Độc đáo nghệ thuật nhuộm vải Batik truyền thống Indonesia
VOV.VN - Chiều 31/5, Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia tại Hà Nội và Hội Hữu nghị Việt Nam – Indonesia (VIFA) tổ chức sự kiện “Trải nghiệm và Giới thiệu về Batik Indonesia” tại trụ sở Đài Tiếng Nói Việt Nam (58 Quán Sứ, Hà Nội) nhân dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược Indonesia – Việt Nam.
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Trần Minh Hùng - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Indonesia, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) cho biết, Indonesia là nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1955 và cách đây 10 năm, Việt Nam trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Indonesia trong Đông Nam Á. Điều đó cho thấy sự coi trọng của mỗi nước đối với mối quan hệ đặc biệt này.
"Hoạt động trải nghiệm và giới thiệu về nghệ thuật Batik Indonesia tới công chúng Việt Nam hôm nay nằm trong chuỗi các các hoạt động giao lưu văn hóa nhằm tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân 2 nước, đồng thời cũng sẽ có tác dụng xúc tiến du lịch, mà du lịch là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng phát triển giữa hai bên" - ông Trần Minh Hùng nhấn mạnh.
Được biết, hàng năm lượng du khách Việt Nam đến Indonesia vào khoảng 70.000 người và cũng có khoảng trên 80.000 người Indonesia sang Việt Nam. Con số này còn có thể tăng lên hơn nữa, nếu chúng ta có những hoạt động xúc tiến phù hợp và nhất là hiện nay giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã có đường bay thẳng tới Indonesia.
Tại sự kiện, ông Denny Abdi - Đại sứ Indonesia tại Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình và hợp tác chặt chẽ của Hội Hữu nghị Việt Nam – Indonesia. Đại sứ đồng thời bày tỏ hy vọng sự cộng tác giữa hai bên sẽ ngày càng được thắt chặt và mang tính sáng tạo. Những hoạt động cụ thể như sự kiện Batik lần này giúp tích cực thúc đẩy giao lưu giữa người với người và phản ánh mối quan hệ song phương bền chặt giữa hai nước.
Batik được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của Indonesia. Đây là một kỹ thuật nhuộm vải lâu đời sử dụng sáp được đun nóng với các hoa văn truyền thống, hoặc vải được làm bởi kỹ thuật này. Một vài ghi chép lịch sử ghi lại dấu tích của Batik lần đầu tiên được tìm thấy ở Indonesia dưới thời Đế chế Srivijaya thông qua các hoạt động giao thương với nhà Đường từ Trung Quốc.
Một nghiên cứu khác cho rằng Batik đã được mang đến thông qua các hoạt động buôn bán bởi cộng đồng người Hindu và người Hồi giáo Vohra từ Gujarat, những người này đi thuyền đến Đông Nam Á thông qua Malacca, Aceh, Riau, Palembang, đến Bờ biển phía đông của Java. Vì vậy, giờ đây, Batik không chỉ được tìm thấy ở Indonesia mà còn ở các quốc gia khác của khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan và Việt Nam.
Vào ngày 2/10/2009, UNESCO đã ghi nhận Batik Indonesia vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Kể từ đó, ngày 2/10 hàng năm được chọn là Ngày Batik ở Indonesia. Điều đó cho thấy Batik không chỉ đơn thuần là nhgệ thuật mà còn là văn hóa, chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cuộc sống của mỗi người dân Indonesia.
Những người tham dự sự kiện “Trải nghiệm và Giới thiệu về Batik Indonesia” được học cách vẽ hoa văn Batik trên một mảnh vải cotton, sử dụng công cụ bút canting và sáp. Sự kiện còn có sự tham gia của Bà Sri Ratna Handayani, một nghệ nhân Batik, người làm Batik từ năm 2012 và tạo ra hoa văn Bogor.
Anh Đỗ Anh Đức - người tham gia trải nghiệm bày tỏ sự thích thú trước cách làm Batik của người Indonesia: "Tôi thấy đây một trải nghiệm khá thú vị. Dù lần đầu thực hiện có chút khó khăn, khi phải điều khiển cây bút một cách khéo léo, để những giọt sáp chảy ra theo ý mình. Ý tưởng làm trang phục của người Indonesia thực sự rất độc đáo. Tôi mong có cơ hội được tới Indonesia, để được trải nghiệm và làm sản phẩm trực tiếp với người dân bản địa. Hơn hết, tôi mong muốn được khám phá nền văn hóa, ẩm thực truyền thống của quốc gia này" - Anh Đức chia sẻ./.