Nét độc đáo trong lễ cưới hỏi của người Êđê
VOV.VN - Người Êđê theo chế độ mẫu hệ nên việc cưới hỏi thường do phụ nữ chủ động. Nhà gái chịu trách nhiệm về sính lễ, còn nhà trai có đặc quyền thách cưới. Cô gái sẽ cưới chú rể về chung nhà cha mẹ ruột, nhưng cô cũng có thời gian ở dâu bên nhà trai trước khi cưới. Đây là một trong những nét độc đáo trong phong tục cưới hỏi của người Êđê.
Một ngày cuối năm tiết trời đẹp, cà phê đã thu hoạch xong, việc nhà nông cũng đã vãn. Cha mẹ của cô dâu H Rin Bkrông ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột liền mời “ông cậu” trong dòng họ để tính chuyện sang nhà “sui gia” đón con gái và con rể về. Cách đây 3 năm, chị H Rin Bkrông đã ưng một chàng trai trong buôn nên đã nhờ “ông cậu” đứng ra đại diện để đi hỏi chồng. Sau khi nhà trai đồng ý hôn ước, hai bên gia đình đã thỏa thuận về việc chị H Rin sẽ ở dâu bên nhà trai trong vòng 3 năm. Bà H Yam Bkrông (aduôn Lian), ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, “ở dâu” chính là thời gian thử thách lòng chung thủy, nết na, chịu thương chịu khó của cô gái khi bước vào đời sống hôn nhân.
Bà H Yam Bkrông nói: "Khi một cô gái đến làm dâu thì phải thể hiện sự nết na, siêng năng, chẳng hạn như sáng phải dậy sớm đi lấy nước ở đầu nguồn, chuẩn bị bữa sáng cho cả gia đình trước khi đi làm,… Qua đó thì gia đình nhà chồng sẽ nhìn thấy được đó là người con dâu siêng năng, chịu khó, họ sẽ tin tưởng, yên tân hơn khi sau này con trai mình trở về ở rể bên nhà vợ".
Theo phong tục người Êđê, cô gái sẽ về nhà chồng làm dâu trong 2 – 3 năm, tùy theo sự thỏa thuận, thống nhất của hai gia đình. Tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình của nhà gái, tại lễ “ở dâu” phía nhà trai sẽ thách cưới, buộc nhà gái phải đáp ứng đủ những lễ vật theo yêu cầu để tỏ lòng biết ơn đối với công sức nuôi dưỡng, chăm sóc của cha mẹ chàng trai. Bà H Bluen Niê (aduôn Man Yô), ở buôn Tơng Jú cho biết, trong những lễ vật được thách cưới không thể thiếu vòng đồng, chăn đắp thổ cẩm, heo hoặc bò. Chàng trai càng có học thức, địa vị thì mức thách cưới càng cao. Tất nhiên, nhà trai có quyền thách cưới thì nhà gái cũng có quyền xin giảm bớt lễ vật tùy theo điều kiện thực tế của gia đình.
Bà H Bluen Niê chia sẻ: "Nhà chồng làm như vậy không phải để gây khó dễ mà vì muốn giúp cho con trai mình có địa vị, “mặt mũi” khi sang ở rể. Sau này khi đôi trẻ ra riêng thì vẫn có thể chăm lo, hỗ trợ công việc 2 bên gia đình, kể cả việc nhà bố mẹ chồng, bố mẹ vợ hay họ hàng 2 bên thì đều có thể hỗ trợ, giúp đỡ".
Sau thời gian ở dâu, nếu chàng trai đổi ý, không muốn lấy người đã “cầu hôn” mình thì phía nhà trai sẽ mời nhà gái đến nói lời từ chối. Trong thực tế, rất hiếm có trường hợp chàng trai đổi ý sau khi đã nhận lời cầu hôn của cô gái. Trong trường hợp đó, nhà trai sẽ phải đền bù gấp đôi số lễ vật đã yêu cầu nhà gái chuẩn bị, đồng thời phải làm thịt một con bò hoặc một con heo lớn để xin lỗi nhà gái. Còn nếu đã chấp thuận cô gái thì sẽ đồng ý cho nhà gái tiến hành lễ rước rể. Trong ngày rước rể, nhà trai sẽ chuẩn bị một ché rượu cần và một con heo để tiễn con trai của mình, còn nhà gái phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật mà nhà trai đã yêu cầu trong lễ “ở dâu”. Họ hàng nhà gái sẽ đến nhà trai để đón đôi vợ chồng trẻ về nhà cha mẹ vợ.
Trong quá trình di chuyển từ nhà trai về nhà gái, đoàn rước rể sẽ bị các tốp thanh niên là bạn bè, anh chị em nhà gái trêu chọc, chặn lại. Để vượt qua, đoàn rước rể phải có cách đối đáp hợp lý và tặng quà là chiếc vòng đồng để thể hiện sự quyết tâm, kiên định của chú rể trên chặng đường hôn nhân. Người Êđê quan niệm rằng, trên đường đi gặp nhiều thử thách, cản trở thì hôn nhân sẽ vượt qua được nhiều khó khăn.
Về đến nhà gái, 2 bên gia đình sẽ cùng ngồi lại nói chuyện, xác nhận lại ý kiến của đôi vợ chồng trẻ và gia đình 2 bên. Tiếp đó sẽ tiến hành các nghi thức lễ xin phép cha mẹ chồng, lễ công nhận cho 2 vợ chồng. Chiếc vòng đồng được đeo vào tay đôi vợ chồng trẻ với ý nhắc nhở sống thủy chung. Nếu ai trả lại vòng, thay lòng đổi dạ hay làm điều gì sai trái trong cuộc hôn nhân này sẽ phải bồi thường gấp đôi sính lễ thách cưới. Nghi lễ kết thúc khi hai bên gia đình, họ hàng đồng thuận việc đôi vợ chồng trẻ sẽ về nhà cha mẹ vợ và nhận được lời chúc mừng của anh em họ hàng. Sau khi các nghi thức kết thúc, đôi vợ chồng sẽ cùng nhau ăn bữa cơm đầu tiên tại nhà vợ.
Anh Y Quốc Niê, ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, “chú rể mới” trong ngày vui về nhà vợ chia sẻ: "Tôi được trải nghiệm nghi thức rước rể của người Êđê, cảm thấy những điều dặn dò của các bác rất ý nghĩa. Qua đó mình hiểu thêm về luật tục, cách nói và phong tục của mình. Đó cũng là nét đẹp cần lưu giữ cho thế hệ sau này để không mất phong tục, tập quán của đồng bào mình".
Xã hội ngày càng hiện đại, nhiều nét văn hóa mới được giao thoa, hiện nay nhiều gia đình người Êđê ở Đắk Lắk tổ chức lễ cưới hiện đại. Tuy nhiên, ở các buôn làng, nhiều nghi thức truyền thống trong lễ cưới hỏi vẫn được duy trì, thực hiện song song. Ông Y Bhiu Byă (aê H Jâo), ở buôn Tơng Jú, xã Ea Kao cho biết, ở các buôn làng ngày nay, tục cưới chồng và rước rể đã có một vài sự thay đổi để phù hợp với đời sống hiện đại.
Ông Y Bhiu Byă nói: "Phong tục này thì có từ lâu trước đây rồi, khi bàn chuyện cưới hỏi thì 2 bên gia đình đã thống nhất, đồng ý chuyện gửi dâu bên nhà chồng, theo lệ thì là 3 năm. Trong 3 năm này, cô gái sẽ sang nhà bố mẹ chồng làm dâu. Sau đó thì họ hàng nhà gái sẽ sang thực hiện các nghi thức để đón đôi vợ chồng trẻ về nhà vợ. Tuy nhiên ngày nay thì cũng không còn nhiều nữa, cũng có giao ước về việc gửi dâu trong 3 năm, nhưng thay vì sang làm dâu thì họ sẽ quy đổi, thỏa thuận thay bằng vàng, thường là đưa 3 chỉ vàng hoặc 2 chỉ vàng thay cho ở dâu 3 năm".
Dù đã có phần thay đổi so với truyền thống nhưng các nét văn hóa tốt đẹp trong phong tục cưới chồng, rước rể của người Êđê vẫn còn được duy trì thường xuyên ở các buôn làng. Qua đó góp phần gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.