Cuộc ganh đua kỳ lạ tại Hàn Quốc vì bộ sưu tập của cố Chủ tịch Samsung
VOV.VN - Bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ của cố Chủ tịch Tập đoàn Samsung là chủ đề nóng trong giới bảo tàng những ngày qua tại Hàn Quốc. Các thành phố từ Suwon đến Busan sẵn sàng xây dựng một địa điểm trưng bày mới dành cho bộ sưu tập này.
Mới đây, Tập đoàn Samsung và Bộ Văn hóa Hàn Quốc cho biết gia đình của cố Chủ tịch Lee Kun-hee (qua đời tháng 10 năm ngoái) sẽ hiến tặng khoảng 23.000 tác phẩm từ bộ sưu tập nghệ thuật của ông, bao gồm các kiệt tác của các nghệ sĩ Hàn Quốc và phương Tây, chẳng hạn như Kim Whan-ki, Claude Monet và Salvador Dali. Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc cùng Bảo tàng Nghệ thuật đương đại và hiện đại quốc gia là những nơi nhận được phần lớn các tác phẩm nghệ thuật và bảo vật trong bộ sưu tập này, đã lên lịch triển lãm lần lượt vào tháng 6 và tháng 8.
Tuy nhiên, một số thành phố bên ngoài Seoul đang hy vọng rằng họ sẽ được chọn để xây dựng một bảo tàng riêng biệt nhằm lưu giữ tất cả bộ sưu tập. Hy vọng càng được nhen lên sau khi Tổng thống Moon Jae-in chỉ đạo xem xét việc lắp đặt một phòng triển lãm riêng bên trong các bảo tàng hiện có hoặc xây dựng một nơi đặc biệt để trưng bày các tác phẩm được hiến tặng cho công chúng.
Các thành phố tại Hàn Quốc đều đưa ra những "lý do chính đáng” để đưa về bộ sưu tập nghệ thuật của cố Chủ tịch Samsung.
Ông Park Heong-joon, Thị trưởng Busan cho rằng tại Seoul đã có hai bảo tàng liên quan tới Samsung, vì vậy nên xây dựng ở Busan và bảo tàng mới này sẽ là một điểm thu hút mà ai cũng phải ghé thăm. "Để tưởng nhớ mong muốn của người đã khuất, nhằm nâng cao nền văn hóa của đất nước, điều đúng đắn cần làm là xây dựng nó ở phía nam, chứ không phải ở khu vực thủ đô" - Park Heong-joon viết trên trang Facebook cá nhân.
Tại Uiryeong, một huyện cách thủ đô Seoul 396 km về phía đông nam, chính quyền địa phương muốn xây dựng bảo tàng vì câu chuyện lịch sử gắn với gia đình cố Chủ tịch Samsung.
Theo đó, ông Lee Byung-chull - người sáng lập Samsung và cũng là người cha quá cố của Lee Kun-hee đã sinh ra ở Uiryeong; và cậu bé Lee Kun-hee đã được bà nội nuôi dưỡng ở đó. Oh Tae-wan, lãnh đạo huyện cho biết: "Tôi hy vọng sẽ càng ý nghĩa hơn khi Uiryeong, với mối quan hệ sâu sắc với Samsung, sẽ có một bảo tàng nghệ thuật Lee Kun-hee".
Suwon, cách thủ đô Seoul 46 km về phía nam đã tham gia cuộc đua. Ngoài trụ sở chính của Samsung Electronics, tại thành phố này có các khu mộ của Lee Kun-hee và gia đình. Đây cũng là nơi có pháo đài Suwon Hwaseong đã được UNESCO công nhận, nơi liên quan tới một số bảo vật quốc gia do Lee Kun-hee hiến tặng, và nằm tương đối gần với Seoul và Sân bay quốc tế Incheon.
Thị trưởng Suwon - Yeom Tae-young đã chỉ đạo chính quyền địa phương chuẩn bị cho thời điểm chính phủ công bố quyết định về bảo tàng mới và tìm kiếm các địa điểm tiềm năng. Một quan chức thành phố cho biết: “Tôi tin rằng có rất nhiều lý do và cơ sở để xây dựng phòng trưng bày nghệ thuật Lee Kun-hee ở Suwon”.
Cùng tham gia cuộc cạnh tranh là thành phố Jinju, cách Seoul 434 km về phía đông nam. Người sáng lập Samsung Lee Byung-chull từng là học sinh tại một trường tiểu học ở Jinju. "Về mặt địa lý, Jinju nằm giữa Yeongnam và Honam", Thị trưởng Jo Kyoo-il nói, "Nó nằm trong khoảng cách từ một đến hai giờ từ Busan, Ulsan, Daegu, Gwangju, Jeonju và tất cả các thành phố lớn khác của miền nam, điều này cho thấy Jinju trở thành nơi thích hợp nhất để xây dựng bảo tàng nghệ thuật Lee Kun-hee".
Ứng viên thứ năm, có lẽ không phải là cuối cùng, là thành phố Daegu, quê hương của Lee Kun-hee và Tập đoàn Samsung, nằm cách Seoul 302 km về phía đông nam. Thành phố này thậm chí lên kế hoạch thành lập một ủy ban có nhiệm vụ đưa bảo tàng đến Daegu, với lý do nó tương đối gần với Seoul và Sân bay Quốc tế Gimhae, cũng như tầm quan trọng của việc chia sẻ kho tàng văn hóa của Lee Kun-hee ra khắp đất nước.
"Daegu đã từng là một trong ba trung tâm hàng đầu của nghệ thuật đương đại Hàn Quốc", Thị trưởng Kwon Young-jin cho biết, "Nếu bộ sưu tập Lee Kun-hee sẽ chọn một nơi để trưng bày, thì nơi đó rõ ràng phải là Daegu”./.