Kết nối Trường Sơn với Trường Sa bằng thơ - nhạc
VOV.VN - “Em gái Xê Đăng ở Trường Sa” là món quà Tết bằng âm nhạc ý nghĩa
dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa thân yêu.
dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa thân yêu.
“Em gái Xê Đăng ở Trường Sa” mang đến cho người nghe cảm giác thân thương gần gũi. Hình ảnh cô gái người Xê Đăng từ đại ngàn Tây Nguyên ra thăm đảo Trường Sa với những bước chân “thung thăng” trên đảo. Hình ảnh những người chiến sĩ với nước da sạm nắng, rắn rỏi ôm súng bảo vệ vùng biển trời quê hương nơi đầu sóng ngọn gió. Hình ảnh những đoàn công tác là những cán bộ, nhà báo, nhạc sĩ từ đất liền đến với đảo… Tất cả được hòa quyện gắn kết, trong tình yêu quê hương đất nước “Trường Sơn liền một dải với Trường Sa”.
Nhà báo Uông Ngọc Dậu và Nhà báo, nhạc sĩ Trần Nhật Dương tại phòng thu của Hệ VOV3 (Đài TNVN) |
PV: Nhà báo Uông Ngọc Dậu có thể chia sẻ cảm xúc khi ông viết bài thơ “Em gái Xê Đăng ở Trường Sa”?
Nhà báo Uông Ngọc Dậu: Tháng 4/2013, tôi có một chuyến công tác ra Trường Sa. May mắn trên cùng chuyến tàu HQ 996 có cả các đồng nghiệp của Đài TNVN là nhạc sĩ, nhà báo Trần Nhật Dương, nhà báo Trần Nhật Minh…
Trong nhiều chuyến công tác tới các đảo trước đây, tôi đã có sẵn một cái tứ thơ cứ trở đi trở lại, quanh quẩn trong đầu. Tôi muốn viết một cái gì đó nhưng rồi không bật được ra.
May mắn trong chuyến đi lần này có một số đại biểu người dân tộc thiểu số thuộc đoàn của huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum. Trong đoàn có một cô gái tên Y Thọ, là cán bộ huyện Đắk Hà và là người dân tộc Xê Đăng. Trong mấy ngày lênh đênh trên biển đến với các đảo, tôi đã quan sát cô gái Xê Đăng này với những tình cảm rất hồn nhiên, trong sáng.
Và ý thơ đầu tiên đã bật ra giữa đảo chìm, đảo nổi, giữa biển đông Trường Sa: “Em gái Xê Đăng thung thăng Trường Sa”. Từ mạch cảm xúc đó, tôi tiếp tục viết ra khổ thơ đầu, khổ thơ thứ hai nối tiếp.
Điều mà tôi muốn nói chính là câu chuyện về mạch Trường Sơn nối với Trường Sa mà điểm tựa là hình ảnh Cô gái Xê Đăng.
Khi tôi hoàn thành bản thảo đầu tiên, ngay tối hôm đó tôi chạy xuống chỗ nhạc sĩ Trần Nhật Dương. Trong khoang tàu chật hẹp, nhạc sĩ Trần Nhật Dương đã gảy đàn giống như “lên đồng” để phổ nhạc cho bài thơ này. Khi tàu HQ 996 chuẩn bị vào địa điểm của DK1 cũng là lúc phần nhạc được hình thành.
Nhà báo, nhạc sĩ Trần Nhật Dương, nhà báo Trần Nhật Minh, nhà báo Uông Ngọc Dậu và nhà báo Tạ Toàn (từ trái sang, ảnh chụp ở Trường Sa) |
PV: Còn nhạc sĩ Trần Nhật Dương, cảm nhận của anh khi lần đầu đọc bài thơ“Em gái Xê Đăng ở Trường Sa” như thế nào?
Nhạc sĩ Trần Nhật Dương: Đây là chuyến đi đầu tiên của tôi đến với Trường Sa, đó là một chuyến đi hết sức ý nghĩa và xúc động. Các chiến sĩ ở đảo Trường Sa trẻ lắm, chỉ khoảng 19, 20 tuổi thôi. Hình ảnh các chiến sĩ rắn rỏi với nước da sạm nắng, cầm súng đứng canh gác ở bên Cột mốc chủ quyền Biển Việt Nam khiến tôi có rất nhiều cảm xúc và muốn viết một bài hát tặng các anh.
Nghe bài hát "Em gái Xê Đăng ở Trường Sa"
Càng đọc tôi càng thấy bài thơ toát lên hình tượng đất nước Việt Nam liền một dải: từ Trường Sơn, Tây Nguyên đến Trường Sa. Tôi đặc biệt ấn tượng với đoạn thơ:
“Mạch Trường Sơn chạy suốt Biển Đông.
Lắng vào con sóng nâng đảo chìm, đảo nổi.
Thềm lục địa mạch đại ngàn hội tụ.
Bóng Kơ Nia so bóng dáng Bàng vuông”.
Những câu thơ như gắn kết với nhau, hình tượng thơ khiến người nghe cảm nhận rõ đất nước Việt Nam liền một dải. Còn tôi như hòa vào mạch hình tượng đó và đã viết nên những giai điệu âm nhạc cho bài thơ này. Đó là sự hòa quyện giữa những giai điệu hùng tráng mang âm hưởng của dân ca Tây Nguyên với sự rắn rỏi, mạnh mẽ của các chiến sĩ nơi đảo Trường Sa.
Bản nhạc bài hát "Em gái Xê Đăng ở Trường Sa" |
PV: Nhà báo Uông Ngọc Dậu có hài lòng với phần nhạc của nhạc sĩ Trần Nhật Dương?
Nhà báo Uông Ngọc Dậu: Tôi thấy rất hài lòng và tâm đắc với bài hát này. Nhạc sĩ Trần Nhật Dương đã khéo léo vận dụng để đưa được chất liệu âm nhạc của phía Bắc Tây Nguyên phổ vào trong bài hát này. Tôi rất xúc động khi được nghe chính nhạc sĩ Trần Nhật Dương cùng các ca sĩ hát trực tiếp bài hát này trong chuyến công tác.
PV: Vậy sự sáng tạo của nhạc sĩ Trần Nhật Dương khi phổ nhạc bài thơ này như thế nào?
Nhạc sĩ Trần Nhật Dương: Tôi nghĩ, âm nhạc là phương tiện truyền tải bài thơ đến với thính giả một cách nhanh nhất. Bài thơ của nhà báo Uông Ngọc Dậu có nhiều khổ nhưng tôi đã chọn lọc, thay đổi và biến nó thành câu chuyện âm nhạc của người em gái Xê Đăng. Từ em gái Xê Đăng, tất cả lại kết nối để nâng lên hình tượng âm nhạc, để đất nước ta nối liền một dải.
Sau chuyến đi Trường Sa, chính tôi đã trực tiếp tiến hành dàn dựng. Nhà báo Uông Ngọc Dậu cũng đã chứng kiến việc lao động nghệ thuật rất nghiêm túc khi thu thanh tại phòng thu của Đài TNVN. Tôi cũng gửi lời cảm ơn tới ca sĩ Trường Bắc, Hồng Nhung đã thể hiện rất thành công ca khúc này, cùng phần phối khí của nhạc sĩ Vũ Mạnh Cường.
“Em gái Xê Đăng ở Trường Sa” cũng chính là món quà tết ý nghĩa mà tôi và nhà báo Uông Ngọc Dậu dành tặng cho các cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa thân yêu.
PV: Cảm ơn nhà báo Uông Ngọc Dậu và nhạc sĩ Trần Nhật Dương./.