Nhớ nhạc sỹ Hoàng Hiệp - “ông hoàng” phổ thơ...
(VOV) - Những kỷ niệm sâu sắc và xúc động của nhạc sỹ Dân Huyền về nhạc sỹ Hoàng Hiệp - một người anh, người đồng nghiệp đáng kính.
Năm 1972 nhạc sỹ Hoàng Hiệp cùng với nghệ sĩ Tân Nhân được bổ sung vào đoàn Văn nghệ của Đài phát thanh Giải Phóng nói riêng, Đài TNVN nói chung – để chuẩn bị tăng cường cho chiến trường miền nam. Chúng tôi sinh hoạt cùng một chi bộ trực thuộc Đài TNVN do ông Phạm Tuân, Trưởng Ban Văn nghệ, Đài TNVN làm bí thư. Ông Nguyễn Thành, phụ trách Đài Giải Phóng cùng với ông Lê Khánh Căn phụ trách Văn nghệ bên đó (56 phố Quán Sứ) thường hay sang 58 cùng phố để sinh hoạt phổ biến những thông tin mới cho bà con biết rõ tình hình trong Nam.
Những buổi nghỉ trưa, nếu anh không về với chị Diễn Lan (vợ anh) thì chúng tôi ăn tạm rồi trải chiếu lên bàn làm việc cùng nghỉ ngơi trò chuyện. Nhạc sỹ Hoàng Hiệp hay kể về quê hương An Giang trước khi anh đi tập kết ra Bắc.
Tên thật là Lưu Trần Nghiệp, có bút danh khác là Lưu Nguyễn, Hoàng Hiệp tham gia cách mạng từ năm 1945 thuộc đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về đoàn văn công và phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1948, tuy nhiên những tác phẩm thật sự để đời của Hoàng Hiệp chỉ xuất hiện trong những thập kỷ sau này.
Vợ chồng nhạc sỹ Hoàng Hiệp trong buổi trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 |
Năm 1954, Hoàng Hiệp tập kết ra Bắc trong đoàn văn công Nam Bộ. Sau khi theo học lớp sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam năm 1956, Hoàng Hiệp về làm biên tập âm nhạc ở Nhà xuất bản Mỹ thuật Âm nhạc của Bộ Văn Hóa. Môi trường công tác này đã giúp cho người nhạc sĩ phát huy tài năng vốn có. Năm 1957, trong một chuyến đi thực tế về giới tuyến Vĩnh Linh, Hoàng Hiệp đã cùng với Đằng Giao sáng tác nhanh bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương”.
Nghệ sỹ Văn Hanh ở Đoàn ca nhạc Đài TNVN là người đầu tiên hát bài này trên sóng phát thanh quốc gia. Sau đó còn có các giọng hát khác như Quốc Hương, Tân Nhân, Thanh Huyền, Thu Hiền…thể hiện cũng rất độc đáo theo phong cách riêng.
Có một kỷ niệm đẹp chúng tôi nhớ mãi, trước khi thu thanh bài hát “Ngọn đèn đứng gác”(thơ Chính Hữu), anh đã nói với tôi là mời hộ nghệ sỹ Mai Khanh hát. Tôi và nhạc sỹ Triều Dâng đạp xe đến nhà Mai Khanh thì cũng gặp anh ở đó. Hôm thu thanh Hoàng Hiệp rất cẩn thận đề nghị Mai Khanh thu đi thu lại đến 5 lần, lần thứ 6 anh mới ưng ý.
Trong vòng 20 năm sống ở Hà Nội (1955 đến 1975), Hoàng Hiệp đã viết hơn 100 ca khúc, nhiều bài trong đó tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như: Lá đỏ (thơ Nguyễn Đình Thi), Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây (Thơ Phạn Tiến Duật), Cô gái vót chông (Thơ Moly Clavy), Đất quê ta mênh mông (Thơ Dương Hương Ly), Tiểu đội xe không kính (thơ Phạm Tiến Duật), Như lá (thơ Lâm Thị Mỹ Dạ), Em vẫn đợi anh về (thơ Lê Giang) …
Cho dù từ thơ, nhạc đã cất lên, nhưng cấu trúc âm nhạc và tư duy hình tượng âm nhạc phải là phong cách sáng tạo riêng biệt, chứ không chỉ lệ thuộc hay minh họa cho thơ. Lúc đó thơ đã hoà nhuyễn vào giai điệu âm nhạc và cảm xúc âm nhạc làm rung động trái tim người nghe. Đó là sức mạnh của ca khúc phổ thơ – Hoàng Hiệp rất xứng với danh hiệu mà thính giả Đài TNVN phong tặng là “Ông hoàng” phổ thơ.
Năm 2000, 5 tác phẩm của ông được Nhà nước chọn để trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật, thì có tới 4 ca khúc phổ thơ, chỉ có duy nhất một bài ông tự viết lời, đó là bài Nhớ về Hà Nội.
“Nhớ về Hà Nội”- Một ca khúc thể hiện về mối tình duy nhất của người nhạc sĩ. Nếu nói đây là do tình yêu sâu sắc với Thủ đô mà nhạc sĩ đã làm nên tác phẩm, điều đó chẳng hề sai, nhưng có lẽ tình yêu và hôn nhân sâu nặng nghĩa tình của ông với người vợ (bà Diễn Lan), một người con của đất Hà thành (ở phố Nguyễn Du) mới chính là nguồn cảm xúc sâu sắc và vô tận về đề tài Hà Nội.