Chiến Thắng: Tại sao cơ quan chức năng không kiểm duyệt phim hài Tết?
VOV.VN -"Một bộ phim có sự tham gia của nhiều người, có họp báo, chứ có phải hạt cát nhỏ đâu mà cơ quan quản lý không biết" - Chiến Thắng chia sẻ.
Ban đầu, khi phóng viên VTC News liên hệ phỏng vấn diễn viên Chiến Thắng về những bộ phim hài Tết gây lùm xùm trong thời gian này, trong đó có cả những bộ phim do anh đóng, nam diễn viên chán nản, lắc từ chối. Tuy nhiên, khi trò chuyện, anh lại dốc lòng chia sẻ những bức xúc đang chất chứa trong lòng mà chưa thể giải tỏa được.
- Gần đây, một số bộ phim hài Tết nhận phải sự chỉ trích dữ dội từ phía công chúng và truyền thông, trong số đó có phim mà anh tham gia. Anh nói gì về điều này?
Tôi cảm thấy mình có lỗi với khán giả, với những người yêu mến tôi trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề mà chỉ người trong cuộc mới biết được.
Tôi nhận lời đóng phim này vì đạo diễn tha thiết mời và cũng là tình nghĩa của anh em trong nghề. Trong ngày quay phim, tôi lặn lội lái xe hàng mấy trăm cây số, từ Vĩnh Phúc lên Lai Châu.
Ngay tại đây quay, tôi mới được cầm kịch bản phim. Khi đọc qua, tôi có trao đổi lại với đạo diễn. Tôi bảo phim có những tình tiết, chi tiết không ổn đâu. Tuy nhiên, đạo diễn lại cứ bảo không sao đâu, chỉ có đoạn ngắn thôi. Hơn nữa, trong quá trình quay sẽ có điều chỉnh cho phù hợp.
Tính tôi lại cả nể. Cả đoàn làm phim hàng chục con người đã có mặt tại đó. Giờ nếu mình từ chối, họ sẽ phải xử trí thế nào? Mình bỏ ra về người ta lại nói mình chảnh.
Trong quá trình quay phim, cảm giác của tôi là rất chán nản. Mọi thứ diễn ra không theo ý của tôi.
Có những phim, tôi không đồng tình nhưng góp ý thì ê-kíp không nghe. Có những cảnh tôi đứng im. Ai muốn diễn ra sao thì kệ. Tôi không diễn nữa dù biết ở ngoài kia, đang có người nghiến răng chửi mình.
Khi hoàn thành xong những cảnh quay, nhiều người địa phương tới đoàn làm phim chơi. Các anh em cũng tổ chức ăn uống, mừng đóng máy nhưng tôi chỉ ăn nhoáng, ăn nhoàng rồi xin phép lái xe ra về. Trên đường đi, tôi dùng hết số cát-xê được trả mua đồ cho vợ con. Tôi không giữ lại gì trong người.
Thực sự, khi quay xong bộ phim này, tôi không có cảm giác sung sướng của một người nghệ sĩ mà chỉ thấy chán nản. Năm sau, tôi sẽ không tham gia vào những bộ phim như thế này nữa.
- Nhiều người nói, cát-xê đóng phim hài Tết của các diễn viên "khủng" lắm?
Tôi không biết những người khác thế nào chứ với tôi thì không có chuyện đó. Tôi đi đóng phim hài Tết đâu phải vì tiền đâu. Đi từ nhà lên địa điểm quay hàng mấy trăm cây số mà cát-xê có đáng là bao.
Có những đoàn làm phim tôi còn không lấy đồng nào. Tôi chơi rất quân tử. Tôi làm việc bao giờ cũng tính tới chuyện lâu dài và vì đam mê nữa.
Tôi ở tuổi này rồi, bao nhiêu năm làm việc trong nghề, tôi làm việc đâu chỉ vì tiền nữa. Tôi cũng mong muốn có những bộ phim hay, để lại dấu ấn trong lòng công chúng chứ không phải là những bộ phim ra mắt rồi bị khán giả xô vào chửi.
Tuy nhiên, tôi chỉ là diễn viên. Tôi nói điều này không phải để đổ lỗi nhưng quả thực, diễn viên không thể kiểm soát được chất lượng của toàn bộ bộ phim.
Có những cảnh tôi thấy nó dung tục, hở hang. Tôi không đóng. Đạo diễn đồng ý nhưng sau đó, họ lại sử dụng hình ảnh khác chèn vào ngay sau diễn xuất của tôi. Lúc làm phim, tôi đâu có biết. Chỉ tới khi phim ra mắt, người nhà mới hỏi: Tại sao lại nhận lời đóng những phim như thế? Lúc đó, tôi chỉ biết im lặng chứ nói được gì?
- Nói như vậy, anh không có biện pháp gì để bảo vệ hình ảnh của mình, để tránh việc xuất hiện trong những bộ phim mà chính bản thân anh cũng không mong muốn?
Những sự cố trong năm nay giúp tôi nhận được bài học sâu sắc. Từ năm sau, chắc chắn tôi sẽ không tham gia vào những bộ phim như thế. Tôi sẽ kỹ lưỡng hơn trong khâu chọn kịch bản và ê-kíp làm việc.
Một điều nữa, qua báo VTC News tôi cũng muốn gửi lời tới các cơ quan chức năng như Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Cục điện ảnh và các cơ quan quản lý khác rằng, các anh phải có chế tài gì trong việc quản lý các bộ phim hài Tết nói riêng và những sản phẩm văn hóa đăng trên mạng xã hội, Youtube. Tại sao không duyệt phim mà lại để các nhà làm phim tự ý đăng trên Youtube?
Chúng ta vẫn nói về những vấn đề cao siêu như an ninh mạng nhưng tại sao có việc nhỏ là duyệt những bộ phim trước khi nó được phát tán lên mạng lại không làm được? Tại sao để phim ra mắt rồi mới lên tiếng chỉ trích? Tại sao lại thả cửa, để mạnh ai nấy làm rồi xảy ra cơ sự mới ngồi lại bới móc.
Là diễn viên, tôi rất mệt mỏi với vấn đề này. Phải có kiểm duyệt để những nhà làm phim kém chất lượng mới không thể tồn tại. Một bộ phim có sự tham gia của hàng chục, hàng trăm con người, có họp báo, có ra mắt, có truyền thông chứ có phải hạt cát nhỏ đâu mà cơ quan quản lý không biết, không kiểm duyệt, không lên tiếng?
Tôi chỉ là một diễn viên. Tôi nhận trách nhiệm khi tham gia vào những bộ phim kém chất lượng nhưng thực sự, có rất nhiều khâu trong việc sản xuất phim mà tôi không thể kiểm soát được. Có những cảnh tôi bảo không được đâu và yêu cầu đạo diễn cắt nhưng họ không cắt thì tôi làm gì được họ?
Sự kiểm duyệt của cơ quan chức năng khiến tôi cũng như nhiều diễn viên khác sẽ an tâm hơn khi làm nghề.
Nếu cứ để tình trạng như hiện nay xảy ra, các bộ phim nhảm sẽ vẫn còn tiếp tục ra mắt và diễn viên chúng tôi sẽ không còn cảm giác muốn sáng tạo nữa.
- Theo anh, tại sao những bộ phim hài, đặc biệt là hài Tết gần đây lại có sự xuống cấp về chất lượng như thế?
Có một điều rất lạ là chỉ tới gần Tết những bộ phim hài Tết mới được thực hiện. Lúc đó kịch bản thì viết ẩu, đạo diễn vì làm vội, diễn viên thì mải đi từ hết đoàn làm phim này sang đoàn làm phim khác, nhiều khi không có thời gian mà sáng tạo.
Tại sao các nhà sản xuất phim hài Tết không làm từ trước Tết nhiều tháng đi, rồi đến đúng thời điểm thì bung ra. Làm như thế thì người làm phim mới có thời gian xem lại một cách tử tế, chỉnh sửa nghiêm túc trước khi giới thiệu với công chúng.
Chúng tôi là diễn viên, chúng tôi khao khát có những tác phẩm để khán giả, công chúng xem xong thì vỗ tay khen ngợi, tung hô chứ đâu có mong muốn làm ra những sản phẩm để bị chửi.
Cảm ơn anh với những chia sẻ trên./.