Nhiếp ảnh Việt Nam: Sự sáng tạo, tác nghiệp vẫn theo lối mòn
VOV.VN - Số lượng nghệ sĩ - hội viên được phát triển đông đảo khẳng định tính hấp dẫn của nghệ thuật nhiếp ảnh và thành công của việc chỉ đạo, điều hành của Hội hơn nửa thế kỷ hoạt động.
Trong lịch sử phát triển của mình, Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước và Bác Hồ kính yêu. Trải qua 55 năm hoạt động, với 9 kỳ đại hội, từ 71 hội viên của Đại hội I, đến nay Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có hơn 1.000 hội viên, trải đều trên khắp 63 tỉnh/thành phố. Hội viên là anh chị em làm báo, phóng viên ảnh, người làm văn hoá ở các đơn vị nhà nước, những người kinh doanh, chụp ảnh và từ nhiều ngành nghề khác nhau ở mọi miền đất nước, yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Số lượng nghệ sĩ - hội viên được phát triển đông đảo khẳng định tính hấp dẫn của nghệ thuật nhiếp ảnh và thành công của việc chỉ đạo, điều hành của Hội hơn nửa thế kỷ hoạt động.
Để lại một pho sử bằng ảnh vô cùng quý giá
Nhớ lại thời gian 1965 - 1975 của cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hội viên là những người cầm máy ảnh trong các cơ quan nhà nước (cơ quan báo chí, các ty văn hoá...) - lực lượng chủ lực này của Nhiếp ảnh Việt Nam đã tham gia tích cực phục vụ sự nghiệp cao cả của dân tộc là bảo vệ miền Bắc XHCN và đấu tranh chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều bức ảnh sinh động, phản ánh trung thực đời sống chiến đấu, sản xuất của nhân dân Việt Nam là những thông tin bằng hình quan trọng, góp phần động viên đồng bào cả nước và nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm, giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước.
Sau ngày đất nước thống nhất, lực lượng nhiếp ảnh cách mạng hai miền phát huy những thành tựu đạt được, hướng vào tình cảm thống nhất dân tộc, tập hợp đội ngũ, đoàn kết rộng rãi anh chị em nhiếp ảnh ở mọi vùng miền, nhất là các vùng mới giải phóng với nguyện vọng cùng nhau làm nghề và sáng tác ảnh.
“Bằng sự hy sinh gian khổ, lao động sáng tạo, Nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại một pho sử bằng ảnh vô cùng quý giá về cách mạng Việt Nam. Nhiều tác phẩm ảnh nghệ thuật đã đọng lại trong lòng đông đảo công chúng trong nước và bạn bè quốc tế, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc". Đây là đánh giá quan trọng của Chủ tịch nước Trân Đức Lương trong bức thư gửi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2003, cũng là phần thưởng cao quý của đất nước, nhân dân đối với sự đóng góp của giới nhiếp ảnh, trong đó những người cầm máy, sáng tác ra tác phẩm là nghệ sĩ - hội viên của Hội.
Tại Lễ kỷ niệm 55 năm Thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, bà Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cho biết, "Cùng với sự phát triển của đất nước trong đổi mới và hội nhập quốc tế, nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh, các nhà báo ảnh và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh càng có nhiều cơ hội, điều kiện để thực hiện niềm đam mê của mình. Sân chơi nghệ thuật nhiều hơn, quy mô lớn hơn và tính chuyên nghiệp cao hơn. Nhiếp ảnh với sự hỗ trợ "thần kỳ" của công nghệ thông tin, kỹ thuật số đã đưa các tác giả đến một chân trời mới sáng tác nhiều tiềm năng, tiện ích cho lao động nghệ thuật của mình.
Đây là điều kiện thuận lợi để Hội từng bước nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác cho hội viên; đổi mới nhiều phương thức hoạt động trên các lĩnh vực sáng tác, công bố, triển lãm tác phẩm nhằm hướng tới công chúng, xã hội. Định hướng sáng tác xuyên suốt, nhiếp ảnh phải phản ánh trung thực cuộc sống của nhân dân trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phải mang hơi thở của đời sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh. Mỗi bức ảnh phải là một thông điệp có giá trị "Chân - Thiện - Mỹ" gửi đến người xem để góp phần xây dựng văn hoá, con người Việt Nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập".
"Nhìn lại chặng đường qua, với nhiều hoạt động nghiệp vụ đa dạng, phong phú, hấp dẫn, đúng định hướng Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, khẳng định vị trí, vai trò của mình trong đời sống văn hoá - xã hội của đất nước; đồng thời chứng tỏ tài năng sáng tác của các nghệ sĩ Việt Nam" - Bà Trần Thị Thu Đông khẳng định.
Lấy lại niềm tin yêu của nghệ thuật nhiếp ảnh
Tiếp nối chặng đường đi trước, 55 năm qua, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng giới nhiếp ảnh tự tin, bước tới, phát triển sự nghiệp nhiếp ảnh Việt Nam, xây dựng Hội vững mạnh góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận của Nhiếp ảnh Việt Nam đương đại, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vẫn còn tồn đọng những hạn chế, thậm chí có nơi, có lúc còn yếu kém trong công tác định hướng sáng tác, điều hành hoạt động của Hội.
Bà Trần Thị Thu Đông cho rằng, "Chất lượng tác phẩm giá trị cao, bền vững, có tác động xã hội còn thiếu vắng. Sự sáng tạo trong hoạt động sáng tác chưa nhiều, còn nhiều hạn chế, tư duy nhiếp ảnh chưa sâu, tác nghiệp còn theo lối mòn, dàn dựng thiếu chân thật, lạm dụng công nghệ đã ảnh hưởng đến tính chân thật của nhiếp ảnh, mất lòng tin đối với công chúng và chính chúng ta. Đây là thách thức của công tác Hội và hoạt động sáng tác của mỗi nghệ sĩ - hội viên, cần vượt qua để lấy lại niềm tin yêu của nghệ thuật nhiếp ảnh".
Sau Đại hội IX, năm 2021 là năm khởi đầu nhiệm kỳ mới của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ IX sẽ bám sát Nghị quyết Đại hội, tích cực xây dựng các kế hoạch, nội dung hoạt động để tổ chức tốt hơn nữa công tác Hội trong năm 2021 và các năm tiếp theo.
Cụ thể, Hội cần tiếp tục tổ chức tốt, có chất lượng Liên hoan ảnh nghệ thuật 8 khu vực trên cả nước. Nâng cao chất lượng tác phẩm nhiếp ảnh thông qua định hướng sáng tác cho hội viên từ các cuộc thi ảnh cấp khu vực, quốc gia, quốc tế; tiếp tục mở các trại sáng tác chuyên sâu, đào tạo những tay máy trẻ, có năng lực, tâm huyết để xây dựng lớp nghệ sĩ tài năng mới.
Đồng thời, Hội cũng cần làm tốt hơn nữa định hướng quan trọng trong sáng tác nhiếp ảnh giai đoạn hiện nay là phản ánh trung thực các hoạt động của đất nước, con người; sáng tác các tác phẩm nhiếp ảnh mang đậm tính nhân văn sâu sắc, có sức lan toả và tác động xã hội cao. Tư vấn, hướng dẫn nghệ sĩ lựa chọn đề tài chuyên sâu, chuyên biệt, đồng hành phản ánh hoạt động kinh tế - xã hội, văn hoá... của đất nước, để tập trung sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm, thực hiện có chất lượng sản phẩm nhiếp ảnh, tổ chức triển lãm và xuất bản sách ảnh giới thiệu đến công chúng.
Tổ chức, phối hợp tổ chức, bảo trợ, hỗ trợ giúp đỡ các cuộc thi ảnh trong cả nước, xây dựng phong trào nhiếp ảnh quần chúng và sáng tác nghệ thuật ảnh giá trị cao. Tổ chức tốt công tác thẩm định ảnh ở các cấp; tiếp tục đào tạo lớp giám khảo kế cận. Đẩy mạnh công tác Lý luận Phê bình, hỗ trợ cho việc định hướng sáng tác của hội viên. Tăng cường giao lưu, hợp tác với các tổ chức/Hội nhiếp ảnh quốc tế, tiếp tục động viên nghệ sĩ tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế để góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại nhân dân./.