Giữ tiếng Then-Tính bằng lửa đam mê
VOV.VN - Mới đây, hàng trăm nghệ nhân và những người yêu Then các tỉnh khu vực phía Bắc đã tham dự chương trình giao lưu hát then đàn tính và các làn điệu dân ca miền núi phía Bắc do Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn đăng cai tổ chức.
Chương trình đã cho thấy sức hút của loại hình văn hóa dân tộc này trong đời sống người dân cũng như vai trò của các câu lạc bộ, các nhóm sở thích trong việc gìn giữ, lan tỏa những câu then Việt Bắc.
Hàng nghìn người đã có mặt tại Hội trường Nhà văn hóa tỉnh Bắc Kạn để cùng hòa mình vào những câu then, tiếng tính mượt mà của hơn 300 nghệ nhân, những người yêu then của 9 câu lạc bộ, các nhóm hát then đến từ 7 tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Giang và Hà Nội... Chương trình còn có sự tham gia của Nghệ sỹ ưu tú Bích Hồng, Nghệ nhân ưu tú Duy Quang và nhiều nghệ sĩ, nghệ nhân nổi tiếng khác.
Khán giả được thưởng thức những tiết mục đặc sắc, mang đậm nét riêng biệt của các vùng then. Về cơ bản, hát then - đàn tính ở mỗi vùng miền đều có cung quãng giống nhau nhưng về lời hát , thậm chí cách hát thì có nhiều dị bản để phù hợp với đặc điểm, cũng như phong tục của từng địa phương.
Then Cao Bằng, Bắc Kạn mượt mà, sâu lắng; then Lạng Sơn vui tươi; then Hà Giang, Tuyên Quang mộc mạc, tiết tấu nhanh gọn... Khán giả được thưởng thức tiết mục biểu diễn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp, nghệ nhân then và hội viên câu lạc bộ then tính các địa phương.
Nghệ nhân Mã Thị Dạy, Chủ nhiệm câu lạc bộ hát then đàn tính Sắc Chàm, tỉnh Bắc Kạn, đơn vị đăng cai tổ chức chương trình cho biết: "Câu lạc bộ Sắc Chàm của chúng tôi mời các câu lạc bộ ở tỉnh bạn đến giao lưu, trải nghiệm hát then, đàn tính và các làn điệu dân ca. Mọi người đều rất ủng hộ, hoan hỉ tham gia.
Qua chương trình chúng tôi muốn quảng bá đến người dân Bắc Kạn và những người yêu then các tỉnh bạn hiểu hơn về điệu then của Bắc Kạn. Chúng tôi mong muốn mọi người cảm thấy thoải mái, phấn chấn hơn khi được tham gia vào văn hóa dân gian dân tộc mình như vậy".
Để bảo tồn những nét độc đáo của then thì nhất thiết các nghệ nhân then phải được coi trọng trong không gian diễn xướng, gốc của nó là đời sống. Về bản chất các thầy then vừa là thầy cúng kiêm nghệ sĩ dân gian. Do đó muốn bảo tồn then cổ trước hết cần phải tôn vinh những người giữ then như giữ lửa, đồng thời có sự lựa chọn để hạn chế những sắc thái mê tín không còn phù hợp.
Những nghệ nhân am hiểu về then sẽ là mắt xích không thể thiếu trong việc chuyển tải những giá trị nghệ thuật then cổ cho thế hệ tương lai. Việc đặt lời phổ thông cho then để then dễ tiếp cận hơn với giới trẻ và đời sống đương đại cũng là một hướng đi. Đó là nhận định chung thông qua gặp gỡ, trao đổi, giao lưu giữa các câu lạc bộ.
Bà Dương Thị Lan Anh, Câu lạc bộ Dân ca Thành Đô, đến từ TP Hà Nội cho biết, thời gian qua, phong trào học hát then đàn tính ở thủ đô đã bắt đầu phát triển. Chương trình giao lưu lần này, Hà Nội có tới 2 câu lạc bộ tham gia. Các đơn vị đều tự bỏ thời gian luyện tập, tự bỏ kinh phí đi lại, ăn ở với một điều duy nhất là để thỏa đam mê của mình. Câu lạc bộ Thành Đô mang đến Bắc Kạn một tiết mục độc đáo với sự kết hợp hát Văn lời cổ với điệu then truyền thống.
Bà Dương Thị Lan Anh nói: "Câu lạc bộ của tôi có khoảng 30 người sinh hoạt thường xuyên. Câu lạc bộ có rất nhiều thành phần trong đó có cả chị em gốc người Tày, nhưng cũng nhiều chị em là người Hà Nội gốc. Chúng tôi muốn tiếng hát then sẽ được lưu giữ, bảo tồn, nhân rộng và phát triển".
Ở đâu có người Tày-Nùng, ở đó có các câu lạc bộ then-tính. Hàng trăm câu lạc bộ then-tính ra đời không chỉ ở các tỉnh Việt Bắc mà ở nhiều nơi như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên… Những Câu lạc bộ tập hợp các thành viên yêu thích loại hình âm nhạc dân gian của dân tộc mình, họ truyền dạy cho nhau và đặc biệt là lớp trẻ bằng kinh phí tự huy động và lòng nhiệt tình.
Ông Lâm Ngọc Du, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn cho biết, hiện ngoài Câu lạc bộ Sắc Chàm do Trung tâm Văn hóa thành lập, tỉnh Bắc Kạn còn có hàng chục câu lạc bộ, nhóm then- tính ở cơ sở, góp phần tích cực lan tỏa loại hình âm nhạc dân gian truyền thống trong cộng đồng.
"Từ hoạt động câu lạc bộ hát then đàn tính Sắc Chàm, việc lưu giữ các giá trị văn hóa dân gian về hát then, đàn tính rất tốt. Với hoạt động của câu lạc bộ ngoài triển khai các hoạt động năm theo kế hoạch của Trung tâm Văn hóa thì còn có nhiều hoạt động khác nữa nhằm khơi dậy các phong trào văn hóa. Câu lạc bộ cũng đã xã hội hóa thông qua biểu diễn cho du khách, vừa để duy trì hoạt động và làm sống được những hoạt động then này. Câu lạc bộ thành lập 2019, đến nay đã thu hút được trên 60 hội viên và hiện có rất nhiều người có nguyện vọng tham gia câu lạc bộ”, ông Lâm Ngọc Du nói.
Hoạt động của các Câu lạc bộ hát then, đàn tính với những hội viên nhiệt huyết, đam mê đã và đang mang lại những làn gió mới trong văn hóa, văn nghệ dân gian, góp phần tích cực để gìn giữ và lan tỏa câu then Việt Bắc. Không chỉ bảo tồn then, trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập quốc tế, chúng ta cần phải biết khai thác những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh để tạo thành sản phẩm du lịch. Qua đó, công tác gìn giữ và phát huy di sản càng được quan tâm hơn, giúp các di sản này giữ được bản sắc, không bị mai một và ngày càng lan tỏa các giá trị tới cộng đồng trong và ngoài nước, đúng với tầm vóc di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.