Nén tâm nhang vĩnh biệt nhạc sĩ Lê Việt Hòa

VOV.VN - Bài viết là nén tâm nhang của nhạc sĩ Dân Huyền vĩnh biệt nhạc sĩ Lê Việt Hòa, đồng nghiệp từng công tác tại Ban Âm nhạc, Đài TNVN.

Hồi Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt nam (VOV) "đóng đô" ở số 128 phố Đại La (Hà Nội), lúc đó là những năm 60 của thế kỷ trước, tôi ở trên gác nhà hai tầng, còn nhạc sĩ Lê Việt Hòa ở tầng dưới. Anh là nhạc công đàn tỳ bà của Đội nhạc dân tộc, còn tôi là biên tập viên. Vì khó phát huy ngón đàn ấy nên anh chuyển sang đánh guitar.

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa

Khi ngồi với nhau, anh thường ngỏ lời với tôi muốn được làm biên tập. Sau đó không lâu, Lê Việt Hòa xin học tiếp khoa Lý luận sáng tác và chỉ huy ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Anh đạt được nguyện vọng bởi sau mấy năm học xong, anh trở về Đài làm biên tập âm nhạc với chúng tôi.

Anh chịu khó học cách làm chương trình, cách đi thu thanh phong trào ca hát, cách phỏng vấn của nghiệp vụ phát thanh. Ngoài công việc biên tập, Lê Việt Hòa rất hăng say sáng tác. Chúng tôi thường trao đổi với nhau về nhạc và lời, đôi khi còn “cho” nhau vài “nốt” mà cả hai đều thích thú.

Nhạc sĩ Lê Việt Hòa có duyên trong  việc phổ thơ. Nào là thơ của Hoàng Thị Minh Khanh, Sơn Tùng, Khương Hữu Dụng, Đỗ Bạch Mai…

Năm 1976 trong niềm vui tổng tuyển cử của đất nước thống nhất, Lê Việt Hòa phổ bài thơ của nhà thơ Sơn Tùng (Tác giả của “Búp Sen xanh” – quê Nghệ An). Ca khúc Gửi em chiếc nón bài thơ do nghệ sĩ Kiều Hưng hát đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của thính giả cả nước. “Em đội nón bài thơ đi đón ngày hội lớn … Nước dưới sông khi đầy khi cạn/Trăng trên trời khi tỏ khi mờ/Tình đôi ta từ bấy đến giờ/vẫn tròn như chiếc nón bài thơ anh tặng em…”.

Với chất liệu từ dân ca Nghệ Tĩnh, nói về tình yêu nam nữ thuỷ chung và son sắt, trong niềm vui đất nước thống nhất “Bắc - Nam một dải, vẹn tròn như chiếc nón bài thơ…”. Cả lời và nhạc hòa quyện nhau và mang hơi thở tươi mới của cuộc sống mới.

Bài hát này có cấu trúc khúc thức gọn gàng. Ở phần hai anh đã tạo được sự xáo động của một tâm trạng hồ hởi, nhưng đầy sâu lắng. Việc sử dụng các chất liệu của dân ca miền Trung làm cho bài hát trở nên gần gũi và tha thiết hơn. Mặc dù vậy, anh sử dụng âm vực rộng làm cho bài hát không đơn điệu (thông thường các ca sĩ chuyên nghiệp được học tập mới thể hiện và xử lý được những biến đổi của giai điệu một các thông minh, làm đẹp thêm bài hát - ở đây là một ví dụ).

Là người gốc Nghệ - Tĩnh tôi rất thích và tự hào với những ca khúc mang đậm chất liệu của dân ca quê hương. Với bài hát Gửi sông La, nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã rất khéo khi thổi nhạc vào thơ của Hoàng Thị Minh Khanh. Dòng sông La trong xanh trải dài dọc theo huyện Đức Thọ từ bến Tam Soa qua cầu Tho Tường đến bến Vĩnh Đại, là niềm tự hào của người dân Hà Tĩnh.

Nỗi lòng của nhà thơ khi chưa về thăm được quê chồng - sự áy náy ấy đã được nhạc sĩ Lê Việt Hòa thể hiện hòa quyện cùng với lời thơ thật đậm đà, tha thiết.

“Ơi dòng sông La, ơi niềm thương nỗi nhớ

Em biết từ lâu quê anh nơi đó

Em ước mơ hoài mà chưa được đi qua”.

Hay:

Ơi con sông La 

Sông biếc ban mai sông vàng đưa nắng 

Thuyền ơi lên buồm no gió lộng 

Che nghiêng bờ nghe câu dặm bè xuôi”. 

Trong bài hát anh đã phát triển dân ca thật hợp lý, từ nhịp 4/4 chuyển sang nhịp 6/8 mà vẫn giữ được cốt cách mà cũng thật mới mẻ. Đặc biệt trong câu “Chỉ nghe tên lòng cũng bồi hồi”, Lê Việt Hòa đã khá sáng tạo. Chữ “bồi hồi” sử dụng một móc kép luyến xuống để thể hiện được một sự bồi hồi có thực và rất thực, người nghe ai cũng thích.

Bài hát này ngoài giọng Thu Hiền, Thanh Hòa, Lệ Thanh còn có giọng Việt Hương là con gái của Lê Việt Hòa cũng có phong cách riêng. (Việt Hương hiện đang công tác ở Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam).

Ngoài hai tác phẩm nổi tiếng trên đây, Lê Việt Hòa còn có các ca khúc quen thuộc như: Những tiếng thân yêu, Rừng Hà Tuyên quê em, Cô gái Na Hang, Đón anh về hội Xuân, Nhớ xứ Đoài, Mùa Xuân trên sông Tô...và hơn hai chục bài hát về ngành Công an.

Năm 1990, gia đình tôi chuyển từ khu tập thể 128 Đại La ra khu chung cư 192 Giải Phóng. Chúng tôi cũng hàng xóm với nhau, tôi ở trên tầng 4, còn anh Hòa ở tầng 1. Khi chuyển nhà chúng tôi nói vui với nhau rằng: Tôi gần trời xa đất, còn anh gần đất xa trời. Không ngờ nhạc sĩ Lê Việt Hòa ra đi trước tôi.

Bài viết này là nén tâm nhang nhớ anh và vĩnh biệt người nhạc sĩ,  bạn đồng nghiệp cùng làm việc, cùng ở một khu chung cư của Đài TNVN. Những tác phẩm của anh mãi mãi là những bài ca đi cùng năm tháng…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhạc sĩ “Gửi em chiếc nón bài thơ” qua đời
Nhạc sĩ “Gửi em chiếc nón bài thơ” qua đời

VOV.VN - Nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã từ trần ngày 31/3/2014, hưởng thọ 79 tuổi.  

Nhạc sĩ “Gửi em chiếc nón bài thơ” qua đời

Nhạc sĩ “Gửi em chiếc nón bài thơ” qua đời

VOV.VN - Nhạc sĩ Lê Việt Hòa đã từ trần ngày 31/3/2014, hưởng thọ 79 tuổi.  

“Mùa xuân trên sông Tô” và tuổi hoa niên
“Mùa xuân trên sông Tô” và tuổi hoa niên

“Trên dòng sông Tô, chàng có đi hội miền Đông hay muốn đi hội miền Đoài, ta đi du xuân đi mình ơi. Dô khoan hự là, dô khoan dô khoan!…”.

“Mùa xuân trên sông Tô” và tuổi hoa niên

“Mùa xuân trên sông Tô” và tuổi hoa niên

“Trên dòng sông Tô, chàng có đi hội miền Đông hay muốn đi hội miền Đoài, ta đi du xuân đi mình ơi. Dô khoan hự là, dô khoan dô khoan!…”.

Nhạc sĩ Hoàng Vân kể chuyện sáng tác "Hò kéo pháo"
Nhạc sĩ Hoàng Vân kể chuyện sáng tác "Hò kéo pháo"

VOV.VN - 60 năm đã qua song âm vang của “Hò kéo pháo” sẽ sống mãi cùng với kỳ tích kéo pháo của người chiến sỹ Việt Nam “chân đồng, vai sắt”.

Nhạc sĩ Hoàng Vân kể chuyện sáng tác "Hò kéo pháo"

Nhạc sĩ Hoàng Vân kể chuyện sáng tác "Hò kéo pháo"

VOV.VN - 60 năm đã qua song âm vang của “Hò kéo pháo” sẽ sống mãi cùng với kỳ tích kéo pháo của người chiến sỹ Việt Nam “chân đồng, vai sắt”.