Khai mạc triển lãm "Trong rừng sâu" của hoạ sĩ Mai Đại Lưu
VOV.VN - Chiều 14/4, triển lãm "Trong rừng sâu" của hoạ sĩ Mai Đại Lưu chính thức khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội. Đây là triển lãm cá nhân thứ 2 của anh, đánh dấu một cách tiếp cận khác của người hoạ sĩ.
"Trong rừng sâu" giới thiệu gần 11 tác phẩm của họa sĩ Mai Đại Lưu được anh thực hiện trong 2 năm, thời điểm xã hội có nhiều biến động, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội do đại dịch Covid-19. Anh chia sẻ: "2 năm vừa rồi xảy ra nhiều vấn đề ảnh hưởng đến tâm lý của mọi người do biến động xã hội, đời sống hàng ngày gây cho chúng ta sự mệt mỏi ở thành phố đô thị. Về sâu trong tâm hồn tôi muốn đi vào nơi thoát ra khỏi sự ồn ào đấy. Tôi nghĩ đến "trong rừng sâu". Tôi muốn đưa mọi người quay trở lại nơi khởi thuỷ của loài người, nơi nguyên thuỷ nhất, suy nghĩ về những điều đã xảy ra. Thông qua triển lãm, tôi mong muốn mọi người sẽ yêu thiên nhiên hơn, tôn trọng thiên nhiên, môi trường sống của chúng ta, đời sống xã hội và quan tâm đến nhau hơn".
11 tác phẩm trưng bày như một sự ẩn náu về mặt tâm tưởng - một chất vấn nội tại về xã hội, con người và đời sống trong thời giãn cách, một can thiệp hướng đến sự cân bằng giữa thực tại tản mát và bình yên bên trong. "Hình tượng rừng sâu được thể hiện qua cây cối, hoa cỏ… như một cách dẫn dắt khéo léo để ta có thể nhìn vào bên trong mình. Ở đó, hình bóng cá tính của chúng ta lộ diện, dù mờ nhạt hay mạnh mẽ, tất cả đều phải bị phơi bày", anh chia sẻ.
Điểm đặc biệt trong các tác phẩm lần này của Mai Đại Lưu là “những bông hoa trong tâm tưởng” đa đạng về màu sắc và quá khổ về kích cỡ khi đứng cạnh chủ thể con người trong tranh, những người cũng đang choáng ngợp bởi chính diễn cảnh lạ lẫm mà họ cư trú. Chính cái choáng ngợp đấy chuyến mình thành một đối thoại về tình yêu và sự nảy nở.
Trong những bức tranh như “Đôi tình nhân” hay “Lặng yên thấy tình yêu”, nơi mà chủ thể người xuất hiện trong trạng thái nghỉ, và vì thế, sự sống động và tính thân mật lại được tìm thấy ở những loài hoa đua nở trên phông nền. Trong trường hợp này, những bông hoa trở thành một điểm cầu cho hy vọng trong vô vàn những hình hài khác nội hàm trong trí tưởng tượng của Mai Đại Lưu.
Bên cạnh đó, nhiều những bức tranh khổ lớn (lên tới tám mét chiều ngang) như “Trong rừng sâu” và “Ngắm nhìn hoa nở” được sắp đặt san sát nhau thành một dải dày đặc, liên tiếp, dần dần trung hòa không gian theo tỷ lệ 1:1 đến khi tiếp nhận vật lý của ta hòa làm một với môi trường trong tranh.
Chia sẻ về quá trình thực hành của mình, Mai Đại Lưu cho biết không hề phác thảo hay lên kế hoạch sơ bộ cho tác phẩm trước khi vẽ. “Nghệ thuật đi ra khỏi con người một cách tự nhiên”, anh nói. Ngay khi đầu cọ va chạm với mặt toan, anh liền cho phép tiềm thức của mình dẫn lối các ngón tay, hành động mà theo anh, đóng vai trò như một nỗ lực để “sống” cùng tác phẩm. Những nét cọ trở nên cảm tính và luôn luôn sẵn sàng dạo bước trên toan. Đối với Mai Đại Lưu, việc vẽ, việc sống, tưởng tượng và mường tượng giải thể thành một tự giác cơ thể thống nhất và kết thúc bằng những bất ngờ.
Kiến trúc sư Bảo Phan cho biết anh tìm được chính mình thấp thoáng bên "Trong rừng sâu": "Vẫn là Mai Đại Lưu, vẫn là nỗi niềm của anh. Những biểu lộ "Trong rừng sâu" vẫn là một hành động vô tư đến mức gần như lơ đãng, những âm vang của khối cảm xúc lơ đãng ấy biểu lộ chính con người anh mà không ngôn từ nào có thể định hình được. Tôi được chứng kiến các tác phẩm "Trong rừng sâu" của Lưu ra đời từ những xung động của xã hội hiện tại. "Trong rừng sâu" là một áng văn đấu tranh cho cái "bức thiết bên trong" của Lưu để gắn kết chúng ta. Tôi thấy được chính mình thấp thoáng bên "Trong rừng sâu" và tôi tin rằng người thưởng lãm cũng sẽ bắt gặp bóng dáng của chính mình trong hội hoạ của Mai Đại Lưu".
Với cách biểu đạt hình hài trên tranh "có chút gì đó vừa trẻ con vừa người lớn, vừa ngây ngô vừa bạo liệt", triển lãm "Trong rừng sâu" như một câu chuyện thu hút người xem mong muốn khám phá, tìm hiểu cái đẹp – cái xấu, cái ác – cái thiện đan xen nhau để tìm ra sự bí ẩn của chính mình../.