Thu tác quyền âm nhạc: Trung tâm bảo hộ hay trung tâm đòi nợ?

VOV.VN - Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là đơn vị duy nhất bảo vệ quyền lợi của các nghệ sĩ thì lại vận hành như một trung tâm đi đòi nợ.

Sự việc BTC chương trình Khánh Ly phải trả 170 triệu đồng tiền tác quyền sau khi “mặc cả” với nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) khiến nhiều nhạc sĩ tỏ ra bức xúc. Không chỉ việc “dọa” sẽ “nhảy” lên sân khấu mà cách thu tác quyền “mỗi nơi một kiểu, mỗi người một giá” của nhạc sĩ Phó Đức Phương – đại diện VCPMC khiến dư luận đặt dấu hỏi, VCPMC là Trung tâm bảo hộ tác quyền hay trung tâm đòi nợ?

Nhạc sĩ Phó Đức Phương

Do được các nhạc sĩ ủy quyền nên trung tâm đang giữ vị trí độc quyền về việc định giá phí bản quyền. NSND Trần Bình – Giám đốc Nhà hát nghệ thuật đương đại Việt Nam bức xúc: “Các nghệ sĩ ở các nhà hát chỉ được 10.000 đồng một buổi tập. Giờ nhiều đơn vị làm khá hơn thì NSND được khoảng 300.000 đồng, NSƯT khoảng 280.000 đồng. VCPMC thu ở các nhà hát mỗi buổi tập dứt khoát là 500.000 đồng. Từ năm ngoái, nếu diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội thì lại phải đóng 1.800.000/bài”.

Chính vì độc quyền nên VCPMC cũng đang tự ý cho phép các đơn vị tổ chức biểu diễn “mặc cả” tiền tác quyền. Theo NSND Trần Bình, sự bát nháo này chính là nguồn cơn của việc nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn không chịu đóng phí vì nghĩ rằng sẽ mặc cả được vào phút chót.

Ngoài ra, việc VCPMC áp dụng Nghị định 61 theo Bộ luật dân sự là không hợp lý, bởi trong Nghị định 61 đặt ra mức 15% đến 21% doanh thu buổi diễn cho toàn bộ phần biểu diễn bao gồm nhạc sỹ, biên kịch, nhạc sỹ phối khí, nhạc sỹ chuyển thể, họa sỹ theo thỏa thuận trong hợp đồng. Vì vậy, phần tác quyền của nhạc sỹ chỉ là một phần trong tổng giá trị trên. Việc VCPMC tự ý đặt ra con số 5% doanh thu dành cho tác quyền của nhạc sỹ là thiếu cơ sở. Mức phí tác quyền cần được hai bên thỏa thuận cụ thể trong hợp đồng mà không chịu sự áp đặt của bất kỳ bên nào.

Với cơ chế vận hành của VCPMC như hiện nay thì nơi này đang làm mỗi một việc là đi đòi tiền bản quyền, còn bảo vệ quyền lợi và đấu tranh khi các tác phẩm bị xâm phạm thì vẫn chưa thấy đâu.

Về phía Hội nhạc sĩ Việt Nam, đơn vị chủ quản của Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ Cát Vận cho rằng: Với số tiền thu mỗi năm một tăng như hiện nay, thì rõ ràng trung tâm đang làm tốt công việc... thu tiền của mình.

“Trung tâm đang thu tiền theo đúng chức năng của mình, bởi tất cả những người có bài hát gửi đến trung tâm đăng kí thì đều có một hợp đồng ủy thác, trong đó họ đã ủy thác cho trung tâm việc thu tiền theo đúng yêu cầu bản quyền” – nhạc sĩ Cát Vận cho biết.

Nhạc sĩ Cát Vận

Ông Vũ Ngọc Hoan - Quyền Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ VH-TT&DL cũng bày tỏ ý kiến: “Tôi cho rằng nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng có cái khó khi đi thu tác quyền. Nếu bên BTC ý thức được rõ ràng việc này thì trước buổi biểu diễn, họ phải làm việc với VCPMC để trả tiền bản quyền bài hát. Về cơ chế thu phí tác quyền, nguyên tắc đầu tiên là nguyên tắc thỏa thuận, còn về mặt phương pháp, có thể tính theo bài hát và tính theo doanh thu. Thế nhưng, hiện nay, việc tính theo doanh thu là văn minh hơn cả. Vì không phải mọi chương trình biểu diễn đều có doanh thu giống nhau”.

Tuy nhiên, ông Vũ Ngọc Hoan cũng đồng ý rằng, cần phải có sự công khai minh bạch trong chi và thu. Ngoài ra, cần phải báo cáo rõ ràng với những người có quyền – những nhạc sĩ về chi phí mà họ được nhận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên