Nhìn lại chặng đường 60 năm điện ảnh Việt Nam
(VOV) - "Nhìn lại chặng đường đã qua để khẳng định chúng ta đã làm được gì và điện ảnh Việt Nam đang ở đâu" - đạo diễn Nguyễn Thước chia sẻ.
Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam (15/03/1953 – 15/03/2013), bộ phim tài liệu “Những chặng đường Điện ảnh Cách mạng Việt Nam” của NSND, đạo diễn Nguyễn Thước chính thức ra mắt khán giả trong cả nước. Bộ phim không chỉ điểm lại những mốc son trong lịch sử điện ảnh nước nhà mà còn đề cập đến những vấn đề của điện ảnh hiện nay.
Phóng viên VOV phỏng vấn NSND, đạo diễn Nguyễn Thước về bộ phim này.
PV: Thưa NSND, đạo diễn Nguyễn Thước ông có thể giới thiệu đôi nét về bộ phim tài liệu "Những chặng đường điện ảnh cách mạng Việt Nam?
NSND Nguyễn Thước: Sau một chặng đường 60 năm, đây cũng là dịp để những người làm điện ảnh có điều kiện nhìn lại mình và nhìn lại chặng đường điện ảnh, qua đó, để khẳng định lại chúng ta đã làm được gì và điện ảnh Việt Nam đang ở đâu.
Ở bộ phim này, tôi muốn các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh của từng giai đoạn khẳng định lại mình đã làm được những gì trong giai đoạn đó và để lại dấu ấn gì. Rõ ràng, nhìn lại một cách bình tĩnh, chúng ta sẽ thấy đã có rất nhiều thế hệ các nghệ sĩ điện ảnh làm rất tốt công việc cũng như hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình. Họ đã để lại những tác phẩm rất tốt cho điện ảnh Việt Nam và giới thiệu cho điện ảnh thế giới.
NSND- Đạo diễn Nguyễn Thước (ảnh: ST) |
Có thể nói, đó là một thế hệ vàng. Mặt khác, bộ phim cũng cho thấy hiện nay điện ảnh chúng ta đang khó khăn như thế nào. Do đó, tôi muốn qua bộ phim này, những người làm điện ảnh chúng tôi ngồi lại để cùng nhau nhìn lại quá khứ vinh quang của mình - những điều mà điện ảnh đã làm được. Chúng ta bình tĩnh hơn trong khó khăn hiện tại và cùng hướng tới những điều tốt đẹp hơn cho điện ảnh Việt Nam trong thời gian tới.
PV: Với độ dài 30 phút, “Những chặng đường Điện ảnh Việt Nam” không chỉ giới thiệu những tên tuổi làm nên nền Điện ảnh nước nhà mà còn đề cập đến những trăn trở, hoài bão của những nhà làm phim Việt Nam. Vậy, thách thức lớn nhất với ông khi thực hiện bộ phim này là gì?
NSND Nguyễn Thước: Có lẽ, thách thức lớn nhất đối với tôi, đó là chỉ có 30 phút phim nhưng chúng ta phải làm sao để nói lên được điều gì đó, làm sao để chuyển tải một thông điệp gì đó cho người xem? Điều quan trọng nhất chính là thông điệp đó đáng để những người làm điện ảnh ghi nhận lại. Do đó, tiêu chí chọn nhân vật của tôi là những nghệ sĩ điện ảnh tiêu biểu trong các giai đoạn. Họ đã khẳng định được thế hệ họ làm được những gì.
Ví dụ như giai đoạn của Nguyễn Thanh Vân, Lưu Trọng Ninh, Lê Hoàng, tiếp theo nữa là giai đoạn hiện nay với những gương mặt tiêu biểu như đang làm phim thị trường. Những quan điểm của họ xung quanh phim thị trường đối với dòng chảy điện ảnh trong điện ảnh nói chung và giá trị của chúng như thế nào.
Điểm nhấn và cũng là để xâu chuỗi cho toàn bộ mạch phim, những tứ quan trọng nhất cho những người nghệ sĩ hôm nay ngồi bình tĩnh lại và nhìn về tương lai, hoạch định những công việc cụ thể cho tương lai là dấu ấn từng giai đoạn với từng thế hệ nghệ sĩ điện ảnh.
PV: Như ông vừa nói, bộ phim có đề cập đến một số đạo diễn dòng phim thị trường. Đây là dòng phim ăn khách nhưng nhiều khi giá trị giáo dục thẩm mỹ chưa cao. Ông nghĩ sao về điều này?
NSND Nguyễn Thước: Khi ngồi nói chuyện với các đạo diễn dòng phim thương mại, tôi đặt ra những câu hỏi như: Chức năng giáo dục ở đây, cụ thể là chức năng giáo dục thẩm mỹ ở đâu? Rõ ràng trong dòng phim thương mại hiện nay để thu hút khán giả cũng có rất nhiều những chi tiết cũng như phim nhảm nhí. Đấy chính là điều để những người làm phim nghệ thuật tranh cãi.
Ngoài ra, chúng ta đã có quá nhiều phim không đặt ra tiêu chí giáo dục thẩm mỹ cùng nhiều vấn đề khác cộng hưởng lại khiến chúng ta không thể biết thị hiếu của khán giả Việt Nam đang ở kênh nào. Đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ.
Trong quá trình làm phim, tôi hay nhắc đến một câu nói của đạo diễn Trung Quốc Vương Gia Vệ: “Không thể làm một bộ phim hay nếu không vì khán giả. Nhưng cũng không thể làm một bộ phim hay nếu chỉ vì khán giả”. Tôi nghĩ đó là một câu nói hoàn toàn chính xác. Các đạo diễn Việt Nam rất cần hiểu vấn đề này.
PV: Có một chi tiết khiến chúng tôi rất cảm động khi xem “Những chặng đường điện ảnh cách mạng Việt Nam” là những thước phim về NSND, đạo diễn Hải Ninh. Ông có thể chia sẻ về cuộc gặp gỡ xúc động này?
NSND Nguyễn Thước: May mắn nhất đối với tôi đó là ngày khai máy, tôi đã quay được NSND, đạo diễn Hải Ninh. Thật không ngờ, đó lại là những hình ảnh cuối cùng của NSND Hải Ninh. Nghệ sĩ đã ngồi nói chuyện cùng con trai và con dâu của mình là đạo diễn Nguyễn Thanh Vân và đạo diễn Phạm Nhuệ Giang.
Có thể nói đấy là buổi nói chuyện ông đã trút hết những điều tâm huyết nhất cũng như những điều ưu tư của mình. Đặc biệt, những tình cảm của ông đối với điện ảnh trong buổi phỏng vấn, tôi đã dùng làm lời kết cho bộ phim. Tôi nghĩ đấy là một cái kết phim cảm động!
PV: Xin cảm ơn ông./.