Ngày Xuân về bản tung còn cùng đồng bào Thái ở Tây Bắc
VOV.VN - Theo quan niệm của đồng bào Thái ở Tây Bắc, tung còn đầu Xuân là xua đi cái rủi, cái xấu của năm cũ và đón nhận may mắn, an lành năm mới, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.
Tung còn là trò chơi dân gian có từ xa xưa của đồng báo Thái, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Và ngày nay, trò chơi dân gian này còn trở thành một môn thể thao dân tộc được tổ chức tại các lễ hội xên bản, xên mường, lễ tết và nhiều ngày hội lớn của địa phương.
Theo quan niệm của đồng bào Thái, tung còn đầu Xuân là xua đi cái rủi, cái xấu của năm cũ và đón nhận may mắn, an lành năm mới, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Vì thế, cùng với việc chuẩn bị các nhu yếu phẩm cho ngày tết, chị em phụ nữ Thái ở các bản vùng cao Tây Bắc cũng chuẩn bị làm những quả còn xinh xắn để chơi vui trong mấy ngày tết.
"Thường thì đến ngày lễ, tết mới chơi còn. Năm hết tết đến bà con chơi còn với mong muốn năm mới làm ăn mới, đón cái mới làm ăn sẽ phát đạt", ông Lò Văn Lả, Nghệ nhân ưu tú ở thành phố Sơn La cho biết.
Trước Tết, chị em phụ nữ Thái chuẩn bị vải vụn đủ màu để làm còn. Chị em chọn 1 miếng vải dày, không co giãn, có thể là vải dệt từ thổ cẩm của đồng bào cắt vuông vắn rồi may các mép vải với nhau thành hình khối, sau đó để hở một góc để nhồi hạt vải bông vào. Khi cho hạt vải vào không nhồi căng quá cũng không lỏng quá, nhồi sao cho vừa tay để khi tung còn người bắt không bị đau tay, rồi khâu lại cho chắc. Đặc biệt, bà con làm quả còn thường cho vài hạt thóc, vài hạt muối lẫn với hạt vải bông nhồi trong quả còn với ước mong năm mới sẽ gặp nhiều điều may mắn.
Quả còn làm xong, bà con dùng miếng vải màu nẹp che các đường khâu của quả còn, vải vụn đủ sắc màu được cắt nhỏ, dài đều nhau đính vào 4 góc của quả còn. Sau đó chọn dây, có thể dùng dây bằng vải hoặc sợi vải chắc để làm dây còn, dây dài hay ngắn tuỳ thuộc vào sải tay của người dùng. Trên dây còn được đính vải rực sỡ sắc màu.
"Ngày xưa các cô gái thường thi nhau làm còn, làm còn đẹp, còn dễ tung, còn đẹp rực rỡ bởi sắc màu của quả còn, của các tua vải của dây còn. Làm còn vừa tay thì khi thi tung còn vào vòng tròn sẽ trúng đích hơn", Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Lả chia sẻ thêm.
Theo quan niệm của bà con, quả còn giống hình con rồng, con rồng thân vuông như quả còn, có đuôi dài đủ sắc màu như dây còn, bà con còn gọi là “luống cón” ý đẹp như con rồng. Khi còn được tung lên không trung gọi là “láng cón” là quả còn. Bà con thường nghĩ năm nào thấy rồng bay thì năm đó sẽ mưa thuận gió hoà, làm ăn phát đạt.
"Trước khi tổ chức chơi còn bà con mời ông mo đến tế cầu khấn và mời các vị thần linh trên trời, thổ công, thổ địa, thần mưa, thần gió...đến cùng chung vui tết với bà con dân bản. Và cầu mong cho dân bản mọi người đều khoẻ mạnh, bản mường được sống yên vui", bà Điêu Thị Xiêng, Nghệ nhân ưu tú ở bản Đêu, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái cho biết nghi lễ trước khi tổ chức chơi còn như vậy.
Để tổ chức chơi tung còn, bà con dựng 1 cây tre cao từ 10 - 15 mét giữa sân hoặc ruộng cạn. Trên ngọn cây tre làm một vòng tròn rộng 30 - 40 cm có dán bịt bằng giấy đỏ. Người nào tung còn lọt qua vòng tròn được gọi là thắng cuộc sẽ được thưởng bằng một phần quà.
Có 2 cách chơi tung còn. Cách chơi “cón sai” có nghĩa là “còn dây” thường chia ra thành 2 đội chơi, đội nam đứng 1 bên, đội nữ 1 bên và tung còn cho nhau, khi còn tung lên đối phương bắt không trúng hoặc làm rơi còn sẽ bị phạt. Cách chơi còn này thường dành cho các chàng trai, cô gái, nam thanh nữ tú. Đây cũng là dịp các đôi trai gái có dịp tìm hiểu và gửi quà cho nhau hò hẹn.
Còn cách chơi còn “cón xổm”, nghĩa là dây còn được cuộn vào quả còn và mọi người tung còn cho nhau theo vòng tròn rộng tuỳ theo người chơi ít hay nhiều với cầu mong mọi nhà được ấm no, hạnh phúc. Khi tung còn bà con thường hát “Khắm sài bản lống tọt xia lương, khắm sài mương lông tọt xia sảy” có ý nghĩa là cầu cho năm mới dồi dào sức khoẻ, cuộc sống an khang, thịnh vượng.
Còn khi đón lấy còn là hát “Hặp au ăn đì, ăn ngam ma chảu, hặp au ằn thảu ằn ké ma tồ” với ước muốn mọi người, mọi nhà có cuộc sống tốt lành. “Tung còn năm mới là đón lấy cái mới, cái hay, cũng như cây còn cao như vậy mà bà con mình vẫn tung trúng thì cuộc sống cũng như vậy. Mọi điều dù khó khăn chúng ta cũng sẽ làm được, bản mường yên vui, nhà nhà được ấm no hạnh phúc", bà Điêu Thị Xiêng cho biết thêm.
Đến nay trò chơi tung còn vẫn được đồng bào Thái gìn giữ, duy trì và tung còn không thể thiếu trong các dịp Tết đến, Xuân về, lễ hội vui bản vui mường. Đây cũng là nơi gặp gỡ giao lưu của đồng bào, làm gắn kết thêm tình làng nghĩa xóm, xây dựng cuộc sống ngày thêm no ấm./.