu) thường dùng ở các đoàn văn công địa phương. Hàng âm có thêm nhiều nốt, theo như: Bàn tay trái bấm những nốt dành cho ngón tay cái (trái); Bàn tay phải bấm những nốt dành cho ngón tay cái (phải); Hàng âm từ thấp đến cao (cả hai tay).
Theo hàng âm trên, ta lại thấy khèn (cải tiến) có những nốt (nếu sắp xếp chồng lên nhau một quãng ba) sẽ tạo ra những hợp âm trưởng, thứ, đảo 1, đảo 2.
Khèn là một loại nhạc cụ có thể thổi được nhiều âm thanh cùng một lúc. Trong dân gian, các nghệ nhân thường thổi hai nốt trở lên (ít khi gặp chỉ có một nốt bè), có phần giai điệu, có phần đệm. Nếu tính cả nốt trì tục (pédale), ta nghe thấy có tới ba bè nhưng thực ra những nốt trì tục này thường là nốt đồng âm, quãng tám hoặc nốt 1, nốt 5...
Trong bài khèn "Đánh thức cô gái dậy ra mở cửa" do ông Lường Văn Phanh xóm Mượt, xã Côm Pheo, huyện Mai Châu, dân tộc Thái ở Hoà Bình thổi. Nghe bài khèn này, ta thấy khá phức tạp. Cách thổi giữa hai bè gần gũi với cách viết hiện nay, nhưng khi thổi, nhịp điệu không quá nhanh (nhanh quá, tiếng khèn sẽ không được rõ nét).
Khèn không những độc tấu, hòa tấu mà khèn còn có thể kết hợp với nhiều nhạc cụ khác nữa, như khèn đệm tính tẩu, khèn song tấu với sáo Mông hoặc ống ôi (sáo của đồng bào Mường)... Tiếng khèn nâng tiếng sáo. Tiếng tính tẩu đi chung giai điệu làm tiếng khèn thêm rõ nét.
Âm thanh của khèn khi dùng nhiều nốt hay khi thổi theo âm hình rải làm cho người nghe dễ nhận ra hình tượng định diễn tả như tiếng suối reo, tiếng nước chảy... làm tăng phần cảm thụ.
Nhờ có khèn, chàng trai người Thái đã hăng say trong lao động cùng cộng đồng (Ảnh minh họa: Sỹ Đức) |
Đã nhiều năm nay, trên sân khấu ca múa nhạc đã có những tiết mục biểu diễn khèn, nhưng chưa nhiều. Đặc biệt, những tác phẩm mới, với hình thức tương đối quy mô, nhưng vẫn còn ít. Vì vậy khèn chưa phát huy được hết khả năng như một số nhạc cụ khác như tính tẩu, sáo Mông…
Việc nghiên cứu cải tiến, việc đào tạo các nhạc công chơi khèn đòi hỏi phải có thời gian. Nhưng vấn đề cần đặt ra, để khèn có thể góp xuất hiện nhiều hơn nữa vào nền văn nghệ của nước nhà, như truyền thuyết của dân tộc Thái về cây khèn có kể: Nhờ có khèn, chàng trai người Thái đã hăng say trong lao động cùng cộng đồng:
"... Cuốc đất, đất ra hoa
Trồng cây cây ra quả
Nương lúa lên bông mẩy hạt
Bè bạn kéo đến, cầm tay nhảy
Cùng múa hát dưới trăng…"
Câu chuyện kể của vị Chủ tịch tỉnh yêu văn nghệ giữa đêm khuya trên vùng đất xứ Thanh, cho đến nay như vẫn còn tươi rói trong ký ức của mỗi chúng tôi. Theo ông Hà Văn Ban, cây khèn– cũng là bạn tình suốt đời ông yêu mến và thích “khoe” với mọi người về “đặc sản” của dân tộc mình. Ông không còn nữa, nhưng giọng hát và tiếng khèn của ông vẫn như còn vọng vang, vẫn như còn réo rắt khi mừa xuân về./.