Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Cái sướng của nghề là chạm đến cảm xúc khán giả

VOV.VN - Nói như nhà văn Nguyễn Quang Vinh, mục tiêu của ông là hướng đến sự hứng thú của khán giả chứ không phải chỉ làm cho mình "sướng".

Khán, thính giả của Đài Tiếng nói Việt Nam thời gian qua đã rất ấn tượng với các chương trình phối hợp thực hiện giữa Đài Tiếng nói Việt Nam và Nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Vinh. Khán giả thực sự xúc động với chương trình Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ (nói về những nữ anh hùng tại di tích Hang Tám Cô) và tâm trạng thăng hoa khi thưởng thức Âm vọng sông Hương tại festival Huế 2018.  

Ít ai biết, người đứng ra dàn dựng những chương trình tầm cỡ này là một người “tay ngang”, chưa từng qua lớp đào tạo nào về văn chương, biên kịch hay đạo diễn. Nói như nhà văn Nguyễn Quang Vinh, tình yêu nghệ thuật, sự say mê học hỏi từ những lớp đàn anh đi trước là điều giúp ông dám “liều lĩnh” đứng ra nhận lấy trách nhiệm, đổ công sức cho những đứa con tinh thần của mình có thể chạm đến cảm xúc của khán giả.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã trải lòng về những trăn trở khi gánh vác trách nhiệm thực hiện những chương trình tầm vóc như vậy.

PV: Thưa nhà văn, được biết khi nhận lời viết kịch bản, dàn dựng các chương trình Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ và Âm vọng sông Hương, trong tay ông không hề có một đội ngũ chuyên nghiệp nào hỗ trợ, đó có phải là một sự “liều lĩnh” không?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Không có đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp, không thể làm hay được. Tôi đã đi tìm những cộng sự đã vững vàng trong tổ chức sản xuất sự kiện lớn, những người có tay nghề chuyên môn vững để hỗ trợ. Nhưng tôi cũng không bỏ qua những cộng sự trẻ, họ biết nghề, chưa giỏi nghề nhưng có khát vọng, có sự sáng tạo và tư duy mới mẻ. Chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc kỹ lưỡng đến từng chi tiết từ phân đoạn dàn dựng, bối cảnh, đến từng giai điệu âm nhạc, chọn lọc âm thanh tiếng động.

Nếu gọi là liều lĩnh thì chính tôi mới liều lĩnh, vì tôi chưa qua lớp đào tạo nào về văn chương, biên kịch, đạo diễn. Nhưng tôi yêu nghề này, tôi yêu nghệ thuật, tôi học ở lớp đàn anh của tôi trong nghề, tôi học ở các tác phẩm nghệ thuật bạn nghề đã làm, nhưng tôi học nhiều nhất lại từ những tác phẩm, chương trình không mấy hay. Từ đó, tôi tìm ra nguyên nhân, vì sao khán giả đang có vẻ nhàm chán với nhiều sự kiện nghệ thuật, để kết cấu lại bố cục một sự kiện, kết cấu lại bố cục kịch bản... Lúc đó, tôi hướng đến sự hứng thú của khán giả chứ không phải làm cho xong việc, không phải chỉ làm cho mình "sướng". Cái "sướng" trong nghề của chúng tôi là đặt trong cảm xúc khán giả.

Trong suốt thời gian đó, tôi đã lôi kéo, lăn lộn với họ, thậm chí... cãi vã với họ rồi lại an ủi, động viên nhau. Cả ekip chúng tôi hăng say làm việc, bàn bạc, thảo luận, khích lệ nhau cho tới phút cuối cùng.

Khi cùng thảo luận về nội dung, chính Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ đã khuyến khích tôi, đặt vào tay tôi trọn vẹn niềm tin, niềm tin bạn bè, niềm tin nghề nghiệp. Đến giờ, tôi vẫn không quên câu nói của Tổng giám đốc Nguyễn Thế Kỷ: "Bao nhiêu năm chúng ta lăn lộn với nghề, tuổi này rồi, chúng ta đã làm là phải khác, phải mới, phải hay, phải tận tâm, tận hiến", và tôi cùng ekip đã làm được như vậy.

PV: Đã có lần ông chia sẻ, mỗi khi được giao một kịch bản lớn, đa phần các nghệ sĩ cùng làm với ông theo kiểu “tình thân mến thân” mà không đòi hỏi quá nhiều về vật chất. Đó có phải là cách làm bền vững không?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: "Tình thân mến thân" là dù các bạn rất bận, nhưng khi tôi gọi các bạn ấy cũng cố gắng thu xếp để theo chương trình tôi làm.

Có hai lý do các bạn nghệ sĩ muốn làm việc với tôi. Thứ nhất, là chương trình bao giờ cũng mới, góc nhìn mới, cách dựng mới, câu chuyện được kể ở phương pháp mới, hấp dẫn, cảm xúc, chân thực. Thứ hai, là các bạn được tiếp cận một cách dàn dựng rất nhanh, rất hiệu quả, tôi không làm chương trình nào dàn dựng quá 10 ngày. Đó không phải là nôn nóng, vội vã, mà đó là cách tôi cuốn diễn viên, nghệ sĩ của tôi vào không khí chương trình. Làm việc với áp lực như thế dù mệt mỏi, căng thẳng nhưng tạo động lực làm việc cho từng cá nhân.

Về vật chất, không ai ra giá ra cát-xê với tôi, nhưng tôi tự hào là không để ai thiệt thòi. Tôi luôn bảo đảm nơi ăn chốn ở cho nghệ sĩ tử tế và mức thù lao phù hợp, dù có những chương trình thu nhập cá nhân đôi khi chỉ ở con số... không.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh trực tiếp chỉ đạo êkip tập luyện.

PV: Khi đảm đương các chương trình hoành tráng, tầm cỡ như vậy, bản thân ông có áp lực gì không?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Không ai đưa tới áp lưc cho tôi hết, ngay như Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ cũng không có áp lực gì ngoài cái bắt tay ấm áp và thỉnh thoảng nhắn tin gọi hỏi thăm, động viên.

Chỉ có cá nhân tôi luôn tự gây áp lực cho minh. Kịch bản chương trình viết rồi, xoá… cho tới khi cảm thấy thực sự ưng ý, tôi mới chịu làm phân cảnh. Áp lực lớn nhất mà nghệ sĩ nào cũng có là mong muốn chương trình sau phải hay hơn chương trình trước về mọi mặt. Và may mắn, tôi luôn làm được như vậy dù tất nhiên là phải thức trắng nhiều đêm. Ngay cả khi ra tại hiện trường, dàn dựng rồi, tôi vẫn phải cùng ekip vật lộn tìm kiếm thêm cái mới, cái hay, không chịu dừng lại.

Tôi vẫn nói với anh em rằng, chúng ta phải biết quý trọng thời gian của khán giả, nên khi họ tới xem trực tiếp hay ngồi trước màn hình, họ phải thấy rằng họ đang được chúng ta cống hiến một chương trình tử tế, đáng xem, đáng bỏ thời gian để thưởng thức.

Chương trình 90 phút hay 2 giờ, thì 1 giây hình thôi cũng phải chăm sóc kỹ càng, nâng niu và cẩn trọng. Tôi có một thuận lợi rất quan trọng là tự viết kịch bản, tự dàn dựng nên khi cần điều chỉnh, tôi có thể thực hiện ngay được.

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh (bên phải).

PV: Là người thường xuyên theo dõi các cập nhật của ông về các chương trình, gần đây nhất là Âm vọng sông Hương trên mạng xã hội, tôi phần nào hiểu được sự vất vả, lăn lộn với nghề của các nghệ sĩ. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Làm chương trình nghệ thuật lớn rất gian khổ, nhất là làm chương trình ngoài trời. Chúng tôi phải đối phó với nhiều khó khăn. Chẳng hạn chương trình Âm vọng sông Hương tại Festival Huế 2018, chúng tôi mất ăn mất ngủ cả tháng trời để nghĩ ngợi, tìm kiếm phương án tối ưu, nhằm xây dựng một sân khấu trên sông Hương bảo đảm lung linh nhất và chắc chắn nhất.

Điều tôi lo sợ nhất là mức thuỷ triều thất thường, làm thế nào để ngày biểu diễn, mực nước trên bề mặt sân khấu chỉ có thể là 20 cm, cao hơn cũng khó khăn mà hụt đi càng thất bại. Tôi đã phải chuẩn bị các phương án dự phòng trong trường hợp hôm biểu diễn thuỷ triều lên quá cao hoặc xuống quá thấp. Ngoài những thông tin thuỷ văn nhiều năm, chúng tôi còn phải hỏi những người dân sinh sống trên sông Hương, để tính toán một mức sân khấu phù hợp. May mắn, khi trình diễn, mực nước đúng như yêu cầu.

Nhiều buổi tập anh em nghệ sĩ và ekip rất mệt mỏi, nắng, khát, căng thẳng về thời gian tập ngắn ngày (ngắn ngày mới đủ chi phí). Nhưng rất may, tôi có một ekip hết lòng và luôn thuận lợi.

PV: Khi các chương trình, các sân khấu lớn ngày càng chuyên nghiệp hóa, ông có nghĩ đến việc phải xây dựng cho mình một thương hiệu để khi nhắc đến chương trình đó thì tên tuổi của các êkip làm việc cũng được mọi người nhớ đến?

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh: Cách đây ít ngày, tôi đã có công ty truyền thông riêng của mình, Công ty truyền thông Cát Trắng. Tôi cho rằng việc phải có công ty của chính mình lúc này là phù hợp, nó đáp ứng được kịp thời các thủ tục hành chính, hỗ trợ thực sự khi chúng tôi liên tục bắt tay vào làm các chương trình mới.

Tôi luôn mong muốn và cùng ekip quyết tâm sẽ mang tên công ty truyền thông đồng hành làm ra nhiều chương trình hay. Tôi đặt tên công ty truyền thông của mình là Cát Trắng cũng là để nhắc mình rằng, làm chương trình ở Quảng Bình hay ở bất cứ vùng đất nào cũng phải cho quê hương tự hào, tôi luôn mang ơn vùng đất cát trắng Quảng Bình của tôi, ở đó cho tôi cảm xúc, cho tôi bước đi, cho tôi gian khó, cho tôi thử thách, cho tôi thành người./.

Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ“
Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ“

VOV.VN -Chương trình khắc họa chân dung những thanh niên xung phong khao khát yêu đương, khao khát sống và sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.  

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ“

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ“

VOV.VN -Chương trình khắc họa chân dung những thanh niên xung phong khao khát yêu đương, khao khát sống và sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc.  

Dư âm “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ“
Dư âm “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ“

VOV.VN - Chương trình "Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ" đã chạm tới trái tim của mọi người đến tham dự và khán giả xem truyền hình. 

Dư âm “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ“

Dư âm “Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ“

VOV.VN - Chương trình "Tiếng chuông gọi hồn trinh nữ" đã chạm tới trái tim của mọi người đến tham dự và khán giả xem truyền hình.