Sắc màu thổ cẩm trước thềm xuân
VOV.VN - Mỗi độ xuân sang, bên sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hồng thắm của hoa đào…, những bộ trang phục thổ cẩm độc đáo của đồng bào các dân tộc lại khoe sắc rực rỡ, dệt nên bức họa lung linh, tô điểm cho đất trời vùng cao Tây Bắc.
Rộn ràng mùa may áo mới
Nằm ở hạ nguồn dòng Nậm Núa thơ mộng, Pa Xa Lào là bản duy nhất trên địa bàn xã biên giới Pa Thơm, huyện Điện Biên (tỉnh Điện Biên) có cộng đồng dân tộc Lào sinh sống. Trải qua hơn một thế kỷ định cư lập bản, cộng đồng dân tộc Lào nơi đây luôn gìn giữ, trao truyền những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Những ngày cuối năm, công việc dệt, may thổ cẩm của chị em lại thêm phần tất bật để kịp làm ra những bộ trang phục mới vui chơi dịp Tết. Từ cửa ngõ của thung lũng Pa Thơm, chúng tôi nhanh chóng bị thu hút bởi không gian rộn tiếng thoi đưa; “lạc mắt” trước sắc màu thổ cẩm của những tấm vải dệt mềm mại, buông dưới cái nắng vàng dịu nhẹ; bên hiên nhà, đầu hồi, lưng sào (tre) hay dọc dài các ngả đường…
Trung tâm bản, từng tốp các mẹ, các chị miệt mài bên khung dệt. Người già cần mẫn chỉ bảo lớp trẻ cách tạo nên những loại hoa văn lạ, độc và giải thích cặn kẽ ý nghĩa của từng mẫu. Thoăn thoắt đôi tay trên khung cửi, chị Lò Thị Thơm, bản Pa Xa Lào kể rằng: Không rõ nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình có từ khi nào, chỉ biết hành trang của mỗi thiếu nữ Lào lớn lên là không thể không biết đến se tơ, dệt vải, may thành phẩm những bộ váy áo, túi, mũ, khăn… cho mình và những người thân yêu. Lẽ đó, 7 tuổi chị Thơm cùng các chị em khác trong bản đã chăm chỉ theo học người lớn các công đoạn dệt vải. Phải rất kiên trì, thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ, sáng tạo, chị em mới làm ra được một sản phẩm thổ cẩm đẹp mắt, hoa văn tinh tế.
Nói rồi chị Thơm đứng lên mang túi thổ cẩm trong tủ ra cho chúng tôi xem. Rất nhiều mẫu thổ cẩm đẹp và đặc sắc, những mẫu khăn, váy lạ mà tôi lần đầu được nhìn thấy. Lật dở từng tấm, chị rành rọt nói: Đây là mẫu váy làm riêng cho phụ nữ được dệt theo mẫu hoa văn cổ. Mỗi hoa văn tạo ra là một nét văn hóa dân gian được chọn lọc, gìn giữ và trao truyền qua nhiều đời. Ngoài chức năng làm đẹp, các họa tiết trên trang phục như con công, con rồng, con hươu... còn mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho chính người sử dụng.
Thắm mãi những sắc màu thổ cẩm
Trên đỉnh đèo Ma Thì Hồ, thuộc bản Cổng Trời, xã Sa Lông, huyện Mường Chà (Điện Biên) có một bản người Mông Hoa sinh sống lâu đời. Dẫu trải qua thời gian, cuộc sống đổi thay từng ngày nhưng đến nay người Mông ở đó vẫn bảo tồn nguyên vẹn nét văn hóa dân tộc trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, nhất là gìn giữ trang phục truyền thống, từ kiểu dáng, sắc màu cho đến họa tiết hoa văn.
Trong lần đến với bản, điều khiến chúng tôi ấn tượng là những bộ trang phục thổ cẩm có gam màu chủ đạo hồng - đỏ, sắc tươi tắn, gắn liền với hình ảnh người phụ nữ chịu thương chịu khó. Họ như những nghệ sĩ tài hoa nắm giữ nghệ thuật, sáng tạo hoa văn thổ cẩm sáp ong trên chất liệu vải rất điêu luyện. Già bản Vàng Thị Sua (93 tuổi), bản Cổng Trời cho biết: Trong cộng đồng người Mông nói chung, duy nhất người Mông hoa ở Cổng Trời có bí quyết tạo hoa văn trên vải độc đáo và phong phú. Quy trình vẽ hoa văn bằng sáp ong trên vải mới nghe tưởng như đơn giản nhưng để làm được thì phải bỏ ra rất nhiều thời gian, công sức, có người một năm chỉ may được một bộ váy theo đúng chất truyền thống.
“Với nét văn hóa dân tộc độc đáo, tôi luôn khuyến khích và không ngừng truyền dạy cho con cháu trong gia đình, trong bản cách làm ra một bộ trang phục. Từ trồng lanh, xe sợi, dệt vải để gìn giữ nghề thủ công truyền thống, đến tạo ra các sản phẩm: váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp... thêu, trang trí bằng cách chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác… Tất cả các công đoạn đó, chỉ qua đôi tay khéo léo của phụ nữ Mông hoa làm ra thì mới tạo sự linh hoạt, khác biệt, không lẫn với thổ cẩm của các dân tộc khác”, bà Vàng Thị Súa bày tỏ.
Điểm độc đáo trong công đoạn thêu, đó là người Mông hoa không thêu theo mẫu vẽ sẵn mà thao tác bằng trí nhớ, thêu ở mặt trái, hoa văn hiện lên ở mặt phải vải. Kết hợp với phối màu sắc hài hòa, các mô-típ hoa văn hiện ra, tượng trưng cho sự biến chuyển của mặt trời, thời tiết, không gian và thời gian, trong vũ trụ quan cổ đại của dân tộc Mông; hàm chứa những giá trị đẹp đẽ, khát vọng của con người…
Trao truyền để giữ hồn thổ cẩm
Trong căn nhà gỗ đượm màu thời gian ở bản Na Sang II, xã Na Sang, huyện Điện Biên, bà Lò Thị Lún (87 tuổi) - dân tộc Lào vẫn miệt mài bên khung dệt. Với bà, những âm điệu nhịp nhàng của tiếng thoi đưa đã trở nên quen thuộc từ nhỏ. Đôi tay bà đã dệt nên không biết bao nhiêu sản phẩm thổ cẩm tinh tế, độc đáo mang đậm bản sắc. Khi sang tuổi xế chiều, với mong muốn giữ lại nghề truyền thống, bà Lún dành nhiều thời gian và công sức hơn để truyền dạy cho con cháu.
Bà Lún chia sẻ: “Cuộc đời chứng kiến bao thăng trầm của nghề dệt thổ cẩm và từng rất xót xa khi những người trẻ trong bản dần bỏ nghề dệt đi làm ăn xa. Cũng có người yêu nghề, muốn giữ nghề nhưng mỗi tháng làm ra được 10 sản phẩm, thu nhập thấp không đủ trang trải cuộc sống. Thế nhưng đối với một người phụ nữ Lào biết dệt thổ cẩm cũng giống như một phẩm hạnh nhất thiết phải có, vừa thể hiện sự chịu thương chịu khó, vừa thể hiện sự khéo léo khi nhìn vào gia đình. Điều này đã thôi thúc tôi không ngừng chỉ bảo lớp trẻ cần mẫn trong từng lượt thoi đưa, giảng giải từng đường nét hoa văn đặc sắc từ những hình vạn, những hình voi, rắn, chùa tháp… mang hồn của dân tộc Lào”.
Còn với chị Giàng Thị Mẩy - một người Mông ở xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) lại thực hiện khát khao bảo tồn nghề thêu thổ cẩm dân tộc bằng cách đứng ra tập hợp chị em có chung đam mê và sở thích thành Tổ hợp thêu truyền thống. Ngày đầu thành lập, Tổ thêu của chị Mẩy chủ yếu làm các họa tiết thêu đơn giản. Quá trình vừa làm vừa tìm hiểu mẫu mã, nhận biết màu chỉ phù hợp cùng sự hỗ trợ bao tiêu sản phẩm của Trung tâm Nghiên cứu liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội, những đôi tay khéo léo và ngọn lửa đam mê đã thành thục hơn với cách làm ra những sản phẩm váy áo, túi xách thổ cẩm mang “hồn cốt” của dân tộc Mông, được thị trường đón nhận. Bên cạnh hiệu quả kinh tế mang lại thì Tổ thêu thu hút ngày càng nhiều chị em từ xã khác trong huyện Tủa Chùa tới tham gia. Hiện Tổ thêu duy trì trên 100 thành viên, góp phần tích cực bảo tồn văn hóa.
Không riêng hoạt động của các cá nhân, cộng đồng dân cư, mà giờ đây nhiều trường học tỉnh Điện Biên đã và đang khuyến khích học sinh mặc trang phục dân tộc truyền thống đến trường...
Tương lai để những sắc màu thổ cẩm còn mãi với thời gian, chính người dân là yếu tố quyết định. Văn hóa dân tộc chỉ có thể được lưu giữ khi ý thức, trách nhiệm của người dân - những chủ thể văn hóa các dân tộc được hiện thực hóa bằng hành động./.