Người viết nhiều concerto nhất Việt Nam qua đời
GS.TS-NSND Quang Hải qua đời ngày 3/11 sau thời gian khá dài điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM.
1. GS Quang Hải tên thật là Huỳnh Tấn Sĩ, sinh năm 1935 tại xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông là một nhà sư phạm âm nhạc, nhà chỉ huy biểu diễn và là nhà soạn nhạc giao hưởng, đặc biệt là việc kết hợp dàn nhạc giao hưởng với nhạc cụ dân tộc.
Ông có thời gian dài học tập ở Nhạc viện Leningrad (Nga) từ 1956 đến 1968. Năm 1963 tốt nghiệp đại học Chỉ huy giao hưởng và nhạc kịch; năm 1968 tốt nghiệp nghiên cứu sinh Chỉ huy dàn nhạc và đạt học vị tiến sĩ Lý luận âm nhạc. Từ 1970 đến 1975 ông là Giám đốc nhà hát Giao hưởng Hợp xướng Nhạc vũ kịch Việt Nam tại Hà Nội và từ 1975 đến 1997 là Giám đốc Nhạc viện TP.HCM.
NSND Quang Hải |
Cuộc đời ông có nhiều cái “đầu tiên” đáng nói: ông là một trong ba nhà chỉ huy đầu tiên của Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài (cùng với NSND Trọng Bằng và NSND Trần Quý); người đầu tiên và duy nhất (cho đến nay) của Việt Nam được mời chỉ huy Dàn nhạc giao hưởng Công huân nước Nga; người khởi xướng và tổ chức đào tạo tiến sĩ âm nhạc đầu tiên ở Việt Nam. Đặc biệt, nếu GS Nguyễn Văn Nam - người cùng quê Tiền Giang - được xem là người viết nhiều bản giao hưởng nhất thì GS Quang Hải là người viết nhiều concerto nhất (7 concerto gồm: 2 cho piano, 2 cho đàn tranh, 1 cho đàn kìm, 1 cho t’rưng và 1 cho sáo trúc). Ngoài ra ông là người Việt Nam thứ hai lấy bằng tiến sĩ nghệ thuật ở nước ngoài (người đầu tiên là GS Trần Văn Khê).
Ông đã chọn 2 thể loại concerto và biến tấu (variation) viết cho nhạc cụ dân tộc độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng. Thể loại mà ở đó nhạc cụ dân tộc độc tấu có điều kiện thể hiện tất cả những tố chất, khả năng của mình để thi thố cùng dàn nhạc giao hưởng như các nhạc cụ violin, piano, clarinet… của phương Tây.
Ở lĩnh vực này ông là người nắm giữ kỷ lục với hơn 10 tác phẩm và được Vietbook công nhận vào năm 2007 là “Người có tác phẩm độc tấu nhạc khí dân tộc hòa với dàn nhạc giao hưởng (concerto, variation) nhiều nhất Việt Nam”.
Ngoài việc dùng chất liệu và điệu thức dân gian để xây dựng chủ đề âm nhạc, ông đã thử nghiệm xây dựng chủ đề bằng cách “nhạc hóa” thanh điệu tiếng Việt từ tựa đề của tác phẩm. Với cách làm này, những giai điệu âm nhạc của ông tuy không mang tính chất dân gian nhưng rất gần gũi, dễ cảm và rất Việt Nam./.
Chùm tác phẩm gồm: 2 concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng Đất và hoa và Quê tôi giải phóng; Concerto piano số 1 cho đàn piano và dàn nhạc giao hưởng; Concerto cho đàn kìm và dàn nhạc giao hưởng Bình minh và Fantasia số 1 cho piano trên chủ đề Lý tầm xuân đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2001).