Đạo diễn Thương nhớ ở ai: Tôi coi phim hài nhảm hài tục là rác văn hóa
VOV.VN - Tôi coi những bộ phim hài Tết tục tĩu là rác văn hóa và là sự sỉ nhục đối với những người làm nghề tử tế - Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh chia sẻ.
Bùi Thọ Thịnh là một trong hai đạo diễn của phim Thương nhớ ở ai từng gây sốt trên VTV. Trong dịp Tết này, anh thực hiện bộ phim hài mang tên Quỳnh bấp bênh.
Trong buổi ra mắt phim, anh có chia sẻ với phóng viên VTC News quan điểm làm phim hài và thẳng thắn gọi những bộ phim hài Tết tục tĩu đang lan tràn trên mạng là "rác văn hóa" và là "sự sỉ nhục" đối với những người làm nghề chân chính.
Đạo diễn Bùi Thọ Thịnh và đạo diễn Lưu Trọng Ninh giành giải "Đạo diễn xuất sắc" tại Cánh diều vàng 2017. |
Vì lý do gì anh và ê-kíp lại thực hiện bộ phim hài Tết mang tên "Quỳnh bấp bênh"?
Tôi và nhiều diễn viên từng đóng phim Quỳnh búp bê chơi chung trong một nhóm. Ban đầu, chúng tôi chỉ định làm một bộ phim hài mang tính chất nội bộ, để thể hiện sự yêu quý dành cho anh Mai Hồng Phong - đạo diễn của phim Quỳnh búp bê nhưng sau đó chúng tôi quyết định giới thiệu nó với công chúng. Chúng tôi đặt tên cho tác phẩm của mình là Quỳnh bấp bênh.
Mỗi bộ phim thành công, khán giả thường chỉ nhìn thấy công sức của diễn viên. Chẳng hạn cụ thể trong phim Quỳnh búp bê, ai cũng dành những lời khen ngợi cho diễn xuất của Thanh Hương, Trịnh Xuân Hảo, Đồng Thanh Bình... nhưng ít người nhớ tới đạo diễn, người âm thầm, lặng lẽ cống hiến hết mình cho bộ phim. Có thể nói, anh Mai Hồng Phong chính là linh hồn của bộ phim Quỳnh búp bê.
"Quỳnh bấp bênh" có sự tham gia của phần lớn các diễn viên từng có mặt trong phim "Quỳnh búp bê". Vậy nội dung của chúng có gì liên quan tới nhau không?
Hai bộ phim không có sự liên quan về nội dung. Chúng tôi đặt ra giả thuyết, các diễn viên của phim Quỳnh búp bê là anh em họ, cùng sống chung trong một ngôi làng. Sau khi đóng phim Quỳnh búp bê và trở nên nổi tiếng, họ gặp rất nhiều tình huống dở khóc dở cười ở đời thực.
Chẳng hạn Thanh Hương bị bố đẻ hiểu nhầm là gái làng chơi thật nên mới có thể hóa thân thành công vai diễn Lan cave. Đồng Thanh Bình - người vào vai tên cha dượng đốn mạt của Quỳnh bị vở hiểu nhầm và hành hạ cho lên bờ xuống ruộng.
Trọng Lân - người vào vai "Thái tử" của động Thiên Thai cũng bị bắt bố bỏ nghề diễn viên để nối nghiệp của ông làm nghề mổ lợn. Còn Trịnh Xuân Hảo bị mọi người tẩy chay khi vào vai gã chồng hụt, cưỡng hiếp Lan cave.
Cuối cùng, mọi sự hiểu lầm chỉ được giải tỏa với sự ra tay của ông trưởng tộc. Mọi người cùng vui vẻ đón xuân sang.
Tôi tự tin Quỳnh bấp bênh sẽ là một bộ phim hài sạch, mang lại tiếng cười lành mạnh, bổ ích cho khán giả. Cái hài trong phim được xuất phát từ tình huống tréo ngoe chứ không phải từ những chi tiết được thổi phồng một cách khiên cưỡng.
Ở trong những tình huống ấy, diễn viên chỉ cần diễn bằng cảm xúc thật, nói những câu thoại dung dị cũng đủ mang lại tiếng cười cho khán giả .
Hài với hề là hai thứ mọi người chưa có sự phân định rõ ràng. Cái hề được cường điệu hóa lên bằng khoe thân, khoe ngực hay sử dụng những ngôn từ tục tĩu chỉ phục vụ cho một bộ phận khán giả mà góc nhìn của họ rất hạn chế. Những bộ phim làm theo kiểu này dễ tạo được sự lan tỏa trên mạng xã hội, phục vụ lợi ích tối đa cho các nhà quảng cáo.
Theo anh, tại sao những bộ phim hài nhảm, hài tục lại nở rộ trong thời gian gần đây?
Tôi nghĩ làm hài rất khó, làm một tác phẩm hài có tính nhân văn, nội dung sâu sắc và lấy được tiếng cười của khán giả đòi hỏi rất nhiều công sức, trí tuệ và cả tầm văn hóa của những người đóng vai trò sản xuất.
Khi đội ngũ sáng tác chưa đủ tầm, chưa thể làm được những tác phẩm hài sâu sắc thì họ sẽ phải khai thác ngoại hình của diễn viên, tung vào đó một vài câu tục tĩu, một vài tình huống khiên cưỡng, thậm chí là lố bịch để lấy được tiếng cười dễ dãi của một bộ phận công chúng. Điều đáng lo ngại là những tác phẩm như thế này lại có sức lan tỏa rất lớn trên mạng xã hội.
Những hình ảnh khoe thân thường xuất hiện trong những bộ phim hài Tết gần đây. |
Anh đánh giá thế nào về những bộ phim hài làm theo kiểu này?
Tôi gọi đó là rác văn hóa. Đối với những người làm nghề như chúng tôi, những tác phẩm đó là sự sỉ nhục. Có nhiều cách đề làm hài. Tại sao chúng ta lại chọn cách phản cảm, thiếu văn hóa như thế?
Các nhà làm phim đầu tư trí tuệ thực sự, làm ra những bộ phim hài thực sự, chứ nếu không sẽ làm hỏng cả một thế hệ.
Tuy nhiên, bên cạnh một số nhà sản xuất cẩu thả cũng có rất nhiều nhà làm phim đang cố gắng giữ gìn sự trong sáng, hài hước trí tuệ
Theo anh, tại sao những bộ phim hài nhảm, hài tục tĩu, hài có tính chất khiêu dâm vẫn được Cục Điện ảnh duyệt và cấp phép?
Theo tôi được biết thì Cục Điện ảnh duyệt rất kỹ những tác phẩm nghệ thuật, từ ngôn từ, hình ảnh. Tuy nhiên, có một số nhà sản xuất đã lách luật. Trong bản mang đi duyệt, họ cắt hết những cảnh nhạy cảm, nhưng khi tung lên mạng, họ lại giữ những cảnh đó ở lại.
Cảm ơn anh về những chia sẻ thẳng thắn trên!