Im lặng nghe vọng tâm vỗ cánh

VOV.VN - Những ngày cuối năm, quyển lịch mỏng dần. Dù chưa Tết, nhưng lật giở quyển tập thơ “Dốc im lặng” của họa sĩ Trần Thắng, một người bạn đồng hương, tôi tự kỷ ám thị, neo theo câu chữ mà lòng khấp khởi, xốn xang ngóng đợi nhịp xuân trong nỗi nhớ quê hương vời vợi.

Năm nay châu Âu mưa tuyết nhiều kéo chập từng đợt, sớm bất thường. Gió vít đan theo mùa bồi hồi thấp thểnh thêm mỏi cánh thiên di.

Bản hợp xướng về kiếp lai sinh

Hình ảnh Tết, mùa xuân và mẹ, thắp sáng ý niệm ngày đông trong thơ Trần Thắng. Quả thật, thơ và phụ bản tranh của Trần Thắng đáng để suy thẩm. Một tập thơ không chỉ đẹp về hình thức mà còn đẹp về nội dung. Tôi muốn nói về cách sáng tạo triển khai trong tứ thơ, vần điệu ca từ tạo nhịp phách. Với lối đi riêng, Trần Thắng chắt lọc lập ngôn đắt và lạ.

Ở lục bát Trần Thắng vẫn giữ pháp cú cổ điển, thì thể thơ tự do lại mang tính ẩn dụ nhiều lớp lang hàm ý sự đời, sự thể sâu lắng, hội nhập hơi thở đương đại. Chơi với Trần Thắng, chúng tôi đều biết Thắng là người cực đoan, nên nghĩ Thắng chung thủy với lục bát, khó thích nghi với thay đổi mới. Nhưng dù là thơ tự do hay niệm luật, thì thơ của Thắng vẫn chau chuốt tỉ mỉ kỹ lưỡng từng câu chữ cũng như vần điệu âm sắc.

Sự khác biệt trong thơ của Trần Thắng không nằm ở cách niệm luật, khác biệt ở chỗ, Trần Thắng vận dụng cảm thức của một họa sĩ phù điêu lên thơ, để rồi “Dốc im lặng” là một minh chứng. Với phong cách thơ mới, nhưng ngôn từ dung dị mộc mạc rung bồi xúc cảm. Đặc biệt phải nhắc đến 3 bài thơ của anh được phổ nhạc  giàu hình ảnh đậm chất thơ: “Tháng mười quê”- nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha, “Giới hạn” - nhạc sĩ Lê Minh, “Nghe sóng” - nhạc sĩ Bá Phương.

Tình yêu quê hương da diết, Trần Thắng gửi vào “Tháng mười quê”. “Nghe sóng” là bản trường ca, những nỗi đau thương thành sóng bi tráng, những người lính ngã xuống, các con số thành hồi chương đánh dấu cốt mốc chủ quyền, ngùn ngụt hào khí dân tộc Việt Nam. “Giới hạn” là sắc khúc mới, tứ lập ngôn ý ẩn dụ. Sắc màu tình yêu của Trần Thắng thao thiết, lẩn khuất êm đềm hòa quyện trong sắc màu cuộc sống, rất đời: “Nhớ luồn trong nhớ/ yêu chìm trong yêu/ lớn nhiều điều chẳng níu/ chúng ta hai mặt chiếc lá/ bay lòng vòng/ duyên”. Phải chăng giới hạn của mọi điều nằm ở sự tĩnh lặng thấy biết. Triết gia Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Trần Thắng đã đạt tới độ chín của cuộc đời và thái độ im lặng với đời sống chính là cảnh giới để Trần Thắng cảm tác chăng?

Thẩm đọc kỹ “Dốc im lặng” như nghe một bản hợp xướng đầy đủ các cung bậc về kiếp lai sinh. Thơ Trần Thắng thấu cảm phận đời bằng tâm người làm báo, bằng trực quan cảm linh nhạy với đời sống trong mỗi chuyến đi thực tế đó đây của anh. Những khi thu nạp sự đời, Trần Thắng lại thu mình cô độc tung vẩy rong chơi với sắc màu trên toan. Chính sự đối lập, có lẽ lại là sự cân bằng, khiến Trần Thắng nghệ sĩ hơn qua mỗi tác phẩm. Phải thế mà tranh và thơ anh đều rất đặc sắc.

Im lặng soi bóng mình

55 bài thơ và 32 phụ bản “Dốc im lặng” mang đậm nét tự sự. Hỏi có mấy ai dám tự vấn chính mình. Im lặng chính là cội nguồn của năng lượng, mà chúng ta ai cũng nhờ vào sự tĩnh lặng để sáng tạo. Tựa như căn cốt bất dịch của vũ trụ. Sự sống luân phiên sinh sôi mà chúng chẳng bao giờ phát ra tiếng động, nhưng kỳ thực mạch sống âm ỉ khơi nguồn. Cũng như vậy “Dốc im lặng” là bước ngoặt câu ước tự thân trong sự mặc định của tâm thức. Và sự im lặng của Trần Thắng, chính là để nghe thanh âm của anh vỗ cánh. Sự chuyển hóa của vọng tâm, hun đúc thành tác phẩm. Ví như “Nương náu” mang một vẻ đẹp của sự bất toàn trong đời sống hiện thực của con người rất sâu sắc: Ngỡ an nhiên lại bời bời/ Hương trầm luẩn quẩn mắc lời hẹn nhau”. Tôi đắm theo thân phận lưu lạc của Trần Thắng và tôi nghĩ rằng, đã mang kiếp thiên di xa xứ, ai cũng phải nôn nao khi nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn của chính mình: Đầm đẫm tuổi tóc vai đông giá/ Giọt lạc nhau lơ lửng giao thừa/ Vẫn biết đại dương nhấn chìm tất cả/ Những hành tinh va đập vụt tan/ Buồn vui xuân trở về phủ biếc/ Nắng gió trĩu giọt đắng long lanh”.

Có ai ra đi mà không mong ngày trở về. Len lén thấm đẫm tâm tư, dội sóng ngầm lên phong hồn thứ lữ, đau đáu theo khúc “Hành hương”: “Người về nhận lại xóm làng/ Nghẹn lòng áo cũ/ Xót thân nhàu gió đưa...// Tóc mây lẫn nhớ cửa đình góc rơm”. Tứ thơ bay lên phận đời dâu bể. Tạp âm của phố phường không thể xóa được ký ức đình làng, đồng ruộng thôn quê. Trần Thắng đã rũ bỏ lớp áo thị thành, trong nỗi nhớ hương vị quê. Câu thơ ngân lên da diết, khiến mùa xuân của Trần Thắng độc đáo đến lạ. Xuân bấy lên giữa thực và mộng, giữa quá khứ và vị lai cứ thế đan xen như một bản hòa tấu đậm màu “Tất niên”: Mưa bụi lất phất cổng trời/ Hoa đào hư thực bời bời chấm son/ Tha hương run bấy lộc non/ Đò ơi chật nắng chở con lần về”.

Nhẩn nha thấu tỏ lời thơ trong “Dốc im lặng” tôi chợt nhớ đến triết lý sâu xa của nhà Phật: Chỉ khi mặt hồ phẳng lặng, người ta mới soi được bóng mình. Có lẽ Trần Thắng đã đạt được tới ngưỡng của sự chuyển hóa của tâm thức. Mọi phức điệu cuộc đời dồn nén: hỉ nộ, luyến ái, sân si hận, Trần Thắng đã chuyển về cảnh giới im lặng để hình thành nhân cách. Nên không lạ khi anh hay trầm mặc giữa đám người huyên náo, ở các cuộc nhậu. Hoặc dụ cũng có lúc cạn ly trong cuộc tri kỷ giao bôi, chỉ cần chờ đủ duyên Trần Thắng hưng phấn thao thao tử vi, tiết lộ thiên cơ của một người nào đó. Ấy là lúc Thắng say sưa như một nhà hiển triết vừa thoát xác. Rồi thảng lại trở về, thu mình trong thế giới biệt lập của riêng mình.

Tôi cảm mến tính cách thành thật, giản dị của anh. Trần Thắng không se sua dị hợm tạo phong thái của một họa sĩ. Nhìn Thắng như anh đồ thư sinh thời trung cổ xuyên không gian, rớt thỏm vào thế kỷ 21. Thắng cũ kỹ trên chiếc xe máy cà tàng, như kiểu viên chức TTXVN giảm biên chế, chạy thêm quốc xe ôm. Nom Thắng như chiếc lô cốt hồi ức di động, bí ẩn khó gần. Thắng càng già trước tuổi với chòm râu hủ Nho và mái tóc ba bẩy lâm râm muối tiêu. Có lẽ vì thế mà tranh của Trần Thắng chủ đề cũng khác biệt: “Lang thang thiên hà” “Cơ chế của giấc mơ”... Bay lên thiên hà hay lắng nghe vọng tâm Trần Thắng vỗ cánh: “Đêm đêm sông hiện về theo gió/ Lung linh trên dải Ngân hà/ Ký ức gọi phù sa nức nở/ Vớt tim mình dưới đắy vực sâu” (Sông chân trời). Ngôn từ được đẩy lên cao trào, sự sống trong thơ rất khoáng đạt, ngập tràn xúc cảm lâng lâng, tứ thơ như mạch sống ngầm ngầm cuộn luân phiên chờ thoát xác cõi vô hình.

Mượn “Xuân khai nét cũ”, Trần Thắng khoác chiếc áo mới lên hồi ức xa xăm, trong nỗi khát khao rất con người: “Nắng đồng quyện ấm gió sông/ Lẩy cờ ngũ sắc ngủ đông cửa chùa/ Triền đê tung hứng bụi mưa/ Cải ngồng lại đến hẹn xưa thắp vàng”. Tứ thơ cứ ngỡ lao xao hồng trần, mà ngôn từ lại nghiêm cẩn, trang trọng hàn lâm đến thế. “Dốc im lặng” cứ thế vút lên như cánh diều đẫy gió, thổi ước vọng xuân thì bị ém chặt bấy lâu. Khơi nguồn hay “Khởi nguyên”?: À ơi ngực bỏng lời ru/ Quàng thương đắp mến phập phù giấc đêm/ Ngún môi men ủ say mềm/ Lẫn nhau chếnh choáng khởi nguyên địa đàng”.

Vẻ đẹp của sự bất toàn, tha hương vọng tưởng

Xuân hạ thu đông rồi lại xuân, chính vì hiểu quy luật sinh diệt của vũ trụ nên Trần Thắng như chợt tỉnh cơn mê. Thảng thốt “Gọi xuân: “Có phải yêu là tận cùng khoảng lặng/ Sao chẳng yên? Em giãy dụa phím đàn”. Ca từ chuyển tấu, trầm bổng như một bản tình ca sâu lắng ý vị thiết tha trong cơn xuân thì còn sót lại cuối đông. Mạch thơ luân phiên như tứ thời chuyển mùa, bung biêng gieo mầm, trổ búp sau những ngày đông tháng giá, ươm ướm như “Xuân vẫn qua đây”. Trần Thắng đo khoảng lặng nông sâu trong ý niệm thực tại: “Nghênh gió lật phía lặng im/ Nghe mình chín mõm đang tìm cách rơi”.

Có nhiều người trong đơn độc sẽ bị hủy diệt tâm thức biết thành tiêu cực nhưng với Trần Thắng khi ở tận cùng của sự cô đơn thì niềm ngôn từ thức tỉnh: “Phanh ngực áo cạn chén đầy/ Ngỡ môi em vùi lửa/ Ta dốc cạn im lặng/ Sao thịt da muốn thét muốn gào”. Có lẽ “Rượu lửa và em” mới đủ rực cháy, sưởi ấm tâm hồn chai sạn nốt lặng của Trần Thắng. Im lặng như hun đúc cảm xúc, vấy lên mảng màu, tô giấc đời thanh bạc. Kìa tiếng lòng ru nốt trầm bịn rịn, bỗng dắt díu hoán đổi thành tiếng thơ nấc lên “Gọi Giêng Hai”: “Cây gọi non búp ngời ánh bạc/ Cỏ gọi tình run rẩy môi yêu/ Ơi nụ cười/ Ơi thảo nguyên/ Em thoát áo tan vào nắng sớm/ Tôi gọi đến rồ dại Giêng Hai”.

Nếu Giêng Hai là khoảng trống hữu hình, thì bài thơ “Lưu lạc” là khoảng lặng đắt giá nhất về phận đời của những người xa xứ trong thơ Trần Thắng. Những ý niệm tình người, được mất trong “Dốc im lặng” vẫn trói gọn hai tiếng quê hương. Đời người thịnh suy, như hoa đào hoa mai ủ gốc uống sương thẩm gió, đợi chờ thời khắc trổ nụ tách mầm. Niềm khao khát trở về an nhiên bên mẹ, được tắm gội hương mùi già cột gợt bùi trần. “Phải lưu lạc mới biết mùi trần thể” đúng như cụ Cao Bá Quát nói. Lưu lạc tha hương mới thấu được cảnh duyên, mới thấy thời khắc được hòa mình với vạn vật trong tiết xuân thật ý nghĩa: “Đông rũ sót vết úa nhàu/ Mưa bụi lây rây lá bấy/ Đào bung sắc đúng thì cộng hưởng/ Ngọt ngào phủ son hơi ấm vừa xa/ Ngược hay xuôi/ Ngẩng hay cúi/ Rung rinh trời đất dẫn sang xuân/ Nắng mới nhuộm tươi màu áo cũ/ Cười một mình tuổi bớt lẻ loi”. Tôi mượn nụ cười của Trần Thắng khoác chiếc áo mới đượm ý xuân đợi tất niên khải hoàn.

MỘT SỐ TRANH CỦA TRẦN THẮNG IN TRONG TẬP THƠ:

 

Trần Thắng sinh năm 1971, quê Nam Định. Anh tốt nghiệp khoa Đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp và là họa sĩ của Báo Ảnh Dân tộc và Miền Núi (TTXVN). Các tác phẩm của anh đã xuất bản như: Tập thơ “Kẻ Bắc người Nam” (Nxb Thanh Niên, 2005); 2 tập thơ in chung “Thơ chọn lọc Quán Chiêu Văn” (Nxb Văn học, 2019) và “Ngày qua còn mãi” (Nxb Văn học, 2020); Tập thơ “Dốc im lặng” (Nxb Hội Nhà văn, 2023).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ra mắt tiểu thuyết "Biên khu Việt Quế" khắc họa nghĩa tình Việt - Trung
Ra mắt tiểu thuyết "Biên khu Việt Quế" khắc họa nghĩa tình Việt - Trung

VOV.VN - Tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2023) của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh đã khắc họa sâu sắc về nghĩa tình quốc tế cao cả giữa hai đội quân cách mạng Việt Nam và Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.

Ra mắt tiểu thuyết "Biên khu Việt Quế" khắc họa nghĩa tình Việt - Trung

Ra mắt tiểu thuyết "Biên khu Việt Quế" khắc họa nghĩa tình Việt - Trung

VOV.VN - Tiểu thuyết “Biên khu Việt Quế” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2023) của Trung tá, nhà văn Phạm Vân Anh đã khắc họa sâu sắc về nghĩa tình quốc tế cao cả giữa hai đội quân cách mạng Việt Nam và Trung Quốc trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn.

Cười rinh rích, đỏ mắt tía tai và giật nảy mình khi đọc “Tật xấu người Việt”
Cười rinh rích, đỏ mắt tía tai và giật nảy mình khi đọc “Tật xấu người Việt”

VOV.VN - Không phải cuốn sách đầu tiên nhưng “Tật xấu người Việt” đem tới độc giả những góc nhìn đã chiều, logic, có khi rẽ ngang, rẽ tắt mà rồi xoay hướng đầy bất ngờ. Mỗi bài viết dù ngắn, dù dài cũng đều như một cuộc “trinh thám”, với các tình tiết tưởng không liên quan mà rồi từ sự xâu chuỗi kì tài dẫn độc giả từ cười rinh rích tới giật nảy mình khi chợt nhận ra mình trong đó.

Cười rinh rích, đỏ mắt tía tai và giật nảy mình khi đọc “Tật xấu người Việt”

Cười rinh rích, đỏ mắt tía tai và giật nảy mình khi đọc “Tật xấu người Việt”

VOV.VN - Không phải cuốn sách đầu tiên nhưng “Tật xấu người Việt” đem tới độc giả những góc nhìn đã chiều, logic, có khi rẽ ngang, rẽ tắt mà rồi xoay hướng đầy bất ngờ. Mỗi bài viết dù ngắn, dù dài cũng đều như một cuộc “trinh thám”, với các tình tiết tưởng không liên quan mà rồi từ sự xâu chuỗi kì tài dẫn độc giả từ cười rinh rích tới giật nảy mình khi chợt nhận ra mình trong đó.

"Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng hàng triệu người
"Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng hàng triệu người

VOV.VN - Với độ dày chỉ 136 trang nhưng ‘Lẽ sống’ đã cô đọng toàn bộ tư tưởng của Viktor Frankl - bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý và là cha đẻ của cuốn ‘Đi tìm lẽ sống’ trong hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống.

"Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng hàng triệu người

"Lẽ sống" - cuốn sách kinh điển truyền cảm hứng hàng triệu người

VOV.VN - Với độ dày chỉ 136 trang nhưng ‘Lẽ sống’ đã cô đọng toàn bộ tư tưởng của Viktor Frankl - bác sĩ, nhà trị liệu tâm lý và là cha đẻ của cuốn ‘Đi tìm lẽ sống’ trong hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc sống.