NS Trần Lập: Chúng tôi trả giá bằng cả tuổi trẻ cho Bức Tường
VOV.VN - Trong 20 năm hoạt động cùng Bức Tường, có những khi NS Trần Lập nản chí và muốn bỏ ban nhạc nhưng cuối cùng, đam mê lại kéo anh về với Rock.
Sau hơn 3 năm, kể từ album “Ngày khác” với những bản hit như “Hoa ban trắng”, “Tiếng gọi”, “Anh sẽ đến”… ban nhạc Bức Tường sắp cho ra mắt album tiếp theo, đánh dấu một mốc mới trong chặng đường hoạt động âm nhạc bền bỉ của mình.
Album thứ 5 với tên gọi “Đất Việt” là sản phẩm chứa đựng nhiều tâm huyết và tình cảm của Bức Tường. Phóng viên VOV.VN phỏng vấn nhạc sĩ – ca sĩ Trần Lập, thủ lĩnh Bức Tường về album “Đất Việt” nhân kỷ niệm 20 năm ban nhạc được thành lập.
“Đất Việt” – bản trường ca dân gian độc đáo
PV: Album thứ 5 trong sự nghiệp âm nhạc của ban nhạc Bức Tường có gì đặc sắc hơn so với những album trước đó, thưa anh?
CS Trần Lập: Album “Đất Việt” gồm 10 ca khúc với phong cách âm nhạc tương đối độc đáo, mang chất liệu âm nhạc dân gian của Việt Nam. Lấy chủ đề “Đất Việt”, tất cả các ca khúc trong album đều là câu chuyện về những vùng miền, những chuyến đi, những niềm đam mê, những cung đường và có cả những góc tối.
Tuy nhiên, âm nhạc của Bức Tường vẫn là Bức Tường. Chúng tôi vẫn có một tư tưởng sáng tác, tư tưởng về nội dung, phong cách chơi như chúng tôi vẫn thường thể hiện, chỉ có chất liệu âm nhạc được cộng thêm chất dân gian một cách kỹ lưỡng, độc đáo hơn. Nó nằm ngay trong từng câu nhạc. Tôi nghĩ, việc kết hợp chất liệu âm nhạc dân gian trong các ca khúc là điều mà rất nhiều người chơi nhạc ở Việt Nam mong muốn làm được.
PV: Vì sao anh và các thành viên trong ban nhạc lại chọn cái tên “Đất Việt” để đặt cho album này?
CS Trần Lập: Tên album được lấy từ tên ca khúc chủ đề là “Đất Việt”. Có thể nói, “Đất Việt” là tác phẩm lớn nhất của Bức Tường từ trước đến nay khi nó chứng kiến toàn bộ những năm tháng hoạt động của ban nhạc.
Đây là một bản trường ca, được diễn tấu bằng rất nhiều hình thức âm nhạc, mang hơi hướng của Symphony lẫn chất liệu nhạc Rock, cùng chất liệu dân gian của Việt Nam. Phải phối hợp rất nhiều nhạc cụ khác nhau mới có thể cho ra cái hồn của ca khúc.
Ý tưởng xuất phát của ca khúc đã có từ trước năm 2000 nhưng chưa thể thực hiện được, trong khi lần lượt những tác phẩm sáng tác sau lại ra đời và thành công. Nguyên nhân chính là vì ca khúc quá phức tạp và khó dựng, ngay cả trong nội bộ ban nhạc. Ngoài ra thì còn vấn đề thu âm ở những năm trước còn chưa tốt, trong khi ngày nay, các kỹ thuật điện tử đã có thể hỗ trợ phần nào.
Nhân kỷ niệm 20 năm Bức Tường được thành lập, chúng tôi đã cố gắng cho ra mắt ca khúc này. Nó đủ xứng đáng để trở thành tác phẩm chủ đề của album. Thông qua đây, chúng tôi cũng muốn gửi lời cảm ơn đến tất cả các khán giả đã ủng hộ Bức Tường trong vòng 20 năm qua. Cuối cùng, chúng tôi đã thực hiện được lời hứa muộn mằn với tất cả người hâm mộ nhạc Rock.
PV: Album “Đất Việt” đánh dấu mốc 20 năm, ban nhạc Bức Tường thành lập và hoạt động. 20 năm cũng là con số hiếm có với một ban nhạc Rock ở Việt Nam. Anh nghĩ, điều gì đã giúp nhóm có thể tồn tại được trong khoảng thời gian lâu như vậy?
CS Trần Lập: Tôi nghĩ rằng, nhờ sự yêu mến của khán giả, nhờ điểm đặc sắc trong âm nhạc và sự gắn bó của các thành viên nên ban nhạc mới trải qua được 20 năm với rất nhiều khó khăn. Ban nhạc luôn tự hào về sức mạnh của mình, sức mạnh ở đây không phải là chuyện gồng mình lên, mình cao to cỡ nào, mà là mình dám chịu, dám hy sinh 20 năm của cuộc đời cho Bức Tường.
Trong 20 năm đấy, dù có khi bước đi rất chậm nhưng bài học về sự trưởng thành, bài học về làm người, thành viên của ban nhạc có duy trì được hay không, chơi nhạc được bao lâu… thì với họ, Bức Tường là nơi chốn tinh thần để họ có thể náu mình những khi thấy khó khăn. Những thứ đó tiền bạc không mua được.
CS Trần Lập: Có nhiều lúc chúng tôi cũng chán, nản chí và muốn bỏ lắm. Cũng có khi tôi nghĩ, nếu được chọn lại thì sẽ không chơi Rock. Thế nhưng, chúng tôi không bỏ được. Chúng tôi đã từng thử và thấy, bỏ còn khổ hơn. Nó không phải vấn đề tiền bạc mà là nhiều thứ khác. Mà đã không bỏ được thì phải chơi nhạc cho tử tế, chơi hết mình. Cứ như vậy, thấm thoắt đã 20 năm.
PV: Điều gì khiến anh trăn trở nhất khi hoạt động cùng Bức Tường? Bức Tường còn điều gì phải cải thiện, phải tiến bộ hơn để song hành cùng những nhóm nhạc mới phát triển Rock Việt?
CS Trần Lập: Quá trình hoàn thiện cũng giống như đời người, không bao giờ ngưng nghỉ và có điểm dừng. Bức Tường có chơi hay đến đâu nữa thì khi nhìn lên, vẫn thấy có rất nhiều tài năng khác. Bản năng của người chơi nhạc là sự học để hoàn thiện mình hơn. Nó không còn là điều thôi thúc mà rất tự nhiên khiến các thành viên phải thay đổi và phát triển.
Còn những điều mà tôi trăn trở, cũng là những chuyện của thời cuộc, của xã hội mà chúng ta vẫn nói như chuyện đầu tư thời gian, bản quyền tác phẩm, ai trả tiền nuôi ban nhạc, ai cho chúng tôi những điều kiện tốt nhất để sáng tác mà không phải lo nghĩ…
Trong khi chúng tôi trả giá bằng cả tuổi trẻ, bằng tất cả những năm tháng cống hiến và tâm huyết thì với xã hội cũng chỉ như muối bỏ bể mà thôi.
PV: Thế nhưng, khi nhắc đến Rock Việt, khán giả lại chỉ nhớ đến Bức Tường. Ban nhạc dường như vẫn đang ở vị trí độc tôn và được mọi người biết đến?
CS Trần Lập: Tôi không nghĩ vậy, còn rất nhiều ban nhạc ở Việt Nam chơi hay. Khi đã được mọi người yêu mến thì mình phải sáng tác ra những tác phẩm có giá trị, có ý nghĩa dành cho họ. Đó là lý do, các ca khúc của Bức Tường luôn hướng ra xã hội và có sự đồng cảm, chia sẻ.
Khi nghe nhạc của Bức Tường, khán giả sẽ thấy được mình trong đó. Dù miêu tả nỗi đau, những góc tối… thì vẫn có thể le lói thấy ánh sáng và hy vọng. Đó là điểm mạnh của Rock. Và dĩ nhiên, Bức Tường có phong cách của riêng mình, có tư tưởng của riêng mình, được truyền tải trong tác phẩm.
Với Bức Tường, khi còn trí sáng tạo thì cứ sáng tạo, khi còn chơi được nhạc thì cứ chơi, đến khi nào thật sự chán thì thôi.
PV: Xin cảm ơn anh./.