Nhạc sĩ “Nghe câu quan họ trên cao nguyên” giành giải thưởng Nhà nước
VOV.VN - Nhạc sĩ Vũ Thiết vừa được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt 5 - năm 2016.
Nhạc sĩ Vũ Thiết có vẻ bề ngoài xù xì, cổ kính. Bởi vậy, khi biết ông là tác giả của những ca khúc đầy chất trữ tình, lãng mạn như Nghe câu quan họ trên cao nguyên hay Khúc tráng ca biển, người viết đã rất ngạc nhiên.
Nhạc sĩ Vũ Thiết, nguyên là Biên tập viên của Hệ Âm nhạc – Thông tin – Giải trí (VOV3) của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là tác giả của nhiều ca khúc viết về biển đảo quê hương như Khúc tráng ca biển, Nghe câu quan họ trên cao nguyên, Lời sóng hát, Tiếng hát bên dòng sông Trà,...
Nhạc sĩ Vũ Thiết |
Ông có duyên với nhiều giải thưởng. Nhưng như ông nói, đó là cái duyên trời cho. Khi viết ca khúc, ông không đặt nặng giải thưởng, mà viết để thỏa mãn "cái tôi" nghệ sĩ, để chạm đến tận cùng cảm xúc.
Chia sẻ về bài hát Khúc tráng ca biển, nhạc sĩ Vũ Thiết cho biết ca khúc đạt được ba giải thưởng: Giải cao nhất do Hội Nhạc sĩ Việt Nam kết hợp với báo Vietnamnet trao tặng trong Cuộc thi Sáng tác tác phẩm thơ, ca khúc mang chủ đề “Đây biển Việt Nam” năm 2012; Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012, Giải thưởng Văn học nghệ thuật báo chí 5 năm của Bộ Quốc phòng năm 2015.
Bài hát được phổ nhạc từ bài thơ “Mộ gió” của tác giả Trịnh Công Lộc. Theo nhạc sĩ Vũ Thiết, “Mộ gió” là mộ tượng trưng theo nghi lễ chiêu hồn những chiến binh từ thời Nhà Nguyễn cho tới nay đã hy sinh bảo vệ tổ quốc biển, đảo tổ quốc không trở về.
Ông cho biết thêm, từ thời chúa Nguyễn Phúc Lan cho đến sau này các vua nhà Nguyễn đã tổ chức những hải đội ra bảo vệ trấn giữ quần đảo Hoàng Sa. Họ đã hy sinh nằm lại nơi biển đảo mãi mãi không về. Rồi những năm 70 của thế kỷ trước, biết bao người lính ra giữ đảo. Họ đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình cho biển đảo quê hương. Theo tục lệ từ xưa, người dân Lý Sơn làm những ngôi mộ gió và tổ chức lễ chiêu hồn cầu an cho những linh hồn nằm lại nơi biển cả giữ gìn lãnh hải Tổ quốc. Hướng về những người lính đã quên mình vì chủ quyền biển đảo quê hương, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã viết lên bài thơ "Mộ gió" đầy cảm xúc.
Công bố 10 tác giả được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016
"Mộ gió" như ẩn chứa sự đớn đau và cảm phục, tôn vinh những người con đã hy sinh nơi đầu sóng ngọn gió cho biển - đảo quê hương. Với một cấu trúc chặt chẽ, bài thơ bộc lộ một cảm xúc mạnh mẽ dâng trào, dồn lên như những đợt sóng vô cùng vô tận. Bài thơ có ba khổ viết theo thể tự do, nhiều câu thơ được tổ chức theo lối leo thang, bắc cầu tạo nên nhịp nhấn cho cảm xúc.
Khi phổ nhạc, ông đặt tên bài hát là Khúc tráng ca biển, thay đổi một số từ cho phù hợp với âm nhạc.
Nghe câu quan họ trên cao nguyên, ca khúc trong chùm tác phẩm đạt giải thưởng Nhà nước của nhạc sĩ Vũ Thiết, được sáng tác năm 1982, trong dịp tỉnh Đắc Lắc mở trại viết bồi dưỡng cho những người thích sáng tác. Thời điểm đó, ông vô tình đọc được bài thơ của tác giả Hữu Chỉnh. Toàn bộ bài thơ rất dài, trong đó có câu Nghe câu quan họ trên cao nguyên. Một ý thơ đẹp và ngay lập tức tạo cho ông nhiều cảm xúc. Và bài hát được mượn duy nhất một câu thơ đó.
Sau này, nghệ sĩ Quỳnh Liên là người thể hiện đầu tiên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đông đảo thính giả biết đến.
Sững sờ khi cố NSND Đinh Ngọc Liên trượt giải thưởng Hồ Chí Minh
Bài Tiếng hát bên dòng sông Trà được ông viết về dòng sông quê hương ở Thái Bình.
Lời sóng hát là ca khúc viết về biển Nha Trang, nhân một chuyến ông tham gia trại sáng tác về chủ đề biển đảo.
Nhạc sĩ Vũ Thiết cho rằng, đứng trước biển, người nhạc sĩ nào cũng dâng trào cảm xúc. Nhưng mỗi một người có một cách riêng để bày tỏ lòng mình.
Sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Vũ Thiết khởi đầu bằng những năm tháng ông gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Khi đó, ông là diễn viên nhạc công của Đoàn văn công tỉnh Đắc Lắc. Và cũng tại đây, ông đã có một tình bạn đẹp với cố NSND Y Moan.
“Tôi và nghệ sĩ Y Moan từng chứng kiến tuổi trẻ và những năm tháng gian khó của nhau. Với tôi, Y Moan là một biểu tượng của âm nhạc Tây Nguyên. Ông ấy là thần tượng của người dân ở mảnh đất này. Những sáng tác về Tây Nguyên, chỉ có giọng hát của Y Moan mới có thể chuyển tải hết được. Hồi đó, chúng tôi hay đi biểu diễn nhưng không phải trên những sân khấu hoành tráng mà ở những nơi vô cùng giản dị. Cứ mỗi lần Y Moan biểu diễn xong là đồng bào lại mời rượu. Càng uống nhiều càng hát hay. Giọng ca sang sảng của ông làm bừng sáng và vang vọng cả một góc rừng Tây Nguyên”, nhạc sĩ Vũ Thiết nhớ lại.
Sau này, khi nhạc sĩ Vũ Thiết và gia đình ra Bắc, ông ít có điều kiện gặp gỡ nghệ sĩ Y Moan nhưng tình cảm vẫn luôn thân thiết.
Được hỏi về cảm xúc khi nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật đợt này, nhạc sĩ Vũ Thiết cho biết, ông rất vui và đó cũng là động lực thúc đẩy ông tiếp tục phấn đấu trên con đường sáng tạo đầy gian nan./.