“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”: Những cung bậc cảm xúc của trẻ thơ
Thứ Năm, 12:10, 01/10/2015
VOV.VN -Tự nhiên, nhẹ nhàng và có gì đó đơn giản như những đứa trẻ trong phim, nhưng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ đã khiến khán giả xúc động.
Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ thực sự đã chinh phục và lay động đến trái tim của nhiều khán giả. Đúng như đạo diễn Victor Vũ từng chia sẻ, đây là một bộ phim đầy cảm xúc mà nhiều lúc anh thấy có cả hình ảnh của mình trong đó. Vì anh tiết lộ, khi còn bé anh cũng từng là một người anh trai ích kỉ giống như nhân vật Thiều trong bộ phim này.
Thông qua 3 nhân vật chính là Thịnh Vinh (vai Thiều) – Thanh Mỹ (vai Mận) – Trọng Khang (vai Tường), đạo diễn Victor Vũ đã tái hiện một câu chuyện tuổi thơ đầy cảm xúc về những đứa trẻ ở vùng quê nghèo miền Trung những năm cuối 1980. Một tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên và ngọt ngào… nhưng cũng đầy kỉ niệm mà có thể nhiều khán giả cũng đã từng trải qua.
Một thế giới tuổi thơ đã được đạo diễn Victor Vũ tái hiện thành công qua bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
Mở đầu phim một cách tự nhiên và nhẹ nhàng, đạo diễn Victor Vũ đã tập trung miêu tả về hai anh em Thiều – Tường cùng tình bạn của họ với Mận. Trong đó, Thiều là một người anh thương em nhưng lại ích kỷ, đố kị và ghen tỵ. Trong khi đó, Tường là một người em hiền hậu, hồn nhiên và hy sinh đến mức khiến người lớn khi xem phim phải rơi nước mắt. Còn Mận là một cô bé dễ thương đến nỗi ai cũng phải mủi lòng và gây sóng gió trong lòng hai anh em Thiều, Tường.
Cũng ở phần đầu này, khán giả dường như bị chìm đắm trong những câu chuyện tuổi thơ hồn nhiên, vô tư nhưng cũng có đủ yêu, ghét, giận hờn và cả những rung động đầu đời rất trong sáng của Thiều – Tường và Mận. Cùng với đó là những trò chơi dân gian tưởng chừng đã bị lãng quên nhưng được đạo diễn Victor Vũ dày công tìm hiểu và đưa vào phim: thả diều, bắn bi, nhảy dây... Và trong một phân đoạn ngắn của phim, đạo diễn Victor Vũ còn tái hiện thành công hình ảnh Tết Trung thu của những đứa trẻ nghèo ngày xưa khi tự tay mình làm những chiếc đèn bằng tre rồi cùng nhau rước, phá cỗ…
Sự hồn nhiên, trong sáng của những đứa trẻ đã đem đến những câu chuyện thú vị.
Những điều tưởng chừng đơn giản đó nhưng đã khiến không ít khán giả trong phòng chiếu khỏi bồi hồi và tiếc nuối về một tuổi thơ của mình đã trôi qua. Bên cạnh đó, sự ngây ngô, hồn nhiên trong hành động và lời nói của những đứa trẻ đã khiến khán giả không ít lần phải bật cười.
Tưởng chừng mọi thứ sẽ mãi bình yên, ngọt ngào như vậy thì câu chuyện của phim lại chuyển sang một ngã rẽ mới. Bắt đầu bằng vụ cháy nhà của Mận, lúc này câu chuyện bắt đầu chuyển sang một cung bậc cảm xúc khác. Nếu, ở phần đầu của phim là những câu chuyện mang đến cảm xúc vui vẻ, bồi hồi thì phần sau đạo diễn lại xoáy sâu vào lòng trắc ẩn, tình nhân ái trong lòng mỗi khán giả.
Và, có lẽ đạo diễn đã thành công khi nhiều khán giả trong khán phòng đã không kìm được xúc động và rơi lệ trước những tình huống, câu chuyện xúc động mà những đứa trẻ phải trải qua.
Nhiều khung cảnh, chi tiết của phim đã khiến khán giả thổn thức với bao cảm xúc đa sắc màu.
Mở đầu cho những cảm xúc dâng trào đó là ánh mắt tuyệt vọng của hai mẹ con nhà Mận khi nhìn thấy căn nhà kho của gia đình bị cháy và đáng thương hơn khi đó cũng là nơi bố Mận bị cách ly vì bị cho là mắc bệnh phong. Và rồi xót xa hơn khi cả ngôi làng - nơi những đứa trẻ đang sống, vui chơi bị chìm trong biển nước hay thấy Thiều đánh em đến gãy xương sống do hiểu nhầm thằng Tường đang lén ăn thịt gà mà thực ra là em nó đang chơi đồ hàng với con Mận… Điều này khiến nó ân hận suốt những ngày tháng sau đó vì thằng Tường không thể đi lại được mà nhà lại quá nghèo không đủ tiền để đi bệnh viện chữa trị.
Tuy nhiên, trong lúc tuyệt vọng nhất thì “phép màu” xuất hiện. Chỉ với niềm tin vào những câu chuyện cổ tích phò mã, công chúa, thằng Tường đã dần khỏi bệnh mà không cần đến viện bởi nó tin và nghĩ rằng đứa bé điên con chú Tám hàng ngày đến thăm nó là công chúa thật. Và “công chúa” đã cho nó sức mạnh để chiến thắng bệnh tật. Ngược lại, chính thằng Tường lại giúp “công chúa” của nó hết điên vì lòng quyết tâm bảo vệ bạn mình trong lúc nguy khốn nhất.
3 nhân vật chính của phim: Thịnh Vinh (vai Thiều) – Thanh Mỹ (vai Mận) – Trọng Khang (vai Tường) (từ trái qua).
Để thực hiện và truyền tải thành công câu chuyện tuổi thơ đầy cảm xúc này thì phần công lớn phải dành cho 3 diễn viên nhí của phim: Thịnh Vinh - vai Thiều, là lớn nhất cũng chỉ 15 tuổi, Trọng Khang - vai Tường vừa tròn 11 tuổi, còn Thanh Mỹ - vai Mận thì mới lên 10.
Không phải là những ngôi sao nhưng lối diễn hồn nhiên và trong sáng của các em đã chinh phục được người đạo diễn khó tính Victor Vũ và hàng nghìn khán giả. Bộ ba nhân vật thân quen với những người hâm mộ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dần hiện lên qua màn ảnh rộng một cách sống động và ngọt ngào. Nhưng đằng sau những câu chuyện xúc động, hình ảnh đẹp mê hồn này thì các em phải trải qua rất nhiều vất vả, khó khăn.
Bởi thế giới tuổi thơ của các em đang có hoàn toàn khác với những gì mà Thiều – Tường và Mận phải thể hiện trong phim. Đồng thời để lột tả được những cảm xúc: Yêu, ghét, giận hờn… và những rung động đầu đời trước công chúng là một điều không hề đơn giản. Nhưng các em đã làm được hay có thể nói là thành công khi hóa thân xuất sắc thành những cô cậu bé thôn quê nghèo ven biển. Đặc biệt, những cảm xúc mà các em thể hiện trong phim đã chạm tới tâm khảm của khán giả. Các em như đưa người xem trở về với chính tuổi thơ của mình…
VOV.VN - Khi nói về các diễn viên nhí trong "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", đạo diễn Victor Vũ đã không tiếc lời khen ngợi và ví các em như những "thiên thần".
VOV.VN -Trong bộ phim mới "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" của Victor Vũ, anh đã dày công tìm hiểu để đưa lên màn bạc đủ loại trò chơi dân gian.
Chính đạo diễn Victor Vũ cũng đã không ngại dành cho các em rất nhiều lời khen tặng và khẳng định: “Các em chính là linh hồn, là những thiên thần nhỏ của 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh'”.
Bên cạnh những câu chuyện tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên và đầy cảm xúc của những đứa trẻ, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” còn khiến người xem phải ngỡ ngàng trước những khung cảnh tuyệt đẹp và âm nhạc du dương.
Trong nền nhạc của bài hát “Thằng Cuội” một không gian làng quê yên bình và gần gũi đã được hiện lên. Chỉ là những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam: những con đường rợp bóng tre, cánh đồng lúa xanh mướt và những con suối róc rách… nhưng khiến khán giả phải ngây ngất và xuýt xoa… rồi thốt lên “sao đẹp quá”!
Tất cả những điều đó đã khiến “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” giống như một bức tranh cảm xúc đa màu sắc. Một câu chuyện về những đứa trẻ của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã được thể hiện sống động bằng ngôn ngữ điện ảnh của đạo diễn Victor Vũ./.
VOV.VN - Khi nói về các diễn viên nhí trong "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", đạo diễn Victor Vũ đã không tiếc lời khen ngợi và ví các em như những "thiên thần".
VOV.VN - Khi nói về các diễn viên nhí trong "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", đạo diễn Victor Vũ đã không tiếc lời khen ngợi và ví các em như những "thiên thần".
VOV.VN -Theo Tổng Giám đốc công ty Galaxy M&E - đơn vị phối hợp sản xuất bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", doanh thu không phải là điều kỳ vọng nhất...
VOV.VN -Theo Tổng Giám đốc công ty Galaxy M&E - đơn vị phối hợp sản xuất bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", doanh thu không phải là điều kỳ vọng nhất...
Tác phẩm của đạo diễn Victor Vũ là một trong ba bộ phim giành giải "Phim hay nhất" tại sự kiện điện ảnh tổ chức ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Tác phẩm của đạo diễn Victor Vũ là một trong ba bộ phim giành giải "Phim hay nhất" tại sự kiện điện ảnh tổ chức ở Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
VOV.VN - Vắng mặt trong đêm ra mắt bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" tại TP HCM, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gửi những lời chúc mừng tới đạo diễn Victor Vũ.
VOV.VN - Vắng mặt trong đêm ra mắt bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" tại TP HCM, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã gửi những lời chúc mừng tới đạo diễn Victor Vũ.