Cây Du sam 500 năm tuổi ở Lai Châu được công nhận là cây di sản Việt Nam
VOV.VN - Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam vừa công bố quyết định công nhận cây Du sam khoảng 500 năm tuổi ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu là cây di sản Việt Nam.
Cây Du sam ở xã Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu) được người địa phương gọi cây Pơ mu chua, có tuổi đời khoảng 500 năm tuổi. Cây mọc ở sườn núi dốc phía nam của xã Tà Mung, thuộc địa bàn bản Đán Tọ, thuộc khoảnh 8, tiểu khu 514, nằm trong lâm phần rừng sản xuất thuộc UBND xã Tà Mung quản lý.
Cây có chu vi gốc là 4,57m, chiều cao khoảng trên 20m. Theo lời kể của bà con ở đây, cây Du sam từng bị sét đánh 2 lần vào năm 1997 và năm 2021 khiến cây bị khô một phần thân, tuy nhiên cây vẫn xanh tốt. Hệ thực vật cộng sinh trên tán cây du sam khá phong phú. Tán lá rộng khoảng 20m2 và có nhiều loại phong lan, dương xỉ, tầm gửi và rêu bám trên thân cây, cành cây và cả tán lá.
Trong thời kì chiến tranh, Tà Mung là một trong những nơi giặc Pháp ném bom làm cháy hàng ngàn ha rừng, hủy diệt nhiều loài thực vật, động vật. Cây Pơ mu chua ở đây là một trong những cây hiếm hoi còn tồn tại sau chiến tranh với sức sống mãnh liệt, trở thành biểu tượng của núi rừng Tà Mung, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người Mông nơi đây.
Cây Du sam thuộc họ thông, thường mọc trên núi với độ cao trên 1.000m, được xếp vào nhóm IA, thuộc nhóm bị đe dọa tuyệt chủng. Loài cây này đã được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (1996) với cấp đánh giá “sẽ nguy cấp” và danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm (nhóm 2) của Nghị định số 32/2006/NĐ - CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ.