Có thật phim “Mỹ nhân kế” thu 52 tỷ đồng sau nửa tháng?
(VOV) - Thông tin phim “Mỹ nhân kế” thu 52 tỷ đồng sau 2 tuần chiếu do nhà sản xuất tự đưa ra trong thông cáo báo chí là con số rất khó tin.
Với con số này, “Mỹ nhân kế” đã vượt lên dẫn đầu các phim ăn khách nhất của Việt Nam và xác lập kỷ lục doanh thu mới. Chỉ riêng ngày Valentine (nhằm mùng 5 tết) “Mỹ nhân kế” đạt được doanh thu cao ngất ngưởng là 5,5 tỷ đồng với 50.000 lượt khán giả. Trước đó, cũng theo thông tin từ đơn vị phát hành, “Mỹ nhân kế” đã bán ra hơn 100.000 vé trong 3 ngày đầu ra rạp (từ 1/2 – 3/2) trên toàn quốc, đạt mức doanh thu gần 12 tỷ đồng.
Poster phim "Mỹ nhân kế" |
Bên cạnh đó Galaxy cũng đưa ra thông tin về độ “nóng” của “Mỹ nhân kế”. Các suất chiếu của bộ phim này vào buổi tối luôn rơi vào tình trạng cháy vé, khán giả muốn xem bắt buộc phải đặt vé sang ngày hôm sau. Thậm chí, vào ngày mùng 2, 3, 4, 5 Tết, một số suất chiếu đầu tiên của phim đã hết vé ngay từ tối hôm trước. Có nhiều khán giả quyết định đi xem lại bộ phim này một lần nữa cùng với các bạn bè, gia đình…
Đọc những thông tin này, nhiều người trong nghề và khán giả không khỏi… choáng và càng tò mò muốn tới rạp để xem vì sao một bộ phim được quảng cáo là làm theo công nghệ 3D, kinh phí sản xuất lên tới 17 tỷ đồng, quy tụ dàn “chân dài, mỹ nhân” đình đám: Tăng Thanh Hà, Thanh Hằng, Ngọc Quyên, Diễm My 9X….lại “hút” khách đến vậy?
"Mỹ nhân kế" quy tụ dàn chân dài |
Tuy nhiên, vượt qua cảm giác “choáng” ban đầu và tỉnh táo một chút có thể thấy đây hoàn toàn là thông tin được đưa ra một chiều từ nhà sản xuất mà không có bằng chứng thuyết phục. Chỉ với cách làm phép tính cộng trừ nhân chia đơn giản bằng kiến thức của một học sinh tiểu học, khán giả cũng có thể tính được độ chính xác của con số doanh thu này như thế nào.
Ví dụ, từ con số 12 tỷ đồng sau 3 ngày chiếu (tức là 4 tỷ đồng/ngày), nếu lấy giá vé trung bình là 100.000đ/vé sẽ phải có 40.000 lượt khán giả/ngày. Trung bình mỗi suất chiếu khoảng 300 khán giả, tức là mỗi ngày phải có hơn 130 suất chiếu. (Chúng tôi nói giá vé trung bình, bởi có những rạp như Tháng Tám ở Hà Nội, chỉ có 60.000 đ/vé, suất chiếu ban ngày, mỗi phòng chiếu chỉ khoảng hơn 100 ghế). Với con số 52 tỷ cho 14 ngày, nếu lấy giá vé trung bình là 100.000 đ/vé sẽ phải có 520.000 lượt khán giả, tương đương gần 1.800 suất chiếu.
Trên thực tế, trong các cụm rạp trên cả nước, có bao nhiêu rạp chiếu “Mỹ nhân kế”? Trung bình một ngày, có bao nhiêu suất chiếu, bao nhiêu lượt người xem?
Theo khảo sát của đồng nghiệp báo Thể thao và Văn hóa, lúc 12h05 ngày 17/2/2013, khi phóng viên đến rạp Galaxy Nguyễn Du, TP HCM (nơi phát hành ưu tiên của "Mỹ nhân kế") để tìm hiểu tình trạng bán vé thì phim này có đến 10 suất chiếu, nhưng chỉ có 1 suất trong tình trạng sắp hết vé.
Cùng thời gian tại rạp này, "Nhà có 5 nàng tiên" chiếu 8 suất, trong đó có 2 suất hết vé và 2 suất sắp hết vé. Cùng ngày, tại rạp MegaStar Hùng Vương, TP.HCM (thuộc hệ thống duy nhất chiếu cả 4 phim Việt), trong ba ngày 17, 18 và 19/2, "Nhà có 5 nàng tiên" có đến 17 suất chiếu mỗi ngày, trong khi "Mỹ nhân kế" chỉ có 8 suất chiếu vào ngày 18/2.
Liệu suất chiếu nào của "Mỹ nhân kế" cũng đông đúc như vậy (Ảnh: Thùy Giang) |
Theo thống kê của cụm rạp Megastar, 4 phim đầu bảng của các hệ thống rạp tại Hà Nội và TP.HCM trong những ngày Tết lần lượt là “Nhà có 5 nàng tiên”, “Die Hard 5”, “Mỹ nhân kế” và “Warm Bodies”. Chỉ ở hệ thống rạp của Galaxy và một số rạp khác như Lotte Cinema hay Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), thứ tự mới có sự thay đổi: xếp đầu là “Mỹ nhân kế”, rồi “Nhà có 5 nàng tiên”, “Die Hard 5” và “Warm Bodies”. Sự chênh lệch rất lớn của “Mỹ nhân kế” so với các phim khác liệu có xác thực?
Còn theo số liệu mới nhất chúng tôi cập nhật ngày hôm nay (21/2) trên trang web của Megastar: rạp Megastar Vincom Bà Triệu (Hà Nội) chỉ có 4 suất chiếu, Megastar Hùng Vương (TP.HCM) chỉ có 2 suất chiếu, rạp Thùy Dương (Hải Phòng) có 4 suất chiếu.
Như vậy, liệu con số hơn 37.000 lượt khán giả/ngày, khoảng gần 200 suất chiếu/ngày có chính xác và có tin được không?
Giả sử con số kỷ lục 52 tỷ đồng này là thật thì cũng thật đáng mừng cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, nếu nó chỉ là con số “ảo”, chỉ là một chiêu câu khách của nhà sản xuất, nhà phát hành thì…thật đáng buồn! Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, khi “nổ” về doanh thu có thể thu hút tức thì sự hiếu kỳ của khán giả vãng lai, nhưng lại gây mất niềm tin cho khán giả trung thành, cho giới làm nghề, đặc biệt các hãng phim cũng như nhà phát hành đối tác và nó chẳng khác gì “chơi dao 2 lưỡi”./.