Nhạc sỹ Giáng Son: Mơ được đứng riêng trên sân khấu lớn
VOV.VN - Nữ nhạc sỹ mơ ước trong tương lai, cô có thể tự biểu diễn trên sân khấu lớn, trong những chương trình riêng của mình.
PV: Xin chào nhạc sỹ Giáng Son. Nhiều người thích các sáng tác của chị bởi sự mới mẻ nhưng vẫn rất gần gũi, có sự pha trộn giữa âm hưởng dân gian với yếu tố hiện đại. Vì sao lại có sự pha trộn như vậy?
NS Giáng Son: Tôi được sinh ra và sống trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, đặc biệt bố của Giáng Son là người nghiên cứu về chèo. Có thể nói, từ lúc mới lọt lòng đến suốt thời tuổi thơ của mình, Giáng Son đều đắm chìm trong những làn điệu chèo. Khu tập thể nhà tôi cũng đều ảnh hưởng âm nhạc dân tộc như tuồng, cải lương… Hồi bé, Giáng Son từng nghĩ khi lớn lên, sẽ trở thành một diễn viên chèo, chứ không bao giờ nghĩ rằng lại trở thành một nhạc sỹ như bây giờ.
Nhạc sỹ Giáng Son
PV: Nhưng có thể thấy Giáng Son cũng có khá nhiều tác phẩm viết theo hướng Blues?
NS Giáng Son: Tôi cũng là 1 người rất thích nhạc Jazz, Blues, có thể nghe cả ngày những loại nhạc ấy. Vì thế, ngoài Pop và dân gian đương đại, Giáng Son còn có 1 niềm đam mê khác là sáng tác Blues. Bài hát đầu tiên của tôi ở thể loại này là bài “Cỏ và mưa”. Trong con người tôi đã có cái “chất” đó nên quá trình sáng tác ở thể loại này không quá khó khăn.
Nghe ca khúc "Cỏ và mưa"
Nhưng tôi vẫn hay tìm những quyển tập Blues, Jazz để biết thêm về nguyên tắc hòa âm. Giáng Son nghĩ đơn giản Blues, Jazz là thể loại nhạc “du nhập” từ nước khác. Tôi là người Việt Nam nên khi muốn sáng tác theo phong cách đó, cần phải tìm tòi nó một cách kỹ càng, để người nghe nhận ra đúng chất, đúng màu của Blues, Jazz chứ không phải Pop, Rock hay những dòng nhạc khác.
PV: Có thể nhận thấy ở nhiều ca khúc của Giáng Son như “Giấc mơ trưa”, “Hà Nội 12 mùa hoa”…, nếu vì một lí do nào đó mà bị thiếu đi ca từ nhưng chỉ cần giai điệu vang lên, người nghe vẫn thấy hay. Nghĩa là những ca khúc đó đã mang tính khí nhạc?
NS Giáng Son: Đúng vậy. Chẳng hạn như ca khúc “Giấc mơ trưa”, có nhiều đoàn múa đã tách phần nhạc rồi phối khí để dựng hẳn một tiết mục múa. Nghệ sỹ múa Linh Nga với tiết mục múa “Giấc mơ trưa” đã đi biểu diễn rất nhiều nơi, thậm chí sang cả Trung Quốc để dạy cho các em học sinh ở đó. Điều này cho thấy giai điệu trong các ca khúc của Giáng Son cũng có thể đứng được một mình và bản thân nó cũng mang tính khí nhạc, tức là đã có 1 sức diễn tả trong đó và nếu tách phần lời ra, vẫn có thể mang tới cho người nghe nhiều cảm xúc.
Nghe ca khúc "Giấc mơ trưa"
PV: Giáng Son có thường xuyên trao đổi ý tưởng phối khí với các nhạc sỹ phối khí không?
NS Giáng Son: Đối với ca khúc trong CD của tôi hay một số ca khúc khác, Giáng Son làm rất kỹ với các nhạc sỹ phối khí. Bởi phối khí là phần sáng tạo thứ 2 không thể thiếu và mang lại thành công rất quan trọng với ca khúc. Giáng Son thậm chí còn vô cùng lo lắng với những bản phối khí trong những ca khúc của mình. Nhưng tôi rất may mắn vì những nhạc sỹ phối khí cũng khá hiểu bài hát nên khi họ phối khí, tôi hoàn toàn yên tâm bài hát sẽ mang đúng màu sắc mà tôi mong muốn.
PV: Bên cạnh những ca khúc được nhiều người biết đến, Giáng Son cũng viết khá nhiều tác phẩm khí nhạc. Trong số đó, đã có tác phẩm nào đến với người nghe chưa?
NS Giáng Son: Tôi đã trải qua 4 năm học trung cấp sáng tác, 4 năm học đại học và 2 năm học thạc sỹ sáng tác nên số lượng khí nhạc cũng không phải ít. Nhưng thực sự tác phẩm thường là những bạn trong trường hoặc những thầy cô giáo hoặc những thành viên trong Hội nhạc sỹ Việt Nam biết đến nhiều hơn cả. Còn đối với công chúng, họ vẫn chưa biết nhiều về khí nhạc. Tôirất hy vọng, thậm chí mơ ước trong tương lai, sẽ có những chương trình riêng để tự biểu diễn trên sân khấu như Nhà hát lớn Hà Nội.
PV: Xin cảm ơn Giáng Son./.