Nhạc sỹ "Xa khơi" tâm sự về Tâm - Tài của người viết nhạc
(VOV) - Theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, người sáng tác muốn có tác phẩm hay thì cần phải có “tài năng, cảm xúc và tâm hồn”.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ được nhiều người biết đến và công chúng mến mộ với những sáng tác nổi tiếng như: Xa khơi, Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó, Mùa Xuân gọi bạn… Trải qua thời gian, những bài hát của ông vẫn có sức sống lâu bền trong lòng nhiều thế hệ công chúng.
Phóng viên Đài TNVN có cuộc phỏng vấn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ:
P.V: Thưa nhạc sĩ, cho đến hôm nay thì chặng đường nghệ thuật của ông đã có hơn 50 năm. Vậy nhìn lại thời gian đã qua, nhạc sĩ thấy rằng quãng đường đi ấy của mình như thế nào?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tôi luôn có một suy nghĩ, là mong sao cho tác phẩm của mình đến được với đồng bào yêu quý, được lòng công chúng và có thể vượt được thời gian, không gian. Nhưng điều ấy thực là khó! Tôi càng nhiều ước muốn nhưng làm được thì ít.
Cho đến hôm nay, số ca khúc của tôi không kể nhạc không lời thì không vượt được con số 15. Ai cũng hỏi tôi “Tại sao lại thế”? Trong lúc có những tác giả khác làm được hàng trăm, thậm chí có người làm nhiều hơn mà riêng tôi sao lại làm ít vậy? Lúc đó, tôi thường chỉ nói: "Có lẽ tôi kém tài năng". Nhưng ở sâu trong tôi, tôi hiểu là mình đã làm quá nhiều vì không có cái gì mà tôi làm được ngay cả.
Âm nhạc của tôi được tính theo thời gian và tính theo nhận thức của thời gian. Tác phẩm hôm nay tôi viết tưởng được rồi, nhưng tuần sau lại thấy không hài lòng. Vậy là tôi lại viết lại, tháng sau cũng thấy chưa được thậm chí có những bài ba năm sau vẫn cảm thấy không được. Chính vì vậy có những bài tôi viết đã lâu, viết hàng chục năm, sửa đi sửa lại mặc dầu đã được Đài TNVN, các hãng băng đĩa phát hànhi nhưng tôi vẫn cảm thấy không yên tâm.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ (ảnh: Quang Trung) |
Nhìn lại cuộc đời 50 năm của tôi, có thế số lượng tác phẩm không nhiều nhưng tôi cảm thấy tương đối yên tâm về phần chất lượng bởi vì trong hoạt động nghệ thuật và trong hoạt động văn hóa người ta hay nói "Quý hồ tinh bất quý hồ đa" - Nghĩa là "Cần chất lượng chứ không phải là cần nhiều”. Số lượng chưa nói được điều gì lớn mà chính là chất lượng mới quyết định sự thành công của mình hay không.
P.V: Vậy, chặng đường đi 50 năm của ông có thuận lợi không, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Đối với tôi, sáng tác luôn vất vả, gian nan và cô đơn. Lúc làm tôi không hỏi bất cứ ai. Tôi không biết những gì mình viết đã đúng là cái khán giả, thính giả cần nghe hay không? Tôi cũng đã nói điều này với bạn trẻ và họ nói," Thưa thầy, em cảm thấy mình làm hết sức, vừa lòng chính mình là tốt rồi”. Tôi lại trả lời các bạn trẻ, âm nhạc của chúng ta như món hàng đưa ra cho công chúng vậy. Có thành công, tốt, được công chúng chấp nhận hay không đều là do công chúng. Vì vậy, ta không thể chủ quan, tự khen mình được.
Chính chúng ta phải phủ định chúng ta đầu tiên. Bởi cái mình thấy chưa hay, thì làm sao công chúng có thể thấy hay và chấp nhận được. Đó là điều mà tôi luôn luôn tâm niệm trong cuộc đời sáng tác của mình. Và điều đó cũng gieo cho tôi rất nhiều khó khăn trong lúc thực hiện tác phẩm".
P.V: Mùa Xuân năm 1958, tức là cách đây tròn 54 năm, nhạc sĩ đã viết ca khúc "Mùa Xuân gọi bạn". Vậy, khi năm mới 2013 đến có gợi cho nhạc sĩ những ký ức khi viết bài hát này không?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Tôi nhớ rằng năm ấy tôi 22 tuổi, lòng say mê thì ghê lắm! Tôi đi với một đoàn văn công Lao - Hà – Yên trong chiến dịch chúc mừng đồng bào ăn Tết ở miền ngược. Và cũng đồng thời đi trong một chiến dịch tuyên truyền về đường lối cách mạng của đất nước ta. Tôi nhớ, vì nhu cầu cấp bách biểu diễn của đoàn nghệ thuật nên đã bắt tay viết bài hát "Mùa Xuân gọi bạn" mang chất liệu dân ca của người Nùng.
P.V: Lúc đầu nhạc sĩ đặt tên cho bài hát này là" Lời ca gửi Noọng". Vì sao về sau này nhạc sĩ lại đổi là “Mùa Xuân gọi bạn”?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Lúc đầu để là "Lời ca gửi Noọng”, nhưng về sau này, nghĩ mãi, thấy tính khái quát không cao nên tôi đổi lại "Mùa Xuân gọi bạn" để có thể bao quát tất cả mọi không gian, thời gian và tình yêu.
Nghe bài hát "Mùa xuân gọi bạn":
P.V: Những ca khúc của nhạc sĩ luôn mang đậm âm hưởng dân ca, trong đó có dân ca 3 miền Bắc - Trung - Nam đều được ông khai thác và sử dụng khéo léo trong các tác phẩm của mình. Phải chăng, đây cũng là một thế mạnh trong sáng tác của nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Dân ca luôn gắn chặt với tôi. Bây giờ hỏi tôi có biết hát các điệu dân ca vùng miền không? Thì tôi nói biết chứ. Dân ca H’ Mông, Tày, Nùng tôi đều hát được. Rồi “Inh lả ơi” của Thái tôi cũng hát được…
Với tôi, tri thức trong sáng tác có hai mặt. Một mặt là vốn trong nước và thứ hai là nước ngoài. Cộng thêm là cái vốn tôi học chính quy ở Nhạc viện! Ba điều này tạo cho tôi sự bền chặt trong sáng tác của tôi. Không bao giờ tôi quên vốn dân gian.
Đồng bào ta hàng ngàn năm, ai cũng có chất dân gian trong con người. Khơi gợi nó lên tức là làm sức sống của người ta sống lại với những kỷ niệm, hồi ức. Điều ấy là điều tôi tâm niệm! Tôi đưa linh hồn của cha ông vào tác phẩm bằng sức sáng tạo cộng với những gì học được để đẩy nó lên một mưc cao, tức là tôi đưa cảm xúc thời đại của tôi vào vốn dân ca.
Tôi luôn đi theo lối phương châm sáng tác ấy và không bao giờ xa rời nó. Ví dụ như trong "Xa khơi", người ta nghe phảng phất đâu đó của Ví dặm. Trong "Mùa Xuân gọi bạn" nghe phảng phất của chất Tày, Nùng. Nhưng hỏi câu nào của Tày, Nùng thì không thấy. Hoặc là trong “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” tôi dùng chất liệu Then Tày, người ta nghe ra Then Tày nhưng hỏi câu nào là Then Tày thì chẳng phải. Nó cứ lẩn khuất đâu đó trong sáng tác của tôi. Đấy cũng là điều tôi luôn tôi cố gắng đạt đến hiệu quả như mình mong muốn.
P.V: Xu hướng sáng tác hiện nay là kết hợp giữa dân gian và hiện đại! Theo nhạc sĩ thì làm sao để kết hợp hài hòa giưa 2 yếu tố này ạ?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Chuyện ấy rất khó! Theo tôi nghĩ, kết hợp vốn dân gian với trí tuệ, với tri thức của thời đại nằm trong mỗi người. Nhưng mà cái khó là lúc tác phẩm của mình trình bày lên, người ta vẫn thấy trong tác phẩm của anh vẫn có linh hồn của cha ông, nhưng đồng thời phải mang hơi thở, mỹ cảm, cảm xúc của thời đại. Đó là cái khó nhất. Mà tôi nghĩ rằng vấn đề là tài năng.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, người sác tác muốn có tác phẩm hay thì cần phải có “tài năng, cảm xúc và tâm”. |
Không có tài năng thì không vận dụng được vốn dân gian, vốn trí thức, trí tuệ. Không vận dụng được cảm xúc, mỹ cảm thời đại để đưa vào tác phẩm. Nó là sự tổng hợp hài hòa, nhiều mặt của một vấn đề. Nếu thiếu đi một yếu tố nào đó thì đều không được. Tất cả những điều ấy gắn bó hữu cơ với nhau. Tùy theo khả năng của từng người và nhất là sự sáng tạo giàu cảm xúc, giàu trí tuệ của bản thân. Tất cả tổng hợp lại mới cấu thành tác phẩm hay và tốt được.
P.V: Việc kết hợp tất cả các thể loại âm nhạc dân gian như: Chèo, Tuồng, Ca trù với âm nhạc điện tử cũng đang được nhiều nhạc sĩ tìm tòi, thể nghiệm. Vậy nhạc sĩ nghĩ rằng cách làm này sẽ khiến cho âm nhạc Việt Nam có những cơ hội như thế nào trong tương lai?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Phải nói rằng, hiện nay kỹ thuật nhiều mặt của điện tử đã hỗ trợ, đưa âm nhạc phát triển. Tôi cho là khoa học thực sự đã giúp ích cho ngành âm nhạc nói chung và trong ấy có nền nhạc dân gian phát triển. Đó là điều mà tôi cảm thấy thật sự cần thiết.
Thật ra nếu có thời gian thì nên học tập tất cả các kỹ năng, kỹ thuật của âm nhạc điện tử đưa vào. Ở nước ngoài họ làm lâu lắm rồi. Và ở nước ta cũng đã phát triển. Mình có đưa điều này ra nước ngoài thì cũng thuận tiện, bởi vì nó là sự hòa nhập chung không phải riêng của ai. Chúng ta phải nhanh chóng tiếp thu càng nhiều càng tốt. Ngày càng văn minh, hiện đại hơn thì càng tốt hơn.
P.V: Nhìn vào đời sống âm nhạc hôm nay có điều gì khiến ông phải trăn trở, suy nghĩ, thưa nhạc sĩ?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Có một điều tôi luôn mong muốn, nền âm nhạc của chúng ta, quá khứ, hiện tại và tương lai đều có chắp nối với nhau, đều có sự phát triển liên tục với nhau. Bởi vì đây là nền âm nhạc của một quốc gia, công chúng phải luôn được thưởng thức nền âm nhạc mới, tiến bộ và các tác phẩm chất lượng.
Tôi muốn rằng lớp trẻ sau tôi phải có khả năng sáng tác gấp nhiều lần chúng tôi thì mới cảm thấy yên tâm, hài lòng hơn nhưng hiện nay cảm thấy điều đó khó quá. Mấy năm nay theo dõi phong trào âm nhạc trên các cơ quan truyền thông, trên các sân khấu, tôi thấy sự chắt lọc trong tác phẩm hiếm hoi, ít thừa hưởng vốn dân gian của cha ông. Thứ hai là làm nhanh, làm ẩu. Lời ca thì thô và thiếu cảm xúc văn học, thiếu hình ảnh văn học, thiếu sức diễn đạt ở chiều cao làm rung động lòng người.
Tôi đọc các tác phẩm của các bạn trẻ, tôi mong cho họ như ở trên đã nói. Nhưng mà phải nói rằng là tôi buồn! Hiện nay tác phẩm hay, tốt, chưa nói đến độ xuất sắc ra đời rất hiếm hoi. Điều đó không phải của riêng tôi, có lẽ những ai làm văn hóa trong nước cũng thấy vậy. Điều này khiến những anh em văn nghệ sĩ, là những người sáng tác như tôi đều cảm thấy thực sự lo lắng.
Tôi mong cho giới sáng tác trẻ, giới sinh viên đang học tại các nhạc viện, phải tiếp thu được nền âm nhạc của chúng ta, kế tục truyền thống sáng tạo của cha ông ta. Kế tục truyền thống của đàn anh, đàn chú, cha đi trước chúng ta. Cuộc đời làm sáng tác văn học nghệ thuật là một cuộc đời dấn thân chịu hy sinh, chịu thiệt thòi và không gì có thể đánh đổi nó được!
P.V: Cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ./.