Năm mới cùng nghe “Mùa xuân bên cửa sổ“
VOV.VN - 21 năm vắng bóng ông, nhưng những tác phẩm viết về mùa xuân và tình yêu của Xuân Hồng vẫn ngân vang khi xuân về tết đến.
Đầu năm 1985 nhạc sĩ Xuân Hồng ra Hà Nội và đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Ông tặng chúng tôi một băng cát-xét gồm một số ca khúc mới sáng tác, trong đó có bài “Mùa xuân bên cửa sổ”. Chúng tôi cùng ngồi nghe và được ông kể lại sự ra đời của ca khúc này. Xuân Hồng mở cuốn sổ tay và đọc bài thơ “Bên cửa sổ” của nhà thơ Song Hảo:
“Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Hai người rất trẻ/ Hãy im nghe/ Rì rầm đường phố/ Bên cửa sổ có hai người hôn nhau/ Đêm chín rồi/ Rất khẽ/ Trăng ơi ghen nhé/ Có hai người yêu nhau/ Hoa dạ lý/ Dâng hương/ Đêm nay/ Hoa tinh tường hơn cả/ Nhớ nghe hoa/ Mùi hương thật khẽ…”. Và “Mặt trận đêm nay/ Bình yên/ Anh lính về thăm phố phường/ Cô gái vừa tan ca/ Hai người đến với nhau/ Hôn nhau/ Bên cửa/ Có bao người đang yêu, hoa nhé đêm nay…”
Nhạc sĩ Xuân Hồng.
Xuân Hồng ngừng đọc rồi hát lại bài hát mà ông chỉ phỏng thơ (chứ không phải phổ thơ), ngoại trừ hai câu mở đầu ông vẫn giữ nguyên:
“Cao cao bên cửa sổ/ Có hai người hôn nhau/ Đường phố ơi hãy yên lặng/ Để hai người hôn nhau/ Chim ơi đừng bay nhé/ Hoa ơi hãy toả hương/ Và cây ơi lay thật khẽ/ Cho đôi bạn trẻ đón xuân về…” Và “Khi mặt trận bình уên/ ɑnh lính νề thăm ρhố/ Cô gái νừɑ tɑn cɑ/ Họ hẹn nhɑu, νà chờ nhɑu//Cùng ƙhát ƙhɑo hạnh ρhúc/ Họ đón nhɑu νà mùɑ xuân cũng theo νề…”
Chỉ cần nghe và đối chiếu hai đoạn thơ và nhạc, ta thấy phần nhạc gọn ghẽ hơn, khúc thức rành mạch, giai điệu đầy quyến rũ, đủ sức khái quát những gì mà tác giả lời thơ muốn nói. Càng về cuối ta càng thấy nhạc sĩ đã rất khéo vừa giữ nguyên thơ, nhưng cũng có chỗ chỉ mượn ý thơ, tuyệt vời hơn ông đã đưa quan điểm sống của mình rất ý nghĩa và nhân văn để khẳng định: “Ôi hạnh phúc đâu chỉ có cơm ngon và áo đẹp/ Mùa xuân đâu chỉ có hoa thơm và nắng hồng/ Cuộc đời còn có cả những nụ hôn”. Những câu này hoàn toàn không có trong bài thơ của nhà thơ Song Hảo.
Chuyện nụ hôn trong văn học nghệ thuật không hiếm, nhất là trong văn. Với thơ và nhạc còn ít, nhất là nhạc. Xuân Hồng là người “đi tiên phong” trong chuyện này. Bởi ngoài “Mùa xuân bên cửa sổ”, ông còn có “Cây đàn ghi ta của đại đội 3”: “Khi chia tay nhau lên đường chiến đấu/ Bao người yêu dấu tiễn bước chân/ Nhớ bao tấm lòng, chiếc hôn thắm nồng/ Để lại bao nỗi nhớ mênh mông…”.
Tên khai sinh của nhạc sĩ Xuân Hồng là Nguyễn Hồng Xuân (1928 – 1996). Có lẽ vì thế mà ông đã “đầu tư” cho những sáng tác mang tên mùa xuân – Mùa của tình yêu của nụ hôn, của hạnh phúc và niềm tin hy vọng. Nó thể hiện rõ qua những tác phẩm “Xuân” của ông như: “Xuân chiến khu”, “ Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”, “Mùa xuân bên cửa sổ” …
Tôi học theo Xuân Hồng, thử đưa nụ hôn vào bài hát. Khi viết bài “Gửi anh một khúc dân ca” tôi đưa vào trong câu: “Như lứa đôi trao lời/ Điểm tô nước non đẹp tươi/ Tình yêu thắm thêm môi cười/ Nụ hôn kết hương ngàn nơi”. Khi hát lên nghe ngường ngượng thế nào ấy. Cuối cùng khi thu thanh tôi đành chữa lại câu cuối thành “Nụ xuân kết hương ngàn nơi” như lâu nay vẫn phổ biến. Khi trích phổ bài thơ” Chào xuân 61” của nhà thơ Tố Hữu “Chào xuân đẹp có gì vui đấy… Phần cho thơ và phần để em yêu” (Trong ca khúc “Tiếng hát trái tim”). Tôi cũng có đưa nguyên xi câu “Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí…” nhưng tôi không đưa vào hát mà chỉ đưa vào đoạn “gian tấu” nói trên nền nhạc mà thôi. Xem ra việc “chiến thắng mình” cũng đâu phải dễ, nhất là những chuyện “tế nhị”! Càng suy ngẫm càng thấy xung quanh cái sự “hôn nhau” cũng thật lắm chuyện! Qua đây tôi càng khâm phục nhạc sĩ Xuân Hồng lắm lắm.
21 năm vắng bóng ông, nhưng những tác phẩm viết về mùa xuân và tình yêu của Xuân Hồng vẫn ngân vang khi xuân về tết đến trên quê hương đất nước đang không ngừng đổi mới, đầy chồi non lộc biếc./.