“Như cánh vạc bay”- đêm của dư âm
VOV.VN - Đêm nhạc hòa quyện hợp lý đến không ngờ giữa nét điêu luyện tròn đầy, nét trong trẻo tươi sáng và nét phiêu diêu phá cách…
Nhận lời mời tham dự đêm nhạc mang tên “Trịnh Công Sơn - Như cánh vạc bay” kỷ niệm tròn 20 năm ngày cố nhạc sĩ tài hoa rời “cõi tạm” (1/4/2001 – 1/4/2021), tôi không kỳ vọng vào điều gì đó quá mới mẻ. Sẽ lại tự sự, sẽ lại triết lý, sẽ lại trầm mặc… như cách lâu nay người ta vẫn nói, vẫn hát về nhạc Trịnh. Nhưng quả thật giờ này trong tôi vẫn còn xúc động mạnh. Đó là bởi dư âm của một đêm thăng hoa âm nhạc, đêm kết nối nghệ thuật đỉnh cao và những tâm hồn đồng điệu. Đặc biệt hơn, đó là một đêm hòa quyện hợp lý đến không ngờ giữa nét điêu luyện tròn đầy, nét trong trẻo tươi sáng và nét phiêu diêu phá cách…
Đêm của sự kết nối
Sự kết nối trước hết đến từ những nhà tổ chức đêm nhạc. Người xem không khỏi háo hức và mong đợi ngay từ khi trên vé mời ghi thông tin: Giám đốc âm nhạc: Nghệ sĩ Violino Trịnh Minh Hiền, Dẫn chương trình: Nhà báo Trịnh Thanh Vân, Tổng đạo diễn chương trình: Nhà báo Trịnh Tùng Lâm…. cùng Hội đồng họ Trịnh Việt Nam, CLB Doanh nhân họ Trịnh tại Hà Nội. Chương trình còn được phát trực tiếp trên Fanpage Trịnh Gia Gia - trinhtoc.com. Đủ để dự đoán, những cái tên cùng họ đặc biệt ấy sẽ tròn cảm xúc và chân tình thế nào khi làm đêm nhạc nhớ về người nhạc sĩ thân thương gắn bó, như người chú, người anh, người bạn tri kỷ…
Càng đi sâu vào đêm, càng thấy rõ sự kết nối tự nhiên như vốn dĩ phải thế. Dường như chỉ có nhạc Trịnh mới đủ để những con người xa lạ xích lại gần nhau, chỉ nhạc Trịnh mới đủ để khán phòng trở nên ấm áp, lúc rung động ưu tư thổn thức, khi lại vang lên những khát khao của niềm vui sống. Người ta nhận rõ sự kết nối giữa ca sĩ và nhạc công, giữa nghệ sĩ và khán giả, giữa nhà tổ chức và gia đình cố nhạc sĩ. Cách họ nhìn nhau nâng niu, giới thiệu về nhau trân trọng; cách họ đến với nhau, lan tỏa cống hiến cho nhau những gì đẹp nhất, đủ thấy độ thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ từ rất lâu. Bởi giữa họ, chung một niềm đam mê với nhạc Trịnh, sự trân trọng kho tàng nghệ thuật đặc biệt, biết ơn những gì ông để lại cho muôn đời:
“Tố Hoa rất xúc động khi được mời tham dự đêm nhạc, được thể hiện một dòng nhạc khác lạ với mình và mong muốn chạm tới trái tim khán giả”.
"Với Lô Thủy, 20 năm qua, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chưa bao giờ mất. Ngày nào tôi cũng hát nhạc ông vì cõi nhạc của ông quá rộng lớn, bao trùm mọi lẽ nhân gian. Cõi nhạc của ông từ bi, thanh khiết, hát lên niềm đau để xoa dịu mọi nỗi đau... Tôi hát nhạc ông bằng lòng biết ơn".
“Tôi đến với nhạc Trịnh như là số mệnh, đúng hơn là từ một tiếng gọi. Và chính nhạc Trịnh đưa tôi gần với khán giả, đưa tôi đến con đường âm nhạc biểu diễn”.
Tâm sự của 3 nghệ sĩ, xen giữa những lời ca, những bản hòa tấu, độc tấu, thể hiện rõ tinh thần kết nối của nhạc Trịnh: Những gì từ trái tim sẽ đến được với trái tim.
Đêm của những hòa quyện
Đêm nhạc “Như cánh vạc bay” thể hiện rõ nét quan điểm của cố nhạc sỹ tài hoa khi nghĩ về cuộc đời, thế giới và âm nhạc. Qua đôi mắt của Trịnh Công Sơn, mỗi người có một vẻ đẹp, một vai trò riêng trong thế giới rộng lớn này. “Người này có thể là bụi tre, người kia là cây trúc…”. Và mỗi “cây tre, cây trúc” ấy, trên sân khấu đêm 31-3, đã tròn vai của mình, tận hiến những phút giây thăng hoa nhất cho người nghe, theo cách của riêng họ.
Lần đầu tiên khán giả yêu nhạc Trịnh được đắm chìm vào các tác phẩm nổi tiếng qua giọng hát họa mi của ca sĩ thính phòng Tố Hoa. Trẻ trung, mơ mộng như một nàng công chúa bước ra từ cổ tích với chiếc váy trắng bồng bềnh, Tố Hoa cất giọng soprano cao vút với âm sắc đẹp, “Để gió cuốn đi” vốn được biết đến như một lối tư duy, chiêm nghiệm về đời sống của cố nhạc sĩ tài hoa mở ra đêm nhạc đầy thi vị. Mùa thu Hà Nội đẹp như một bức tranh với “cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ/nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu” cũng được “khắc họa” trong trẻo qua tiếng hát Tố Hoa- người chạm ngõ vào thế giới nhạc Trịnh bằng một cách nhìn khác.
Ca sĩ Lô Thủy - người được mệnh danh là “Khánh Ly thứ hai” của dòng nhạc Trịnh với chất giọng khàn da diết thể hiện ba nhạc phẩm: "Một cõi đi về", "Cát bụi", "Cho đời chút ơn"… Từng có 12 năm được đào tạo thanh nhạc trong môi trường chuyên nghiệp (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), Lô Thủy là một giọng ca giàu nội lực có thể hát nhiều dòng nhạc của nhiều tác giả. Song, dường như âm nhạc Trịnh Công Sơn đã chọn cô, như một sắp đặt của định mệnh. 18 năm hát nhạc Trịnh, Lô Thủy vẫn giữ lối trình diễn mộc mạc gần như bản năng, không chút màu mè phô trương kỹ thuật – nhưng chính sự mộc mạc ấy đã khiến nhiều khán giả tìm đến nghe nhạc Trịnh đầu tiên qua giọng ca Lô Thủy.
Điểm nhấn đặc biệt ấn tượng là sự xuất hiện của nghệ sỹ nhạc rap, vũ công kiêm biên đạo múa- Hà Lê- tên đầy đủ là Lê Vĩnh Hà, sinh năm 1984 tại Hà Nội, người vừa ra mắt album “Ở trọ” và dự án Trịnh Contemporary sử dụng yếu tố đương đại trên nhiều phương diện (vũ đạo, hòa âm, trang phục…), thể hiện trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến. Sự tham gia của Hà Lê trong các chương trình tưởng nhớ Trịnh Công Sơn gần đây xuất phát từ mong muốn của gia đình nhạc sĩ: “Chúng tôi đã rất ngạc nhiên khi Hà Lê hát lên những ca khúc quen thuộc của anh tôi. Tôi thấy rất lạ nhưng khá bắt tai, thú vị. Quan trọng là vẫn sang trọng và vẫn giữ được tinh thần Trịnh Công Sơn. Tôi tin anh Sơn cũng sẽ rất thích âm nhạc của Hà Lê” (lời ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh).
Nếu như ba ca khúc “Diễm xưa,” “Hạ trắng” và “Biển nhớ” được thể hiện dưới hình thức music video, thì ở “Tuổi đá buồn”, những câu ca trữ tình của thời xưa được chuyển thể thành màu sắc thần bí, thích hợp nghe vào những buổi đêm nhiều suy tư. Chân dung nghệ sỹ đương đại vừa hát, vừa nhảy vừa đọc rap của Hà Lê trên nền R&B, world music, EDM, reaggae hòa quyện với cách chơi ngẫu hứng sáng tạo của ban nhạc “Màu nước” thổi một “làn gió” mới rộn rã, tự do và đầy hứng khởi vào “cõi Trịnh”, cho thấy sự đồng điệu về cảm xúc của nghệ sỹ hiện nay với thế hệ trước, đồng thời cũng đưa nhạc Trịnh đến gần hơn với khán giả trẻ.
Mỗi người một cá tính âm nhạc, sự trong trẻo nhẹ nhàng bay bổng của Tố Hoa, sự chiêm nghiệm “rất đàn bà” của Lô Thủy, sự ngẫu hứng, phá cách, chất chơi của Hà Lê… kỳ lạ thay, không hề mâu thuẫn. Trái lại, hòa quyện đến không ngờ, bởi họ cùng chung một niềm yêu, yêu đời yêu người, yêu hạt bụi yêu cỏ cây, yêu cả những gì đáng ghét… Như những gì nhân văn nhất theo tinh thần Trịnh: "Được yêu hay bị từ chối cũng là số phận của đời. Mà đời thì rộng quá. Còn yêu thì còn sống. Còn được yêu thì còn sống dài lâu. Hãy sống thật người. Sống như ngày mai ta với họ không còn nữa. Hãy yêu cho dù gió sẽ cuốn đi tất cả...”.
Và đêm của dư âm…
Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, không một khán giả nào đứng lên, không một tiếng điện thoại, thậm chí không cả tiếng thì thầm… Chỉ có những tràng pháo tay dài không ngớt, những sự tán thưởng, khâm phục màn độc tấu, song tấu với kỹ thuật điêu luyện của các nghệ sĩ violin, cello… nổi tiếng:Trịnh Minh Hiền, Duy Phong, Hà Miên, Lê Duy Mạnh… và hai ban nhạc Trịnh's band, Màu nước. Khán giả liên tục được dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc; trái tim và tâm hồn họ dành cả vào không gian âm nhạc, nơi những nghệ sĩ chân chính thực sự khiến họ rung động.
Và khi tiếng saxophone của Lê Duy Mạnh vang lên da diết từ góc khán phòng, khi Hà Lê nắm tay người hâm mộ cùng í a theo lời ca “Ở trọ”, rồi tất cả nghệ sĩ và khán giả đung đưa cùng hòa giọng “Hãy yêu nhau đi” trong ánh đèn, ánh nến… là khi ấy, dư âm trọn vẹn của đêm nhạc đã được lấp đầy.
Với “Như cánh vạc bay” và những đêm nhạc tổ chức trên cả nước những ngày này, người ta hiểu rằng, dù 20 năm, 30 năm, 50 năm… hay lâu hơn nữa, Trịnh Công Sơn vẫn sống mãi trong lòng người hâm mộ. Vì mỗi sáng tác của ông không chỉ là ca khúc, mà là chắt chiu tự sự, triết lý, là những chiêm nghiệm đôi khi trừu tượng trong ảo ảnh, đôi khi giản đơn đến hồn nhiên. Quan trọng hơn, ca từ ấy, âm nhạc ấy, được cất lên từ những tâm hồn đẹp, những khát khao thử nghiệm, làm mới thêm kho tàng nghệ thuật vốn chưa bao giờ cũ./.