Nghệ sĩ Văn Vượng: Học Đại tướng để sống tốt
VOV.VN - Với Văn Vượng, kỷ niệm gặp gỡ với Đại tướng luôn in đậm trong tâm trí, để ông vượt lên những khó khăn, cống hiến cho cuộc đời.
Nghệ sĩ Văn Vượng: Khi tôi nghe Đài TNVN phát tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi xa, tôi không tin ở tai của mình. Tôi cảm thấy xúc động lắm, như trong nhà tôi có một người đi vắng, như trong họ hàng nhà tôi có một người đi xa. Tôi không tin ở tai mình nhưng sự thực là bác Võ Nguyên Giáp đã đi xa. Tôi gọi là “bác” vì tôi đã có 2 lần gặp gỡ Đại tướng.
Nghệ sĩ guitar Văn Vượng |
PV: Nghệ sĩ có thể kể lại kỷ niệm của 2 lần gặp gỡ đó?
Nghệ sĩ Văn Vượng: Từ năm 1954 cho đến bây giờ, mỗi khi tôi đi diễn, nhất là cho các đơn vị quân đội thì đều diễn bài "Hò kéo pháo" của nhạc sĩ Hoàng Vân. Khi chơi bài đó, hát bài đó, tôi cảm thấy vô cùng xúc động và cảm phục, yêu quí Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trên Trái đất này, có lẽ không thể tìm thấy một Võ Nguyên Giáp thứ hai. Theo tôi biết, bác không học qua trường lớp nào học về quân sự mà có thể nghĩ ra các kế hoạch tài tình, lãnh đạo nhân dân ta đến thắng lợi huy hoàng.
Vì thế, tôi tự nhủ mình phải đến thăm nhân tài đặc biệt của dân tộc. Dù băn khoăn không biết Đại tướng có tiếp mình không nhưng tôi vẫn quyết tâm đến.
Lần đầu tiên tôi đến thăm Đại tướng là ngày 7/5/1998, ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ tại ngôi nhà 30 Hoàng Diệu. Tôi gõ cửa sắt, một đồng chí cảnh vệ nói Đại tướng bận lắm. Tôi bảo "Tôi rất muốn gặp Đại tướng. Khi hát bài "Hò kéo pháo” thì tôi có cảm xúc đặc biệt với Đại tướng, với những người chiến sĩ đặc biệt, mà vẫn gọi là "Bộ đội cụ Hồ". Phải có một lòng căm thù giặc như thế nào thì mới có thể kéo nổi khẩu pháo nặng nề như thế. Ngày xưa làm gì có máy tời hay các thiết bị, quả núi cao như thế mà chỉ kéo trong một đêm đã lên. Tôi xúc động vô cùng mỗi khi thể hiện ca khúc".
Rồi cuối cùng, tôi cũng được phép vào gặp Đại tướng. Sân nhà Đại tướng rộng và thoáng mát lắm. Tôi không nghĩ rằng Đại tướng bình dân đến thế. Cụ đi từ trong buồng ra, ngồi bên trái tôi trên chiếc ghế rất giản dị. Tôi tặng bác một đĩa nhạc có thu âm những ca khúc kháng chiến, trong đó có bài "Hò kéo pháo" của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Thế là bác cám ơn rồi ôm tôi tình cảm lắm. Bác nói tiếng Quảng Bình tôi chưa quen nghe, có câu hiểu câu không hiểu. Nhưng khi tôi hỏi lại thì bác nói lại rất ân cần. Bác nói "Đừng phải vất vả đi nữa, tôi biết tiếng tăm của Văn Vượng nhiều trên Đài phát thanh, hôm nay đã gặp thì chúc Văn Vượng hãy làm nhiều điều có ích cho đời". Tôi cũng hứa với bác sẽ làm hết sức mình những gì tôi có thể làm được.
Một ngày khác, chị Kim Ngọc rủ tôi đến tham dự sinh nhật của Đại tướng. Hôm đó thì đông quá, người Quảng Bình ra rất đông và rất nhiều nơi khác đến chúc mừng bác Giáp. Tôi đã biểu diễn nhiều bài, cả anh Trần Hiếu cũng hát.
PV: Là một nghệ sĩ, ông thấy học hỏi được từ Đại tướng những đức tính quí giá nào?
Nghệ sĩ Văn Vượng: Tôi thấy điều đáng học tập ở Đại tướng là rất bình dân. Là Đại tướng nhưng tôi thấy ông như một người bạn, một người thân thương với mình trong gia đình. Điều mà tôi học tập nữa là bác rất thẳng thắn.
PV: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là huyền thoại của Việt Nam, một trong những danh tướng vĩ đại của thế giới. Vậy theo ông, lớp trẻ có thể học hỏi được điều gì từ đại tướng?
Nghệ sĩ Văn Vượng: Tôi thấy điều gì trong con người của Đại tướng cũng cần học. Có nghĩa là, chúng ta dù ở vị trí nào thì cũng cần nỗ lực để đóng góp tốt nhất sức lực nhỏ bé của mình cho đất nước, để xây dựng đất ngày càng phồn vinh.
PV: Xin cảm ơn nghệ sĩ Văn Vượng./.
Nghệ sĩ Văn Vượng năm nay 71 tuổi. Ông sinh đúng ngày 10/10 và là một người gắn bó với Hà Nội. Dù bị bệnh đậu mùa cướp đi đôi mắt từ năm lên 4 tuổi nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, với lòng yêu đời và yêu người sâu đậm, ông đã thật sự thành danh với tư cách một nghệ sĩ guitar dân gian gắn bó với Hà Nội.
Hơn 40 năm nay, ông đã phục vụ công chúng của Thủ đô và cả nước trên 8.000 buổi biểu diễn, thu 13 đĩa CD các tác phẩm chọn lọc. Ông vinh dự được trao Giải thưởng Lớn của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội năm 2012./.