Hoạ sỹ Vũ Xuân Đông: Người trăn trở với các tác phẩm về dòng sông Tô Lịch
VOV.VN - Từ sự tình cờ khi sinh sống tại một con phố nằm sát bên dòng sông Tô Lịch, hoạ sỹ Vũ Xuân Đông đã dành 20 năm cuộc đời để men theo ký ức của sông Tô Lịch, nhằm sáng tạo các tác phẩm mang tên dòng sông Tô qua những giai đoạn khác nhau, mang đến góc nhìn mới lạ.
Với hơn 20 tác phẩm trưng bày tại triển lãm “Ký ức sông Tô” được thể hiện trên 3 chất liệu và hình thức: Sơn mài truyền thống, hộp có trục xoay và trên các tấm bìa carton, họa sĩ Vũ Xuân Đông lấy gam màu trầm làm chủ đạo thể hiện sự ô nhiễm nặng nề của dòng sông Tô Lịch.
Không gian triển lãm đưa người xem từ bối cảnh hiện tại với các tác phẩm được vẽ trên bìa cát tông, khắc hoạ con sông ô nhiễm, màu sắc u tối xen lẫn hình ảnh nhiều loại rác thải sinh hoạt như gói mỳ, chai nhựa…trôi nổi trên dòng sông đen kịt. Tiếp đến, tác giả đưa người xem quay về quá khứ, thời kỳ dòng sông trong quá trình nạo vét và đóng cọc gỗ. Chuỗi tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu sơn mài, khắc hoạ hình ảnh con sông khi bị cọc gỗ bao phủ, xung quanh là lớp bùn đen ngổn ngang rác thải. Một số tác phẩm sơn mài còn thể hiện những tâm tư, trăn trở về sự ô nhiễm nặng nề trên dòng sông của chính hoạ sỹ Vũ Xuân Đông.
Ấn tượng với các tác phẩm, bạn Lê Thuỳ Linh, sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội chia sẻ: "Em ấn tượng với tác phẩm "Miền nhớ không mùa", em thấy khá khác so với những tác phẩm trong đây, có thể là tác giả đã gửi gắm vào tác phẩm những nỗi niềm, những hoài niệm từ cái thời mà tác giả đã từng sinh sống.”
Tác phẩm cuối cùng- “Sông xưa” cũng chính là điểm nhấn của triển lãm “Ký ức sông Tô”, là sự kết hợp độc đáo giữa sơn mài truyền thống và hộp gò đồng. Bằng sự tìm tòi, khám phá lịch sử của dòng sông Tô, tác giả đã tái hiện lại dòng sông xưa với những con sóng xanh mát chảy qua cửa đình, cùng hình ảnh người dân tấp nập buôn bán hai bên bờ sông. Tác phẩm mang đến cái nhìn mới lạ về sông Tô Lịch, đưa người xem từ bất ngờ này đến bất ngờ khác cùng trí tưởng tượng phong phú. Một “Tôi rất thích tác phẩm “Sông xưa”khi tác giả kết hợp giữa chất liệu gò đồng và sơn mài. Một tác phẩm khiến tôi nghiền ngẫm khá lâu, chi tiết những con sóng, rồi hình ảnh đình làng hay chi tiết người dân buôn bán, hoạt động nhộn nhịp như tái hiện lại cuộc sống của người dân tứ xứ khi buôn bán và sinh sống trên dòng sông Tô xưa. Một hình ảnh đối lập với con sông Tô Lịch hiện tại mang đến nhiều suy ngẫm cho người xem.”
Hình ảnh của dòng sông trong các tác phẩm của Vũ Xuân Đông có lẽ cũng chính là một tấm gương phản chiếu hình ảnh của những dòng người nhập cư không ngừng nghỉ vào thành phố này, luôn cố gắng nỗ lực hết mình, như những dòng nước nhỏ trong mát khát khao đổ vào những dòng sông lớn.
Chia sẻ về lý do khiến bản thân mang nhiều tâm tư, trăn trở với dòng sông Tô Lịch suốt hơn 20 năm sáng tác, hoạ sỹ Vũ Xuân Đông cho biết: “Từ những năm 2002 khi tôi đang là sinh viên đại học Mỹ thuật Việt Nam thì tôi vừa thuê nhà xưởng vẽ ngay cạnh sông Tô Lịch. Cái đấy thì sông Tô Lịch đang được Nhà nước là kè sông giai đoạn đầu, bằng những cọc sông bằng gỗ và tôi thấy cũng gợi ra được rất nhiều vấn đề. Ví dụ như là lòng sông ấy như một cái thế giới khác, có những hàng cọc, cấu trúc mà tôi liên tưởng đến những số phận con người trong bùn đen. Như thế suốt một tháng, tôi cứ lang thang đi ký họa dưới lòng sông để tư liệu và sau này thì bài tốt nghiệp của tôi tên là sông Tô. Từ những hình tượng, những cái cọc sông cấu trúc như vậy thì mình xây dựng lên thành một dòng tranh trừu tượng biểu hiện”.
Điều đặc biệt của triển lãm là một số tác phẩm được thiết kế trưng bày trên hộp có trục xoay, được tác giả tự tay gò từng chút một tạo ra hình thái uốn lượn của một con sông, bề mặt cong như dòng sóng nước. Khi chạm vào các hộp trục xoay sẽ tạo ra các chuyển động và âm thanh như dòng sông đang hồi sinh.
Theo hoạ sỹ, Giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn, phương pháp này không những giúp người xem thưởng lãm tác phẩm mà còn tương tác, cảm nhận được hàm ý mà tác giả muốn truyền tải: “Tôi đã tuyển chọn 3 giai đoạn mà anh Đông vẽ dòng sông Tô Lịch sử gần đây, nhất chính là seri vẽ lên bìa cat tông. Trước đó thì những tác phẩm sơn mài, Gò đồng vẽ về những cọc sông cắm trên sông Tô Lịch để cống hóa sông Tô Lịch. Những tác phẩm sắp đặt kết hợp giữa sơn mài và gò đồng, những ảo ảnh, hình ảnh tưởng tượng về dòng sông Tô Lịch lúc còn trong xanh tươi đẹp thì tôi nghĩ những tác phẩm của anh đông cho thấy một cái nhìn khá hiếm hoi của một họa sĩ mà không phải là người Hà Nội nhưng có một tình yêu cũng như một tấm lòng với một dòng sông. Triển lãm làn này tôi nghĩ cũng đưa ra được đối thoại khiến cho người xem, có những tương tác về mặt văn hóa về mặt lịch sử.”
Bất ngờ hơn, Triển lãm “Ký ức Sông Tô” được diễn ra chính tại một không gian, nơi từng là cửa ngõ của con sông Tô Lịch đổ vào sông Hồng trên địa bàn phường Hà Khẩu (cửa sông) trước kia. Phố hàng Buồm xưa từng tấp nập buôn bán những ngành hàng hoá liên quan đến thuyền bè sông nước phục vụ cho những chiếc thuyền buồm tụ tập ngay bến Vạn Chài Phúc Tân Phúc Xá cách đó không xa. Triển lãm Ký ức Sông Tô như một nỗ lực tiếp tục đối thoại với ngữ cảnh và nơi chốn, góp phần tiếp nối dòng chảy nghệ thuật đương đại. Triển lãm diễn ra đến hết ngày 30/5 tại Không gian văn hoá nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Hà Nội./.