Chặng đường hóa thân vào vai Bác Hồ của NSƯT Tiến Hợi

VOV.VN - Kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc năm 1987, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.

Nhắc đến người từng thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu và phim ảnh, khán giả nghĩ ngay đến NSƯT Tiến Hợi. NSƯT Tiến Hợi tâm sự, bằng tấm lòng yêu quý Bác Hồ - vị cha già của dân tộc Việt Nam, trong mọi tác phẩm ông thể hiện (sân khấu, điện ảnh, truyền hình và phát thanh) ông đều cố gắng nuôi dưỡng cảm xúc nguyên vẹn với mỗi lần hóa thân hình tượng Bác.

Kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc năm 1987, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.

Lần đầu đóng vai Bác Hồ năm 28 tuổi

NSƯT Tiến Hợi tên thật là Nguyễn Văn Hợi, sinh năm 1959, là diễn viên sân khấu từng có nhiều năm công tác tại Nhà hát Kịch Hà Nội. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật, NSƯT Tiến Hợi từng đóng vai Bác Hồ hơn 40 lần.

Lần đầu đóng vai Bác Hồ là khi NSƯT Tiến Hợi 28 tuổi, khi đang là diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2. Năm 1987, Đoàn nghệ thuật quyết định dựng vở kịch “Đêm trắng”. Khi đó, Đoàn chọn ra 2 người, trong đó có NSƯT Tiến Hợi. Bước đầu đi thử  hóa trang, 2 diễn viên đến nhà cố NSƯT Nhữ Đình Nguyên, 1 nghệ sĩ hóa trang nổi tiếng của Hãng phim truyện Việt Nam đã học tại Nga.

Trong quá trình hóa trang, NSƯT Nhữ Đình Nguyên nói “Tiến Hợi giống lắm, thuận lợi từ mắt, dáng, chiều cao. Điều kiện như này để Tiến Hợi đóng vai Bác là quá hợp lý”. Vì vậy đoàn giao nhiệm vụ cho ông phải cố gắng nghiên cứu tìm hiểu, thể hiện trọn vẹn vai diễn này.

“Hôm sau, nhìn mình trong hình, thực sự tôi cũng không ngờ tôi sau khi được hóa trang lại giống Bác Hồ như vậy. Bởi năm đó tôi mới 28 tuổi”, NSƯT Tiến Hợi chia sẻ với VOV.

NSƯT Tiến Hợi chia sẻ tâm trạng khi đó thực sự lo và sợ, vì “Đêm trắng” là vở kịch đầu tiên lại đề cập đề tài chống tiêu cực, biển thủ công quỹ của nhà nước. Nhân vật xuất hiện rất nhiều từ đầu đến cuối và lại là nhân vật chính luôn. Trong kịch bản tác giả Lưu Quang Hà có viết những phân đoạn gai góc, Bác Hồ thể hiện những lời nói mạnh, thể hiện sự bực tức mãnh liệt.

“Tôi đề cập với Đoàn cho tôi xem một loạt các bộ phim tư liệu nói về Bác Hồ. Tôi cũng yêu cầu trong quá trình tập vở thường xuyên cho tôi xem và đi thu những bài phát biểu của Bác để về nghe. Sáng tôi đến tâp cùng đoàn, chiều tôi xem phim tài liệu về Bác, tối tôi nằm nghe băng. Tôi nghe và luyện theo giọng nói của Bác. Sau 2 tháng thì mọi người cũng đánh giá là tôi diễn tốt. Tôi học theo phong cách và dáng đi, cách làm việc của Bác. Đấy là bước khởi đầu khi tôi vào vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở kịch “Đêm trắng” là như vậy”, NSƯT Tiến Hợi chia sẻ.

Buổi đầu tiên duyệt vở “Đêm trắng” ở Nhà hát lớn Hà Nội có quan khách đến dự rất nhiều, đặc biệt có bác Vũ Kỳ, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đó là những người đã từng sống với Bác và biết được Bác Hồ là người như nào còn NSƯT Tiến Hợi lại là người chưa được gặp Bác lần nào. Chính vì vậy để thể hiện vai này là áp lực đối với ông.

NSƯT Tiến Hợi kể, đến khi vở diễn xong, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên bắt tay ông, miệng cười nhưng nước mắt giàn giụa. Đại tướng chỉ nói được mấy câu “Cảm ơn, cảm ơn rất nhiều”. Còn Bác Vũ Kỳ vào phòng hóa trang chờ ông tẩy trang. Bác Vũ Kỳ nói: “Cho tôi xem khuôn mặt ngoài đời của cậu như nào. Không ngờ cậu trẻ như này mà đóng vai Bác Hồ lại đạt như thế. Tôi thấy cậu diễn rất hay. Cậu thể hiện được rõ nét tính cách của Bác Hồ mà tôi đã từng chứng kiến. Thực sự Bác Hồ rất nóng tính. Làm sai việc gì, đi làm muộn là Bác mắng. Cậu đã thể hiện được thần thái của Bác trong vai diễn đó”.

NSƯT Tiến Hợi, riêng vở kịch “Đêm trắng” đoàn diễn hơn 300 buổi và đi đến đâu cũng được khán giả đánh giá rất cao. Vở kịch “Đêm trắng” là điểm sáng đi vào lịch sử nền sân khấu Việt Nam trong giai đoạn đó.

Người thể hiện vai Bác Hồ thành công nhất

Năm 1988, Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 bị giải thể vì điều kiện phục vụ trên biên giới phía Bắc khó khăn. NSƯT Tiến Hợi chuyển về nhà hát kịch Hà Nội và tham gia rất nhiều vai diễn trong các giai đoạn lịch sử của Bác. Điểm quan trọng năm 1989, ông được đoàn làm phim “Hẹn gặp lại Sài Gòn” mời đóng vai Nguyễn Tất Thành thời điểm năm 1911, khi Bác Hồ đi tìm đường cứu nước. Đây là bộ phim điện ảnh đầu tiên ông tham gia.

Năm 1996, NSƯT Tiến Hợi tham gia bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46”. Đây là bộ phim điện ảnh thứ hai của ông. NSƯT Tiến Hợi chia sẻ, năm 1946 lúc đó Bác Hồ 56 tuổi, ông lại sấp xỉ 40. Để thể hiện vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong năm 1946 không dễ gì. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh động viên ông rất nhiều. Vào vai diễn, ông cũng phải nghiên cứu các chặng đường hoạt động của Bác, những giai đoạn lịch sử từ năm 1945-1948, giai đoạn Bác hoạt động các mạng trên chiến khu Việt Bắc. Cốt lõi là tôi tìm lối diễn để thể hiện được thần thái của Bác. Toát lên thần thái với một vai lãnh tụ thì còn khó gấp bội với các vai diễn khác.

“Những bộ phim tôi đã từng đóng, đã diễn ở sân khấu cái quan trọng nhất là thần thái, cốt cách của Bác Hồ, phong cách của Bác, diễn làm sao cho dung dị, mộc mạc. Tôi nghiên cứu về Bác thì thấy Bác gần gũi, thân thương, phong cách sống rất đơn giản, mộc mạc. Bác đi thăm hỏi, động viên từng người một. Bác chia sẻ những tình cảm. Bác dạy dỗ, bảo ban nhắc nhở các cháu nhi đồng, thăm hỏi các cụ già, bộ đội chiến sĩ. Chính vì thế khi diễn phải toát lên thần thái. Cho nên trong bộ phim “Hà Nội mùa đông năm 46” đóng bai Bác Hồ phải toát lên sự lịch lãm, dí dỏm, kiên quyết và phải dứt khoát”, NSƯT Tiến Hợi nói.

Mỗi một giai đoạn lịch sử, vai diễn, khi xuất hiện với hình tượng Bác Hồ kể cả thời già hay trẻ thì NSƯT Tiến Hợi đều nghiên cứu kỹ và tìm tòi những nét riêng, chi tiết riêng, bổ sung cho vai diễn những nét riêng cứ không lặp đi lặp lại. 

"Tôi nghiên cứu khá nhiều về Bác Hồ và xem các phim tài liệu về Người. Tôi hình dung ra hình ảnh của Bác rất nhanh. Tôi chỉ cần nghĩ về Bác thì hình ảnh của Bác đã hiện ra trong đầu tôi như một cuốn phim liên tục. Khi tôi nghe giọng nói của Bác thì tôi luyện để có một chất giọng tương đối giống Bác, tôi nghiên cứu rất kỹ để tông giọng tôi hòa vào tông giọng nói của Bác, độ nhấn nhá, dứt khoát, cách nhả âm, cách nói, chất xứ Nghệ sẽ như thế nào? Với mỗi lần nhận vai diễn tôi lại luyện bằng chất giọng đó chính vì thế nó ngấm trong tôi rất nhiều và kỹ cho nên tôi thấy thuận lợi", NSƯT Tiến Hợi chia sẻ.

Tính đến nay, NSƯT Tiến Hợi đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh hay phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm. Năm 2013, sách "Kỷ lục Guinness" của Việt Nam đã xác nhận "Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất".

Các vở kịch ông đã tham gia: Xin lĩnh án tử hình; Vùng lạnh; Chùm hài Oái oăm Đời!; Sám hối; Vòng đời; Vị thánh trong mơ; Những người con Hà Nội…

Các tác phẩm truyền hình, điện ảnh NSƯT Tiến Hợi đóng gồm: Hà Nội - mùa đông 46; Hẹn gặp lại Sài Gòn; Hoa ban trắng; Hoa ban đỏ; Dãy bàn 4 người; Cảnh sát hình sự; Người phán xử; Bi kịch chưa đặt tên…

Ông từng đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 vở Xin lĩnh án tử hình vai Chủ tịch Hồ Chí Minh; Huy chương Bạc vở Vùng lạnh Liên hoan Sân khấu Toàn quốc năm 2018 vai ông Sinh.

Nghệ sĩ Tiến Hợi qua đời sáng 10/2 sau một thời gian điều trị bệnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

NSƯT Nguyễn Tiến Hợi - người nhiều lần đóng vai Bác Hồ - qua đời
NSƯT Nguyễn Tiến Hợi - người nhiều lần đóng vai Bác Hồ - qua đời

VOV.VN - NSƯT Tiến Hợi đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh hay phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm. 

NSƯT Nguyễn Tiến Hợi - người nhiều lần đóng vai Bác Hồ - qua đời

NSƯT Nguyễn Tiến Hợi - người nhiều lần đóng vai Bác Hồ - qua đời

VOV.VN - NSƯT Tiến Hợi đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh hay phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm. 

NSƯT Tiến Hợi, người đóng đinh với vai diễn Bác Hồ
NSƯT Tiến Hợi, người đóng đinh với vai diễn Bác Hồ

VOV.VN - 33 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.

NSƯT Tiến Hợi, người đóng đinh với vai diễn Bác Hồ

NSƯT Tiến Hợi, người đóng đinh với vai diễn Bác Hồ

VOV.VN - 33 năm kể từ lần đầu tiên vào vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc, đến nay NSƯT Tiến Hợi vẫn được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.