Đắk Lắk: Độc đáo hội chọi bò của người Mông dịp đầu xuân
VOV.VN - Cứ mỗi độ Tết đến, xuân về, công việc đồng áng đã xong, người Mông ở huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk lại nô nức tổ chức lễ hội xuân. Một trong những hoạt động được mong đợi nhất chính là hội chọi bò, diễn ra vào ngày mùng 6 tháng giêng âm lịch.
Giữa bãi cỏ rộng đã được rào chắc chắn, hai con bò đực với cặp sừng to, cong, nhọn lao vào húc nhau trong tiếng hò reo, cổ vũ của người dân và du khách. Đó là những hình ảnh quen thuộc diễn ra trong hội chọi bò của bà con người Mông tại xã Cư Pui, huyện Krông Bông tổ chức hôm mùng 6 tết Quý Mão.
Với người Mông, hội chọi bò thể hiện cho sức mạnh, sự dẻo dai, phát triển của cộng đồng. Ông Sùng Văn Lùng, ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui cho biết: trước đây, khi điều kiện kinh tế chưa phát triển, giao thông đi lại khó khăn, hội chọi bò thường tổ chức với quy mô nhỏ trong bản để tạo không khí vui tươi ngày tết. Những năm gần đây, lễ hội này được tổ chức vào dịp tết Nguyên đán, song song với các hoạt động vui xuân khác với quy mô tổ chức mở rộng hơn, có sự tham gia của nhiều thôn, nhiều xã.
Để có được những con bò tốt tham gia hội, nhiều gia đình người Mông ở xã Cư Pui đã cất công đi các nơi chọn mua những con bò có thân mình thon chắc, chân cân đối, trán rộng với cặp sừng to… về nuôi. Họ dựa theo truyền thống từ lâu đời để chăm sóc và rèn luyện bò chọi.
Anh Ma Văn Núng, ở thôn Ea Lang, xã Cư Pui hớn hở khoe con bò mua từ huyện Ea Kar với giá 35 triệu đồng, đem đến “chơi tết”: "Phong tục của người Mông từ xưa là nuôi bò. Con bò từ xưa là nuôi để đi cày. Vào trong này vốn ít là cứ mua một con về nuôi, vừa nuôi vừa chơi cho nó có phong trào".
Ông Dương Văn Thà, Bí thư chi bộ thôn Cư Rang, thành viên ban tổ chức hội xuân Cư Pui, chia sẻ: Hội chọi bò chỉ được tổ chức khi các điều kiện an toàn cho người dân và du khách được đảm bảo. Trong ngày hội, các cặp bò bốc thăm thi đấu loại trực tiếp. Bốn con bò chiến thắng cuối cùng sẽ vào bán kết và chung kết để chọn danh hiệu Nhất, Nhì, Ba. Tuy phần thưởng chỉ mang tỉnh khích lệ nhưng ai nấy đều vui vẻ.
"Vừa rồi, chúng tôi huy động anh em làm cái vườn này để đảm bảo không ảnh hưởng đến con người. Truyền thống từ lâu đời rồi, theo như dân tộc thì mỗi năm chỉ tổ chức 3 đợt thôi, vào mùng 6 Tết, Rằm tháng giêng và 15 tháng bảy là mình tổ chức 3 đợt, nên năm nào cũng tổ chức, đảm bảo an toàn cho người dân. Cũng có thể dự tính là sau này sẽ mời thêm các huyện khác, các tỉnh khác để cùng tham gia", ông nói.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pui cho biết: từ năm 2010 đến nay, mỗi dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương hỗ trợ người dân tổ chức Lễ hội văn hóa truyền thống các dân tộc phía Bắc tại Cư Pui với quy mô cấp huyện. Đến nay lễ hội đã trở thành điểm đến của hàng nghìn người vào dịp đầu Xuân.
"Xác định việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thì địa phương cũng đang nỗ lực khôi phục lại các lễ hội và văn hóa của bà con. Hàng năm xã đã tổ chức các hoạt động văn hóa của các dân tộc phía Bắc là vào dịp sau Tết Nguyên đán. Bà con các thôn tập trung về rất là vui, rất là đông, chơi những trò chơi dân gian như chọi cù, ném còn, thổi khèn, múa khèn của người Mông. Có một trò chơi thu hút rất nhiều người, đó là chọi bò. Hội chọi bò không thể thiếu đối với đồng bào Mông ở đây", ông chia sẻ.
Với người Mông, con bò là loài vật nuôi quý, được xem như sự giàu sang của mỗi gia đình. Trong hội chọi bò, những con bò thắng cuộc sẽ được người dân và chủ nhân coi đó là một sự may mắn mang đến nhiều tài lộc cho cộng đồng và gia đình trong năm mới./.