Khai hội "Sắc màu văn hoá – hội tụ và lan toả"
VOV.VN - Với chủ đề “Sắc màu văn hoá – hội tụ và lan toả”, Ngày hội văn hoá các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ nhất và Tuần Du lịch – Văn hoá Lai Châu năm 2023 đã chính thức khai mạc tối nay 3/11, tại Quảng trường nhân dân tỉnh Lai Châu.
Dự Ngày hội có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; bà Tòng Thị Phóng, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trưởng ban chỉ đạo Ngày hội; lãnh đạo các tỉnh và các đoàn nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng, đồng bào các dân tộc có số dân dưới 10.000 người.
Những giai điệu, lời ca rộn ràng mà đắm say lòng người trong màn khai từ “Lai Châu kỳ vĩ đón mừng ngày hội” cùng chương trình nghệ thuật với chủ đề “Sắc màu văn hoá – hội tụ và lan toả” đã đưa khán giả đi khắp các vùng miền, trải nghiệm những nét đẹp văn hoá độc đáo của 14 dân tộc ít người trong nền văn hoá đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Ngày hội, Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: "Văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số rất ít người là di sản văn hoá quý giá, đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất, con người hay địa phương, mà còn là tài sản vô giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam".
Các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị cùng các dân tộc thiểu số rất ít người chung tay xây dựng, củng cố. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số rất ít người là nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng, phát triển đất nước, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Lần đầu tiên được tổ chức, ngày hội đã tạo nên một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa. Niềm vui, niềm tự hào, phấn khởi hiện rõ trên gương mặt các nghệ nhân, vận động viên quần chúng, đồng bào các dân tộc rất ít người. Đây là cơ hội để họ được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Ông Quàng Văn Khặt, là già làng tiêu biểu đại diện cho bà con người dân tộc Cống ở bản biên giới Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên về tham dự Ngày hội phấn khởi nói: "Tôi thấy rất vui và phấn khởi khi Đảng, Nhà nước quan tâm, tổ chức Ngày hội cho đồng bào dân tộc ít người nói chung và dân tộc Cống nói riêng. Tôi sẽ tiếp tục giáo dục, tuyên truyền con cháu, bà con trong bản gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá của dân tộc".
Đến với Lai Châu, nơi sở hữu 6/10 ngọn núi nằm trong top những ngọn núi hùng vĩ nhất cả nước, cùng hệ thống 32 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, di tích được xếp hạng. Nơi đây còn là cầu nối giữa hai điểm du lịch nổi tiếng giữa Sa Pa và Điện Biên Phủ, Đông và Tây Bắc. Mảnh đất tiềm năng cùng con người thân thiện mến khách đang chào đón du khách gần xa tham dự Ngày hội và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023.