Phim ngắn nuôi giấc mộng dài
VOV.VN - Phim ngắn là thể loại riêng biệt và cũng là bước đệm quan trọng cho các nhà làm phim trẻ thực hiện bộ phim dài trong tương lai.
Không quá đình đám như phim truyện điện ảnh ra rạp hay phim trên sóng truyền hình giờ vàng, phim ngắn hiện là một dòng chảy nhiều năng lượng của điện ảnh Việt. Đây có thể ban đầu là sân chơi theo sở thích, nhưng giờ trở thành cơ hội để thử sức, để khởi nghiệp, để theo đuổi đam mê điện ảnh của người trẻ một cách nghiêm túc.
Dự án phim ngắn "Hà Nội anh yêu em". |
Khoảng 10 năm trở lại đây, khái niệm phim ngắn đã không còn xa lạ với đông đảo công chúng khán giả phim. Một phần có rất nhiều cuộc thi phim ngắn cả trong nước và quốc tế được tổ chức thường niên để những người trẻ đam mê phim điện ảnh Việt tham gia. Phần khác, khi công nghệ mạng xã hội phát triển thì việc đăng tải phim trên mạng như một kênh phát hành, phổ biến phim rộng rãi, không cần ra rạp, cũng tạo điều kiện cho phim ngắn phát triển.
Đồng thời, không chỉ là một cuộc chơi thỏa đam mê sở thích, mà phim ngắn còn là phép thử cho cơ hội khởi nghiệp, như những viên gạch đầu tiên lót đường cho sự nghiệp điện ảnh và sự thành công trong tương lai của những nhà làm phim trẻ. Nhưng khi phim ngắn Việt trở thành “đại trà”, thì xem ra “chơi” nhiều hơn “khởi nghiệp”, chất lượng phim thấp, vì thế đường dẫn tời thành công rất hẹp, chỉ lọt vài người.
Như thế nào là phim ngắn?
Dù chưa thống nhất hoàn toàn về thời lượng để gọi là phim ngắn, nhưng một phim ngắn lý tưởng có thời lượng gói gọn 15- 20 phút, phải thể hiện hết những gì người làm phim muốn hướng đến, phim rất cô đọng, “lời ít ý nhiều”. Phim ngắn nở rộ trong thập kỷ 1930 bởi ngành phát hành điện ảnh ở nhiều quốc gia gặp Đại khủng hoảng (Great Depression).
Giữa những năm 1950, với sự phát triển của truyền hình, ngành thương mại phim ngắn người thật đóng dần tàn lụi, phim ngắn từ đó trở thành phương tiện đặc trưng của các sinh viên điện ảnh, hoặc của các nghệ sĩ độc lập hay chuyên biệt thực hiện với kinh phí thấp, được ủng hộ tài chính bởi các quỹ hỗ trợ, các tổ chức phi lợi nhuận hoặc quỹ cá nhân.
Theo BBC, phim ngắn được làm với ba mục đích chủ yếu: Thứ nhất để người mới vào nghề thử sức sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm, làm dày hồ sơ tài năng, nhằm xin tài chính cho các phim tương lai; Thứ hai làm phim ngắn là vì lợi nhuận, để chiếu trên các khung giờ hẹp của sóng truyền hình hoặc trước một phim dài ở màn ảnh rộng, hiện tại thì chiếu trên mạng xã hội như Youtube...; Thứ ba là để thể nghiệm nghệ thuật, tìm tòi cái mới tiên phong trong điện ảnh.
Cảnh phim ngắn "Khi khu vườn im lặng" của Nguyễn Mỹ Dzung. |
Nhưng trong thời công nghệ cao, phim ngắn trở lại bởi phương tiện làm phim rẻ hơn, như một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể là một “xưởng phim” với đầy đủ chức năng cơ bản để sản xuất phim, có nhiều kênh đầu ra cho phim ngắn trên Internet. Hàng loạt liên hoan dành cho phim ngắn cũng khuyến khích nhà làm phim gửi tác phẩm qua YouTube hoặc Vimeo…
Bắt đầu cho sự nghiệp bằng phim ngắn là điều bình thường, có phần như là mặc định. Vũ Ngọc Đãng với Vợ chồng chuột (1999), Victor Vũ với Pháo (1997), Nguyễn Quang Dũng với Con gà trống (1999) đến những đạo diễn thuộc dòng phim nghệ thuật, phim độc lập như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Trần Dũng Thanh Huy, Trần Bích Ngọc, Nguyễn Hoàng Điệp, gần nhất là Lương Đình Dũng, Luk Vân…. đều đi lên từ phim ngắn.
Phim ngắn là thể loại riêng biệt và cũng là bước đệm quan trọng cho các nhà làm phim trẻ thực hiện bộ phim dài trong tương lai.
Không chỉ là ngẫu hứng
Ở Việt Nam, một trong số phim ngắn đầu tiên gây chú ý với thế giới là tác phẩm Con chim vành khuyên (1962) của đạo diễn Nguyễn Văn Thông, phim dài 42 phút này là bài thi tốt nghiệp của NSND Nguyễn Văn Thông sau khi kết thúc khóa học điện ảnh đầu tiên Khoa đạo diễn, Trường Điện ảnh Việt Nam.
Năm 2007, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên với bộ phim ngắn Cuốc xe đêm - giành giải Cinefondation Award tại LHP Cannes, cũng năm này phim Sân thượng của đạo diễn Nguyễn Hà Phong cũng giành "Principal"- giải nhì tại LHP Oberhausen (Đức). Năm 2008, phim Khi tôi 20 của đạo diễn Phan Đăng Di tham dự LHP Venice. Đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy với phim 16:30, giành bốn giải ở Tiệc phim ngắn YxineFF 2012.
Cảnh phim "Thành phố khác" của Phạm Ngọc Lân. |
Đặc biệt, trong 3 năm trở lại đây, thị trường điện ảnh Việt chứng kiến nhiều tên tuổi đạo diễn trẻ nổi lên từ phim ngắn như Đoàn Trần Anh Tuấn, Nguyễn Đăng Khoa, Nguyễn Lê, Luk Vân...
Những phim ngắn Việt từng tham gia tranh giải quốc tế và được ghi nhận phải kể đến: Thành phố khác - Another City của Phạm Ngọc Lân, nhận giải Tưởng niệm Ingmar Bergman tại LHP ngắn Uppsala Thụy Điển và dự tranh giải Phim ngắn xuất sắc tại LHP Berlin 2016. Vị - Taste của Lê Bảo, đoạt giải Dự án triển vọng tại giải Màn ảnh bạc- Silver Screen Awards, nằm trong khuôn khổ LHP Singapore lần thứ 27 năm 2016.
Phim tài liệu When our gardens grow silent - Khi khu vườn im lặng của Nguyễn Mỹ Dzung đoạt giải ba LHP ngắn Faro FARCUME 2016. Phim tài liệu Thu Thủy - Những giấc mơ gốm đã nhận giải thưởng kép: Best Trailer (Giới thiệu phim hay nhất) và Inspiring Woman in a film (Người phụ nữ truyền cảm hứng trong phim) cho họa sĩ Nguyễn Thu Thủy.
Đạo diễn phim ngắn trẻ mới 18 tuổi Hồ Thanh Thảo với phim Muộn , từng đoạt giải Búp Sen Vàng phim ngắn 2017, được thể hiện xuất sắc, đề cử tranh giải Màn Ảnh Bạc trong LHP Singapore 2017 ở hạng mục Phim ngắn Đông Nam Á, được chọn hình thức công chiếu “International Premiere”.
Trong nước, sân chơi cho phim ngắn cũng phổ biến và được khuyến khích tại LHP Ong vàng, Lễ trao giải Búp sen vàng, LHP Mini Docfest... Chưa kể, nhiều đài truyền hình cũng vào cuộc để thúc đẩy phim ngắn như Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh có Góc phim ngắn, Yan TV có Giờ phim ngắn, VTV có chuyên mục Phim trẻ.
Từ khi có các cuộc thi phim ngắn như Dự án phim ngắn CJ, Liên hoan phim ngắn FY- CLB SKĐA của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.Hồ Chí Minh, Làm phim 48h- HKFilm, cuộc thi phim ngắn 321 Action của Sun Flower Media. Trước đó là Tiệc phim ngắn YxineFF…, tạo nên một trào lưu làm phim ngắn ở giới trẻ, ở mặt nào đó chất lượng được nâng cao.
Không thể đếm hết số lượng các nhóm làm phim ngắn ở các thể loại khác nhau, số phim đã hoàn thành và đưa lên mạng, hiện có hàng ngàn phim ngắn của các bạn trẻ làm và đăng tải, nhưng trong số đó, phim chất lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay, số có khả năng tranh các giải trong nước và quốc tế càng hiếm hơn nữa. Nhiều người trẻ cũng nhầm lẫn hễ làm phim ngắn và được view nhiều, là đã có thể trở thành đạo diễn “tài năng”.
Với trung bình 200 phim mỗi năm, phim ngắn ở Việt Nam đã và đang trở thành trào lưu thu hút đông đảo bạn trẻ đam mê điện ảnh. Một số bạn trẻ Việt Nam đã vinh dự được nước ngoài lựa chọn để tài trợ thực hiện phim ngắn.
Phim ngắn cũng là một sân chơi rất rộng cho tất cả bạn trẻ muốn thử sức. Nhưng phim ngắn cũng chỉ là một “phép thử” cho những người muốn bước vào điện ảnh một cách chuyên nghiệp, chứ không phải thước đo thành công.
Lấy phim ngắn nuôi giấc mộng dài là con đường mà hầu như nhà làm phim nào cũng trải qua, nhưng khởi nghiệp từ phim ngắn chắc chắn là con đường dài và thành công không phải câu chuyện “bất chiến tự nhiên thành”./.