“Mỹ nhân kế” – phim hài “nhảm” kiểu Nguyễn Quang Dũng
(VOV) - “Mỹ nhân kế” với những pha đánh võ như…múa, nhiều cảnh quay thô vụng cùng kịch bản nhiều “sạn” khiến khán giả thất vọng.
Kịch bản nhiều “sạn”
“Mỹ nhân kế” là bộ phim xoay quanh băng nhóm của Kiều Thị (Thanh Hằng thủ vai) và các nữ sát thủ trá hình kiều nữ ở Đường Sơn quán: Đào Thị (Ngọc Quyên), Mai Thị (Diễm My 9x) và Liễu Thị (Kim Dung). Họ cướp của người giàu, quan lại tham ô với mong muốn tích đủ số tiền để có được cuộc sống như ý.
Kiều Thị (ngoài cùng bên phải) và các kỹ nữ |
Tuy nhiên, vì cướp được một viên xá lị để cống nạp cho triều đình, Đường Sơn quán gặp phải họa diệt thân. Triều đình cử các mật thám đến Đường Sơn quán nhằm tìm ra viên xá lị, trong đó có cấm vệ quân Dương Linh (Phạm Anh Khoa) giả chàng chăn dê và Linh Lan (Tăng Thanh Hà).
Linh Lan là thiếp thất của Quan Du – viên quan phụ trách tìm lại viên xá lị và tiêu diệu ổ sát thủ. Để vào được Đường Sơn quán, Linh Lan đã ngụy tạo một vụ cướp, trong đó cô là nạn nhân được Kiều Thị và các kỹ nữ cứu sống. Kiều Thị đào tạo Linh Lan thành một nữ sát thủ. Thế nhưng, sau một thời gian sống chung với các kỹ nữ, cả hai mật thám đều có cảm tình với Đường Sơn quán.
Dương Linh "quan hệ" với Mai Thị và phản bội Quan Du. Linh Lan hiểu những nỗi niềm sâu kín của các kỹ nữ nên sau khi tìm ra viên xá lị, cô đã muốn tha cho các kỹ nữ một con đường sống. Tuy nhiên, vì nhầm lẫn mà Quan Du đã tiến quân đến tiêu diệt ổ sát thủ lộng hành. Các kỹ nữ bị giết, chỉ còn một mình Mai Thị sống sót với đứa con trong bụng.
Cảnh đánh nhau giữa Kiều Thị, Linh Lan và Quan Du |
Nội dung phim là thế và dù được đặt tên là “Mỹ nhân kế” nhưng từ đầu đến cuối phim, các kỹ nữ gặp đâu là giết đó, giống như những sát thủ máu lạnh dùng hành động cướp của bọn tham quan vô lại để biện minh cho hành động giết người.
Nội dung của bộ phim cũng có nhiều chi tiết vô lý. Bốn kỹ nữ sống ở một hòn đảo khá tách biệt, để đi đến được đó cần phải dùng thuyền nhưng số lượng khách của quán vẫn…tấp nập. Từ bờ biển có thể nhìn thấy được căn nhà bằng gỗ với mái lợp rơm của Đường Sơn quán nhưng Quan Du vẫn phải cài mật thám để điều tra đường đi nước bước tới nơi ở của bốn kỹ nữ. Thậm chí, băng cướp giả của Linh Lan lại đi từ trên núi xuống mà không ai hay biết.
Một điểm trừ nữa là, phim quay theo thể phim cổ trang nhưng ngôn ngữ dùng trong phim bị pha tạp ngôn ngữ Trung Quốc và ngôn ngữ hiện đại khá nhiều. Ví dụ như từ “tiểu ca”, “lão bà”, “cưng”...
Không thể phủ nhận, thông điệp của phim “Mỹ nhân kế” cũng có tính nhân văn: “Dù là kỹ nữ, sát thủ, quan binh hay chàng chăn dê thì cũng có tình cảm, có khao khát được sống hạnh phúc”. Đào Thị dù tham tiền đến chết nhưng cô không muốn bị đàn ông chà đạp, Liễu Thị chỉ mong có được một quán làm đẹp mà sống yên bình, Dương Linh dù là quan triều đình nhưng vì tình yêu đã phản bội Quan Du...
Cảnh tình cảm của Dương Linh (Phạm Anh Khoa đóng) và Mai Thị (Diễm My đóng) |
Phân cảnh Dương Linh liều chết ôm chân Quan Du để cứu lấy Mai Thị và đứa con trong bụng, hay cảnh Liễu Thị ôm lấy Đào Thị đã chết mà quyết tâm phục thù, gây được xúc động với khán giả. Ngược lại, những câu thoại vô duyên và những hành động khó hiểu của nhân vật đã phá cảm xúc và khiến khán giả…bật cười khi đáng lẽ ra họ phải cảm động.
Cảnh Mai Thị quyết tâm báo thù cho Dương Linh, cô đã cầm kiếm quét qua bụi hoa để… tạo cảnh cho đẹp. Dù Linh Lan là thiếp của Quan Du nhưng sau khi nhẫn tâm giết cô và cả Kiều Thị, Quan Du đứng bình phẩm: “Mỹ nhân ơi mỹ nhân, đúng là hồng nhan bạc phận”, sau đó chết lãng xẹt dưới tay Mai Thị. Khi Đào Thị chết bởi mũi tên, các quan binh “núp” ở một nơi nào đó chờ Liễu Thị chạy đến, thốt ra câu phục thù xong xuôi mới lại tấn công tiếp…
Những chi tiết vô lý liên tiếp cùng với những hành động phản cảm theo kiểu pha hài không tới khiến “Mỹ nhân kế” làm khán giả..."tức cười".
Những màn múa võ...vụng về
Trên thế giới, các bộ phim được quay theo công nghệ 3D như: Avatar, Titanic, Man in black… thường tập trung vào các cảnh đánh nhau, thảm họa hay cảnh tượng thiên nhiên nhằm tạo cảm giác chân thực đối với người xem. Những hiệu ứng 3D trong “Mỹ nhân kế” cũng nổi bật ở cảnh đánh nhau và trận chiến cầu mây của các nữ sát thủ.
Được quay trong một khung cảnh nhỏ hẹp gồm có Đường Sơn quán, bãi biển và các vách núi xung quanh nên các cảnh võ thuật và kiếm hiệp trong “Mỹ nhân kế” cũng bị hạn chế nhiều về mặt không gian. Chính điều này đã lộ ra nhiều điểm yếu trong các cảnh quay cần nhiều kỹ xảo.
Cảnh Đường Sơn quán trong phim |
Các diễn viên chân yếu tay mềm đều không có đủ sự mạnh mẽ và tinh tế trong các pha võ thuật. Dù Thanh Hằng phải mất cả năm luyện tập võ thuật cho vai diễn này nhưng cô cũng không thể hiện tốt. Các kỹ nữ như đang múa với kiếm, cách ra đòn lại quá thiếu lực nhưng chi tiết đánh nhau lại rất rườm rà. Thêm vào đó, nhiều chi tiết tàn bạo trong các cảnh đánh nhau lại được quay đặc tả không cần thiết như cắm thẳng dao vào tim, vặn cổ…
Lời thoại trong các phân cảnh đánh nhau được xử lý không tốt khiến khán giả không nghe rõ. Điểm cộng duy nhất là các pha lộn người trên không trung khi đá cầu khá đẹp mắt, nhưng cảnh cầu một nơi mà chân đá một nẻo lại khiến khán giả...bật cười.
Cảnh chơi cầu mây của các kỹ nữ |
Chỉ là chiêu “mỹ nhân” hút khán giả
Nếu như nói mỹ nhân dùng sắc đẹp để mê hoặc con người thì đạo diễn Nguyễn Quang Dũng lại đang dùng mỹ nhân để…hút khách đến rạp. Là bộ phim 3D thứ hai của Việt Nam được sản xuất, “Mỹ nhân kế” quy tụ “dàn sao” nổi tiếng: Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Ngọc Quyên, Diễm My, ca sĩ Phạm Anh Khoa…
“Mỹ nhân kế” lợi dụng triệt để ngoại hình của các mỹ nhân để quảng bá cho bộ phim. Các kỹ nữ trong phim được ăn mặc một dạng áo tứ thân đã được cách tân cầu kỳ. Những bộ trang phục sặc sỡ đủ màu mỏng manh phơi bày da thịt của diễn viên qua mảng khoét ở thân áo và xẻ tà ở váy.
Cảnh tắm bồn ngoài trời của các kỹ nữ |
So với các phim được công chiếu vào các dịp Tết trước của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng như “Những nụ hôn rực rỡ”, “Nụ hôn thần chết”, “Giải cứu thần chết”…thì “Mỹ nhân kế” dù được đầu tư nhiều cả về công sức và tiền bạc nhưng có phần kém hơn, nếu không muốn nói nó vẫn chỉ là dạng phim hài “nhảm” kiểu Dũng “khùng”./.