Lễ cúng Rằm tháng 7 của người Dao Thanh Phán

VOV.VN - Ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, khắp các bản làng người Dao nhà nào cũng gói bánh chưng như Tết Nguyên Đán, con cháu cùng nhau sửa soạn mâm lễ cúng cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu có một cuộc sống an lành, mùa màng bội thu. 

Theo quan niệm của cộng đồng người Dao nói chung và bà con người Dao Thanh Phán nói riêng, ngày 14 tháng 7 là dịp tết giữa năm. Vì thế, ngay từ đầu tháng 7 âm lịch, khắp các bản làng người Dao nhà nào cũng gói bánh chưng như tết Nguyên Đán, con cháu cùng nhau sửa soạn mâm lễ cúng cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu có một cuộc sống an lành, mùa màng bội thu. 

Người Dao lấy ngày 14 âm lịch là ngày chính Rằm. Tuy nhiên, bà con người Dao Thanh Phán không chỉ ăn rằm vào ngày 14, mà bắt đầu từ đầu tháng đến hết ngày 14 tháng 7. Khi chọn được ngày tốt, bà con chuẩn bị các nghi thức cúng rằm ở “Tồm plieoz” người Dao gọi là nhà lớn tại nhà trưởng dòng họ. Rồi sau đó các nhà “Lìu” sẽ lần lượt chọn ngày cúng rằm cho gia đình mình.

Những ngày đầu tháng 7 âm lịch, các gia đình người Dao lại náo nhiệt bởi con cháu tụ họp đông đủ, cùng nhau sửa soạn để hoàn tất mâm lễ cúng rằm. Những lễ vật được gia chủ chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng làm lễ. Các chị em người Dao Thanh Phán thì tất bật chuẩn bị lá dong, gạo nếp ngon để gói những chiếc bánh chưng gù thơm ngon, một lễ vật không thể thiếu trong ngày rằm tháng bảy thành tâm kính dâng lên tổ tiên.

Với đồng bào, cúng Rằm tháng 7 rất có ý nghĩa, và là một trong nhiều nghi lễ quan trong không thể thiếu trọng đời sống văn hóa tâm linh. Anh Bàn Văn Hương, người Dao Thanh Phán ở thôn Khe Càn, xã Đồng Sơn, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh cho biết: "Dù đi đâu làm ăn xa nhưng hàng năm, cứ đến ngày Rằm tháng 7 là tôi cùng anh em, dòng họ lại trở về, tập trung ở nhà lớn. Bởi người Dao quan niệm ăn Rằm càng đông đủ con cháu, hàng xóm thì càng đông vui. Khi đến cúng rằm tại nhà lớn ai nấy đều vui vẻ mang theo lễ vật để góp thờ cúng tổ tiên chung. Đây là một nét đẹp văn hóa rất ý nghĩa với dân tộc dao Thanh Phán chúng tôi".

Theo ông Bàn Văn Sinh ở thôn Khe Lương, xã Kỳ Thượng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh: Mọi lễ vật trong lễ cúng quan trọng này là do các thành viên trong gia đình, dòng họ tự tay chuẩn bị để tỏ lòng tôn kính các vị thần linh và tưởng nhớ về công lao của tổ tiên những người đã khuất. Nhà nào có lợn thì mổ lợn, không có lợn thì mổ gà để cúng giỗ tổ tiên và các thần thánh.

Ông Sinh nói: "Để tổ chức lễ này, chúng tôi đã chuẩn bị kỳ công từ khá lâu, từ chăn nuôi, và chuẩn bị gạo nếp ngon. Sau đó chọn ngày đẹp đi mời ba thầy cúng cho ba mâm lễ. Ngày tổ chức lễ cúng rằm, mỗi người một việc, đàn ông sắp xếp các lễ vật lên mâm, lo cắt giấy bản, đàn bà chuẩn bị bếp núc, gói bánh gù. Gia đình, dòng họ ai nấy đều vui tươi. Đây là nét đẹp văn hóa chúng tôi không thể bỏ được".

Trong lễ cúng rằm, gia chủ sẽ chuẩn bị rượu, thịt, gạo nếp, bánh chưng, hương, giấy bản... Tại nhà trưởng dòng họ phải chuẩn bị nhiều con gà để làm lễ vật và không thể thiếu một con gà trống to để làm lễ cúng dâng tổ tiên. Đây là lễ cúng quan trọng nên gia chủ phải chuẩn bị chu đáo từ đồ cúng đến nghi thức mời ông bà tổ tiên và các vị thần linh. Trong lễ cúng này bắt buộc phải mời ba thầy cúng tương đương với ba ban bệ và mâm lễ khác nhau gồm: Mâm cúng thứ nhất là cúng “Plieoz miênz” - tức là cúng các vị thần linh; mâm cúng thứ hai là cúng “Ồng cố” - tức là cúng ông đầu bạc (là người thầy cúng lớn của dòng họ) trong mâm cúng này, lễ vật bắt buộc phải có là con gà trống; mâm cúng thứ ba là cúng “Chà phin miênz” - tức là cúng gia tiên.

Lễ cúng Rằm tháng 7 của người Dao Thanh Phán diễn ra trong khoảng hai đến ba giờ. Đồng bào quan niệm có sự tồn tại của cõi thiêng, nơi mà ở đó tổ tiên, thần linh vẫn đang dõi theo cuộc sống của con cháu. Vì vậy nội dung của lễ cúng chủ yếu là mời tổ tiên về ăn rằm cùng gia đình, để con cháu tỏ lòng biết ơn và mong tổ tiên và thần linh tiếp tục phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, mùa màng bội thu.

Thầy cúng Bàn Văn Hiện, người thực hiện lễ cúng rằm cho biết thêm: "Lễ cúng rằm tháng 7 là dịp để con cháu tìm về với cội nguồn, chiêu hồn, dâng lên tổ tiên, các vị thần linh những lễ vật và cầu mong tổ tiên tiếp tục phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, gia đình bản làng ấm no, hạnh phúc, cầu cho mùa màng tươi tốt, bội thu. Đây là một tục lệ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Dao Thanh Phán".

Cúng rằm tháng 7 được người Dao Thanh Phán Quảng Ninh gìn giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây cũng là dịp để con cháu, cộng đồng gặp gỡ, giao lưu sau vụ mùa vất vả, góp phần tạo sự đoàn kết trong gia đình và cộng đồng người Dao.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ảnh: Mâm cỗ gà bay lạ mắt cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh
Ảnh: Mâm cỗ gà bay lạ mắt cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

VOV.VN - Đã thành thông lệ, Rằm tháng Giêng, một số dòng họ ở xã Thạch Châu, xã Bình Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại làm mâm cúng với những thế "gà bay", "gà quỳ".

Ảnh: Mâm cỗ gà bay lạ mắt cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

Ảnh: Mâm cỗ gà bay lạ mắt cúng Rằm tháng Giêng ở Hà Tĩnh

VOV.VN - Đã thành thông lệ, Rằm tháng Giêng, một số dòng họ ở xã Thạch Châu, xã Bình Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại làm mâm cúng với những thế "gà bay", "gà quỳ".

Vì sao phải kiêng kỵ những điều này trong tháng bảy âm lịch?
Vì sao phải kiêng kỵ những điều này trong tháng bảy âm lịch?

VOV.VN - Những điều cần kiêng kỵ trong tháng cô hồn đều là những tín ngưỡng dân gian người dân hay chú trọng làm theo.

Vì sao phải kiêng kỵ những điều này trong tháng bảy âm lịch?

Vì sao phải kiêng kỵ những điều này trong tháng bảy âm lịch?

VOV.VN - Những điều cần kiêng kỵ trong tháng cô hồn đều là những tín ngưỡng dân gian người dân hay chú trọng làm theo.