Nhớ anh Vũ Thanh
VOV.VN - Đến nay, đã gần 20 năm nhạc sỹ Vũ Thanh "đi xa", nhưng ông vẫn sống mãi với những ca khúc bất hủ…
"Ta đi trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công, đường thênh thang Ba Đình lịch sử, đường tấp nập Hoàn Kiếm, Đồng Xuân…" - câu hát của "Bài ca Hà Nội" sáng tác của nhạc sĩ Vũ Thanh in đậm mãi trong tôi từ hồi tôi còn tại ngũ trong quân chủng Phòng không- Không quân. Cách đây đã ngót 50 năm, khi ấy, bầu trời Hà Nội là mục tiêu đánh phá của giặc Mỹ trong chiến tranh phá hoại và chính máy bay của chúng lại là mục tiêu tiêu diệt của quân và dân Thủ đô.
Tôi không hiểu tác giả của bài ca ấy như thế nào mà viết được những câu hát chứa chan tình cảm, say đắm lòng người như vậy giữa những ngày Thủ đô ta sục sôi đánh Mỹ!. Thật bất ngờ với tôi, cuối năm 1971, chúng tôi được tin có hai nhạc sĩ của Đài Tiếng nói Việt Nam tham gia lớp học Đại học âm nhạc tại chức của Nhạc viện Hà Nội khi ấy đang sơ tán tại xã Dương Cốc ( Thuộc tỉnh Hà Tây cũ ); đó là hai nhạc sĩ Phạm Tuyên và Vũ Thanh.
Nhạc sỹ Vũ Thanh |
Nhạc sĩ Phạm Tuyên với vẻ điềm đạm vốn có và nhạc sĩ Vũ Thanh với nụ cười tươi tắn, hiền hậu vui vẻ nhận lời. Khi ấy Đài TNVN là cơ quan thông tin quan trọng nhất với những tin tức nóng hổi, cập nhật nên các tin tức qua giao ban hàng ngày được các anh truyền đạt lại làm chúng tôi thêm tin tưởng, phấn chấn và tôi thầm hiểu những sáng tác của các anh đều là sự thăng hoa của tình cảm qua những vấn đề thời sự.
Một bất ngờ khác lại đến với tôi, khi tốt nghiệp tôi được về Đài nhận công tác giữa những ngày B52 đánh phá Hà Nội; khi ấy Bộ phận Văn nghệ của Đài sơ tán tại xã Tuyết Nghĩa thuộc huyện Quốc Oai (tỉnh Hà Tây cũ) lúc ấy, tôi mới hiểu các nhạc sĩ của Đài vất vả như thế nào. Các anh đi như con thoi giữa Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Thái Nguyên là những nơi các bộ phận của Đài sơ tán và cả những vùng đang bị máy bay địch đánh phá ác liệt để thực hiện các chương trình phát sóng đều đặn và cả các chương trình dự phòng cho bộ phận Đài Bá âm ở nơi phát sóng bí mật.
Riêng nhạc sĩ Phạm Tuyên và nhạc sĩ Vũ Thanh cùng các nhạc sĩ Lê Lôi, Nguyễn An, Lưu Bách Thụ, Lưu Cầu thường trực hàng ngày ở căn hầm nằm giữa sân 58 Quán Sứ để phối hợp thực hiện các chương trình phát sóng thì các nhạc sĩ Phan Nhân, Văn Dung, Trần Chung, Thế Hùng… thay nhau rong ruổi trên khắp các địa phương ở Miền Bắc để thực hiện các chương trình văn nghệ quần chúng Khắp nơi ca hát.
Sau hiệp định Paris ký kết, đầu năm 1973 các bộ phận của Đài lần lượt trở về Hà Nội tôi được bố trí ở tạm một căn phòng đầu hồi của dãy nhà cấp bốn khu tập thể 128 C Đại La. Đây vốn là phòng y tế của khu tập thể Đài còn sót lại sau trận bom hủy diệt của B52 ngày 28/12/1972, khi địch chủ trương đánh phá Đài phát sóng Bạch Mai và cả bệnh viện Bạch Mai. Tôi bất ngờ, khi biết nhạc sĩ Vũ Thanh được bố trí ở ngay đầu hồi phía bên và hai nhà cách nhau chỉ một vách ngăn! Thế là tôi có một nhà hàng xóm mà cả gia đình là nghệ sĩ: Chị Phương Nhung và cháu Vũ Quang Trung đều đang học tại Nhạc viện Hà Nội.
Gần anh Vũ Thanh, tôi học được nhiều điều bổ ích về cách sống giản dị, đạm bạc, nền nếp - cách sống của một nhà sư phạm mà trước đây anh đã từng dạy học ở một trường phổ thông trung du phía Bắc. Ở bên anh Thanh nhiều năm, tôi mới hiểu con người không chỉ mực thước trong cách sống mà còn đa cảm trong tình đồng nghiệp, tình nghĩa gia đình và cách nghĩ về cuộc sống. Chính những tình cảm ấy mà từ anh tỏa sáng những bài ca trữ tình bất hủ như: Hà Nội mùa thu, Rừng chiều, Cá lội đồng xanh, Lời anh vọng mãi ngàn năm, Đỉnh gió Na Dương, Vũng Tàu biển hát, Thả chiều vào tranh (Thơ Đoàn Việt Bắc)…
Trong âm nhạc Vũ Thanh nổi bật lên vẻ đẹp thuần nhuyễn, thuần khiết của giai điệu và hình ảnh súc tích từ ca từ. Anh không thích “Đao to búa lớn” trong âm nhạc kể cả khi anh viết chính ca hoặc những bài ca mang tính chính luận, thời sự. Tôi còn nhớ lần phối hợp cùng anh viết nhạc thể dục cho Đài, tôi cứ nghĩ nhạc tập thể dục phải cứng cáp, khỏe khoắn, mạnh mẽ, nhưng tôi nhầm, nhạc của anh với "Bài ca Bình minh" giai điệu và lời ca tươi mát và phấn chấn lạ thường.
Có lẽ con người đằm thắm của anh với trái tim nhạy cảm là suối nguồn cho những giai điệu trữ tình tuôn chảy! Điều này lý giải cho tôi một điều thú vị: Âm nhạc trên Đài phải là sự thăng hoa của các nội dung tuyên truyền, dù nó mang tính chất tuyên truyền! Như vậy, việc sáng tác hay biên tập chương trình phải xuất phát điểm từ con tim nhạy cảm, sống động và chính vì thế trở lại với các ca khúc nổi tiếng của anh đều viết ra từ các cuộc vận động sáng tác hoặc các sự kiện chính trị, xã hội như: Lời anh vọng mãi ngàn năm ca ngợi anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, bài Rừng chiều viết trong cuộc vận động sáng tác ca khúc bảo vệ rừng và môi trường sinh thái, bài Vũng Tàu biển hát tham gia cuộc thi sáng tác về Bà Rịa –Vũng Tàu. Và tương tự như thế, bài Hà Nội mùa thu được anh viết khi đang làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia.
Đến nay, xa anh đã gần 20 năm, tôi vẫn vẹn nguyên trong mình hình ảnh của Anh một con người cần mẫn, trung thực và đúng đắn. Tôi không ngờ biết anh từ "Bài ca Hà Nội" lại xa anh trong chính bài ca ấy. Trong chuyến đi vào cõi vĩnh hằng ở tuổi 65, anh chị em nghệ sĩ ở Đài đã tiễn anh đi bằng câu hát"Trên đường Hà Nội rực rỡ chiến công!".
Kỷ niệm 70 năm Tiếng nói Việt Nam đã có biết bao con người như thế làm nên những trang vàng truyền thống của của Đơn vị anh hùng trong các thời kỳ lịch sử./.