“Công chúa opera” Thảo Ly: Kéo giới trẻ đến với dòng nhạc bác học
VOV.VN - “Tôi muốn trở thành giảng viên để truyền tình yêu đến các em nhỏ và các bạn trẻ về dòng nhạc bác học này”, “công chúa opera” Thảo Ly chia sẻ.
Cái tên Nguyễn Đoàn Thảo Ly được công chúng yêu nhạc chú ý nhiều hơn sau khi cô xuất sắc vượt qua hàng chục thí sinh tham dự để giành giải Vàng Festival nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương.
Đoạt giải Vàng ngay lần đầu dự thi
Nguyễn Đoàn Thảo Ly (biệt danh “công chúa opera”) đang theo học khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. May mắn được sở hữu giọng nữ cao (soprano) là thuận lợi cho Thảo Ly khi quyết định theo đuổi dòng nhạc bác học opera.
Trước khi đến với opera, Thảo Ly thích nhạc quốc tế, nhạc trẻ nhưng rồi khi học ở Học viện Âm nhạc, dưới sự dìu dắt của TS. ca sĩ Phương Nga, càng học Thảo Ly càng yêu thích opera và cô thường ở trong nhóm sinh viên xuất sắc nhất của khoa Thanh nhạc. Với con mắt nhà nghề, TS. Phương Nga đã nhìn ra tố chất của Thảo Ly và hết lòng dìu dắt cô. Trong cuộc thi Festival nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Malaysia vào tháng 1/2018, Thảo Ly và Nguyễn Thế Việt được chọn là đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi.
Đam mê âm nhạc từ nhỏ, Thảo Ly thích múa hát và thường tham gia các CLB về âm nhạc. |
Dưới sự tư vấn của cô giáo, Thảo Ly đã chọn bản opera kinh điển Aria Mein Herr Marquis nằm trong vở opera Die Fledermaus (Con Dơi) để trình diễn tại cuộc thi. Vượt qua hàng chục thí sinh đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore..., Thảo Ly đã giành giải Vàng chung cuộc. “Sang Malaysia, tôi thấy choáng ngợp trước quy mô của cuộc thi, với sự tham gia của đông đảo thí sinh, trong đó không ít thí sinh đến từ các nước có dòng nhạc opera phát triển, trong khi đó tại Việt Nam, dòng nhạc opera chưa được chú ý nhiều. Tôi đã rất lo lắng. Tuy nhiên, được sự động viên của cô giáo, tôi đã lấy lại tâm thế và phát huy lợi thế là có chất giọng hơi khác với mọi người và là thí sinh trẻ tuổi tại cuộc thi” - Thảo Ly chia sẻ.
Bỏ học kinh tế để theo đuổi âm nhạc
Đam mê âm nhạc từ nhỏ, Thảo Ly thích múa hát và thường tham gia các CLB về âm nhạc. Tưởng là con chỉ ham hát hò khi còn nhỏ, nhưng thấy con càng lớn càng đam mê, bố mẹ Thảo Ly đã ngăn cản vì không muốn con gái theo học nghệ thuật vất vả. Tốt nghiệp cấp III, nghe theo lời bố mẹ, Thảo Ly thi vào ngành kinh tế. Tuy nhiên, càng học Thảo Ly càng thấy ngành học đó không dành cho cô. Cô luôn buồn bã và nhận ra rằng mình đã sai khi không dám dũng cảm để thực hiện đam mê.
“Phải giấu kín con người thật của mình, tôi rất buồn.Nhớ hồi học cấp III, mỗi lần xem các bạn biểu diễn văn nghệ ở trường mà mình phải ngồi dưới không được tham gia, tôi thấy bứt rứt lắm. Học đại học cũng vậy, tôi cứ sống thu mình. Tôi tự nhủ chẳng lẽ mình cứ phải sống như thế này mãi sao, suốt đời phải gắn bó với công việc mà mình không thích. Suy nghĩ mãi, tôi quyết định bỏ học giữa chừng, đặt bố mẹ vào việc đã rồi. Bố mẹ cũng sốc khi thấy tôi quyết định như vậy. Nhưng rồi bố mẹ cũng chịu “nhún”, cho phép tôi thi vào một trường nghệ thuật. May mắn là tôi thi lần đầu đã đỗ vào khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia” - Thảo Ly nhớ lại.
Từ khi được chính thức theo đuổi con đường âm nhạc, Thảo Ly như tìm lại được con người của chính mình. Cô thấy vui vẻ, yêu đời và hăng say học tập. “Ngày nào tôi cũng luyện thanh, tập bài hay phá bài mới. Tôi luôn lắng nghe những lời chỉ dạy của các anh chị đi trước, của thầy cô để biết mình đang thiếu sót những gì để hoàn thiện. Những lỗi còn mắc phải chưa sửa được, tôi luôn day dứt trong lòng, tìm mọi cách để sửa. Tôi cũng để ý học những cái hay của người khác” - Thảo Ly chia sẻ.
Nhận thấy dòng nhạc opera hơi khó nghe với các bạn trẻ, Thảo Ly để tâm tìm hiểu về nhạc trẻ, về giới trẻ để biết các bạn trẻ đang thích nghe cái gì. Thảo Ly ấp ủ dự định làm ra những sản phẩm âm nhạc tiếp cận với các bạn trẻ, có sự kết hợp giữa opera và những dòng nhạc đang thịnh hành bây giờ. Trước mắt, Thảo Ly và những người bạn cũng đã thử làm những talk show nói chuyện về những vấn đề của âm nhạc, phát trên youtube và được khá nhiều bạn trẻ quan tâm. “Điều đó cho thấy rằng, nếu mình biết cách làm sẽ kéo được giới trẻ đến với dòng nhạc bác học” - Thảo Ly nhận xét.
Còn mục tiêu học tập của Thảo Ly là tốt nghiệp sẽ được giữ lại trường làm giảng viên./.