Nhạc sỹ Trương Quý Hải: "Ép buộc" cũng là động lực sáng tác
VOV.VN - Sáng tác âm nhạc lúc đầu chỉ là nghề tay ngang nhưng nó đã đem lại cho nhạc sỹ Trương Quý Hải những bất ngờ thú vị trong cuộc sống.
Trương Quý Hải là cái tên được công chúng yêu mến gắn liền với những ca khúc trữ tình như: "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa", "Khoảnh khắc", "Tự khúc ngày sinh"... Với anh, sáng tác âm nhạc lúc đầu chỉ là nghề tay ngang nhưng nó đã đem lại cho anh nhiều điều bất ngờ thú vị trong cuộc sống.
P.V: Thưa anh, có phải bất ngờ đầu tiên đến với anh chính là sự thành công ngoài mong đợi của ca khúc "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa"?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Có lẽ là như vậy, bởi vì lúc đó tôi hoàn toàn chưa có ý định làm việc chuyên nghiệp trong lĩnh vực sáng tác. Bản thân ca khúc này cũng mang lại cho tôi những cảm xúc bất ngờ.
P.V: Anh có thể chia sẻ thêm mối duyên giữa nhạc và thơ đã diễn ra như thế nào?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Đó là sự may mắn. Anh em cán bộ Đoàn ngoài Hà Nội được vào giao lưu với anh em cán bộ Đoàn của ĐH Tổng hợp TP HCM. Anh Bùi Thanh Tuấn lúc đó là chủ nhiệm CLB Thơ sinh viên của ĐH Tổng hợp TP HCM. Lúc ra về, Tuấn đã đọc bài thơ chia tay anh em ngoài Hà Nội, tôi đệm guitar cho Tuấn đọc thơ và lúc đó cảm xúc nhạc trong tôi cứ thế trào dâng, bài hát ra đời ngay sau đó.
P.V: Và cũng không lâu sau đó, anh lại gây ấn tượng với công chúng khi cho ra đời ca khúc "Khoảnh khắc" đầy chất tự sự. Anh đã viết bài hát này trong tâm trạng thế nào?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Tôi nghĩ mọi đàn ông đều có tâm trạng giống nhau: đều mong muốn có một người con gái chờ đợi mình, yêu thương mình và dành trọn vẹn cho mình. Tôi viết ra với mong muốn sẽ có một người phụ nữ như thế trong cuộc đời mình.
P.V: Sau sự nổi tiếng của "Hà Nội mùa vắng những cơn mưa" và "Khoảnh khắc", công việc và cuộc sống của anh có gì thay đổi?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải |
Đôi lúc có hơi xáo trộn, tôi có bị phân tâm, do lúc đó tôi làm công tác Đoàn ở trường ĐH Kinh tế Quốc dân, sau làm ở Thành đoàn Hà Nội. Họp hành căng thẳng nên công việc sáng tác cũng bị ảnh hưởng. Bù lại, thời gian công tác cho mình tư liệu, điều kiện thực tiễn tốt khiến cho mong muốn sáng tác ngày càng cháy dữ dội hơn và đến lúc quyết định bỏ tất cả để tập trung sáng tác.
P.V: Và anh đã tập trung cho sáng tác được bao lâu rồi?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Khoảng 4 năm nay.
P.V: Công việc mới ở FPT có mang lại cho anh nhiều cảm xúc và thời gian để sáng tác?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Tôi cũng là người may mắn. Ở FPT, lãnh đạo luôn tạo điều kiện, và đặc biệt nhất là những anh em đồng đội ở FPT. Đây là môi trường mà tôi nghĩ mình đặc biệt may mắn mới có được. Ngoài sự chia sẻ, đôi khi anh em còn có kiểu động viên “ép buộc”. Điều này đã tạo động lực tốt, tạo nên cảm xúc cho tôi.
P.V: Và hình như từ khi gia nhập đội quân FPT, anh đã có rất nhiều ca khúc mang tinh thần sôi nổi của thanh niên...
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Có lẽ vậy. Phần lớn anh em ở đây đều còn trẻ, tuổi trung bình chỉ 26. Họ có khát vọng sống, khát vọng thực hiện lý tưởng trong mục tiêu chung phát triển đất nước, nhất là lĩnh vực công nghệ còn mới mẻ. Họ như tấm gương phản chiếu những mong muốn của mình.
P.V: Viết nhiều ca khúc cho phim và gần đây là bài hát “Căn nhà cũ” trong loạt phim “Những công dân tập thể", công việc này có ý nghĩa như thế nào với anh?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Đó cũng là sự may mắn. Cách đây hơn 10 năm, đạo diễn Vũ Trường Khoa có đề nghị tôi viết bài hát cho bộ phim anh ấy hợp tác sản xuất với Thái Lan. Sau bộ phim đó, 2 anh em tiếp tục hợp tác bộ phim "Đằng sau tội ác". Từ đó số lượng phim được các đạo diễn yêu cầu làm nhạc cũng nhiều hơn, mình cũng vừa làm vừa học.
Thời gian làm phim đến nay đã hơn 10 năm. Tôi cũng đã từng sống ở khu tập thể Trung Tự - Hà Nội khi viết ca khúc cho phim "Những công dân tập thể", sau khi bộ phim phát sóng thì anh em ở khu nhà cũ gọi điện đòi tiền... tác quyền. Tôi có hỏi vì sao, mọi người bảo “chúng tôi không sống ở đây với ông thì ông lấy đâu tư liệu mà viết”.
Một điều thú vị bất ngờ nữa mà có lẽ nhiều người chưa biết tới là nhạc sĩ Trương Quý Hải rất tâm huyết với thể loại trường ca. Để có “Trường ca người Việt Nam” được công diễn trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh đã mất khoảng 13 năm để hoàn thành...
Vào khoảng năm 1998, tôi nghĩ sẽ viết về một vấn đề của đất nước mình. Và chắc chắn phải là trường ca. Hồi đó tôi cứ nghĩ viết trường ca không khó lắm, chắc giống... viết ca khúc thôi, nhưng khi bắt tay vào mới thấy rất khó. Chương 1 tôi viết trong 11 năm không thể hoàn thành được bởi nó đòi hỏi quá nhiều, ví dụ như chất liệu, kỹ năng để truyền tải ý tưởng âm nhạc. Mãi đến năm 2009, cũng may mắn là chỉ trong vòng 1 năm, 4 chương còn lại ra đời. Nếu không có những sự kiện, vấn đề lớn của đất nước thì trường ca không thể hoàn thành.
P.V: Những bài hát mới sẽ chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm trong album anh sắp phát hành?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Khoảng 70%. Có thể giai điệu chưa quen thuộc, nhưng nếu mọi người đón nhận, cảm thông và chia sẻ thì có thể coi như đó là một món quà văn nghệ của anh em FPT gửi tặng. Đề tài chủ yếu là những bài hát ca ngợi quê hương đất nước. Album sẽ cố gắng hoàn thành vào ngày 13/9, dịp kỷ niệm thành lập FPT. Số tiền bán được từ album sẽ để làm công tác thiện nguyện là chính, đối tượng hướng tới là các em nhỏ.
P.V: Theo dõi đời sống âm nhạc hiện nay, anh thấy âm nhạc dành cho giới trẻ bây giờ có điều gì đáng nói?
Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Có một điều ai cũng nhận thấy là các bạn trẻ hiện có nhiều “món ăn” âm nhạc hơn chúng ta hồi trước, tuy nhiên lại có xu hướng mất cân bằng hơn. Phương tiện duy nhất chúng ta nghe ngày xưa chỉ có Đài TNVN. Tôi tạm coi Đài TNVN như một nhà điều phối và Đài TNVN đã làm xuất sắc công việc của mình cho thế hệ như chúng tôi và trẻ hơn một chút. Chúng tôi được nghe giao hưởng, dân ca, nhạc mới, nhạc cách mạng… thời lượng chia rất đều.
Từ đó, chúng tôi có cái phông nhạc, hình thành chiều sâu trí tuệ. Hiện nay số bạn trẻ thưởng thức nhạc trẻ nhiều hơn rất nhiều. Chính sự phong phú đa dạng đó nhưng lại không có sự điều phối, định hướng nên các bạn dễ adua mà mất cơ hội được thưởng thức những thứ quý giá hơn. Hiện trong thị trường âm nhạc, sức mạnh của âm nhạc giải trí có sức hấp dẫn rất cao, còn âm nhạc thưởng thức thì lui về sau một chút. Làm thế nào để cân bằng giữa thưởng thức và giải trí vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.
P.V: Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này./.