Ngày càng nhiều người trẻ tìm đến với thư pháp truyền thống
VOV.VN - 15 năm qua, Nhân Mỹ học đường đã bồi dưỡng, đào tạo miễn phí cho hơn 2000 học viên về Hán Nôm và thư pháp truyền thống, trong đó có rất nhiều người trẻ.
15 năm nay, giữa thủ đô Hà Nội ồn ào, náo nhiệt, vẫn có một nơi âm thầm truyền dạy và lan tỏa kiến thức về Hán Nôm và thư pháp truyền thống. Đó là Nhân Mỹ học đường, nằm trong khuôn viên của chùa Nhân Mỹ, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Người khởi xướng, sáng lập và chủ trì giảng dạy là Đốc giáo- Cư sỹ Yên Sơn Lê Trung Kiên.
Ngày 14/11, Nhân Mỹ học đường kỷ niệm 15 năm thành lập, đánh dấu một chặng đường giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
15 năm qua, Nhân Mỹ học đường đã bồi dưỡng, đào tạo miễn phí cho 14 khóa học hệ 4 năm (mỗi khóa trung bình 120 học viên), 9 khóa học hệ 2 năm (mỗi khóa trung bình 35 học viên) và 1 khóa học hệ nâng cao (30 học viên) với khoảng 2000 học viên. Đáng mừng là nhiều người trong số đó, tuổi đời còn rất trẻ.
Năm 2010, Phùng Quang Vũ- khi đó đang là sinh viên trường Y đã tìm đến với Nhân Mỹ học đường thông qua lời giới thiệu của một người bạn. Kể từ đó, đều đặn thứ 7, chủ nhật hàng tuần, thay vì giải trí bằng những thú vui tiêu khiển, Vũ lại ôm sách đến học đường nghe các thày giảng về Hán Nôm và thư pháp truyền thống.
“Bản thân tôi rất yêu thích văn hóa truyền thống và mong muốn tìm hiểu những gì mà cha ông để lại. Thời gian đầu, những người trẻ tuổi như tôi rất ít. Lúc đó có khoảng 30 học viên và có khoảng 6-7 người trẻ. Cho đến năm 2015, số lượng học viên ngày càng đông lên và người trẻ cũng chiếm một tỷ lệ lớn. Sau khi tốt nghiệp hệ 4 năm, tôi tiếp tục giúp học đường 3 năm nữa trong công tác tuyển sinh và mỗi năm, có hàng trăm học viên đến theo học”
Vũ năm nay 32 tuổi, hiện là bác sĩ Đông y ở một bệnh viện thuộc quận Long Biên, Hà Nội. Biết chữ Hán Nôm để phục vụ cho công việc của mình nhưng ngay cả với những người làm một ngành nghề khác, không mấy liên quan cũng bị cuốn hút bởi nghệ thuật thư pháp truyền thống.
Nguyễn Thu Huyền - kế toán viên đang làm việc cho một công ty tư nhân ở Hà Nội chia sẻ: “Lúc đầu tôi đến với học đường vì tò mò nhưng càng học, tôi càng yêu thích. Học để hiểu biết, học để khám phá. Tôi đã học được gần 2 năm và rất thích đến các đình, đền, chùa đề tìm hiểu về chữ Hán cổ và chữ Hán Nôm. Dù là miễn phí nhưng các thày dạy rất nhiệt tình. Các bạn học viên, nhiều người thuộc thế hệ 9X”.
Có mặt từ những ngày đầu thành lập, Giảng sư Xuân Như Vũ Thanh Tùng, Chủ tịch Hội đồng điều hành Nhân Mỹ học đường cho biết, những người đến với cơ sở đào tạo này đủ mọi thành phần, đủ mọi lứa tuổi, từ già đến trẻ, đều có chung đam mê, muốn tìm về văn hóa truyền thống. Người cao tuổi nhất theo học ở đây là nguyên là Giám đốc Bệnh viện E. Năm nay ông 85 tuổi và là một Tiến sĩ Tây học.
“Còn lớp trẻ, chúng tôi rất mừng khi họ nhận thức ngày càng rõ hơn rằng, những giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam không tách rời ra khỏi chữ Hán, chữ Nôm. Nó đã gắn liền với dân tộc ta suốt hàng nghìn năm nay. Tất cả những tư liệu lịch sử, tư liệu văn hóa truyền thống đều gắn với chữ Hán Nôm. Tìm trong những nguồn đó để hiểu rõ hơn về dân tộc mình, ông cha mình, góp phần cùng với chúng tôi làm hoằng dương những giá trị đó”. Giảng sư Vũ Thanh Tùng cho hay.
15 năm qua, hơn 2000 học viên ở Nhân Mỹ học đường đã được tìm hiểu, thực hành và phát triển những kỹ năng, phục vụ việc duy trì, phát huy giá trị văn hóa qua các lớp dạy chữ Hán Nôm, thư pháp truyền thống, dịch thuật văn bản Hán Nôm, tổ chức khảo tả di văn Hán Nôm tại các di tích, biên soạn sách, câu đối, hoành phi, văn bia cho các di tích, tư vấn miễn phí về di sản văn hóa truyền thống dân tộc.
Hiện Nhân Mỹ học đường có 2 cơ sở đào tạo hoàn toàn miễn phí tại chùa Nhân Mỹ và chùa Mễ Trì Thượng, đều ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đối tượng đào tạo là tất cả những người quan tâm, yêu thích và tâm huyết với việc duy trì, bảo lưu, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
Hội chữ Xuân hằng năm ở Văn Miếu Quốc tử giám, các Giảng sư của Nhân Mỹ học đường đều được mời tham gia với tư cách Ban Giám khảo và các học viên ở đây luôn được giải cao trong các cuộc tuyển chọn người viết Thư pháp.
“Dạy thư pháp ở Hà Nội với tư cách cá nhân, nhỏ lẻ không phải là ít. Các câu lạc bộ thư pháp cũng nhiều nhưng tổ chức thành một học đường để giảng dạy, truyền đạt kiến thức như Nhân Mỹ học đường thì rất hiếm. Giáo trình chúng tôi tự soạn, không chỉ có giá trị với những môn sinh theo học mà còn có giá trị với tất cả những ai theo đuổi Hán Nôm hay thư pháp. Họ có thể tự học tập, tự nghiên cứu. Dù không có nguồn kinh phí, nhà chùa giúp cơ sở vật chất nhưng chúng tôi có chung niềm đam mê. Chúng tôi giao lưu, học hỏi lẫn nhau như một sân chơi văn hóa”- Giảng sư Vũ Thanh Tùng cho biết.
Dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, Nhân Mỹ học đường đã tổ chức trưng bày một triển lãm thư pháp Hán Nôm để tôn vinh truyền thống hiếu học và tôn sư trọng đạo. Đó là những sản phẩm được tuyển chọn của thày và trò học đường, có giá trị nghệ thuật, giá trị nội dung và giá trị thẩm mỹ cao. Triển lãm có chủ đề "Chí ư học" nghĩa là “Dốc chí vào việc học”./.