Các rạp phim đóng góp tích cực vào doanh thu của nền công nghiệp văn hóa
VOV.VN - Các lĩnh vực thuộc ngành công nghiệp văn hóa đa phần đều tăng trưởng về doanh thu trong những năm gần đây, mở ra nhiều kỳ vọng về phát triển kinh tế, xã hội. Trong đó, lĩnh vực điện ảnh có xu hướng phát triển nhanh với giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm.
Các lĩnh vực ngành công nghiệp văn hóa tăng trưởng mạnh mẽ
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, cho biết, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%.
Trong số đó, lĩnh vực điện ảnh có xu hướng phát triển nhanh với giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng. Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80%-90% thị phần khán giả xem phim, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa.
Lĩnh vực du lịch ghi nhận những khởi sắc sau thời gian dài gián đoạn bởi dịch Covid-19. Đến năm 2022, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495 nghìn tỷ đồng, tăng 2,75 lần so với cùng kỳ, khách du lịch nội địa đạt 101,3 triệu lượt. Trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 9,97 triệu lượt, vượt kế hoạch năm 2023; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng...
Cách ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm cũng có sự tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2018-2022. Riêng trong năm 2022, có tới khoảng 27.120 lao động đang làm việc trong lĩnh vực này; các chỉ số tăng đều qua các năm và chịu ít sự tác động của các yếu tố ngoại cảnh. Năm 2021-2022, cả nước có 2.669 họa sĩ, nhà điêu khắc và 2.456 nghệ sĩ nhiếp ảnh. Số lượng nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật và nhiếp ảnh khá lớn, trở thành là lượng quan trọng góp phần tạo ra các sản phẩm nghệ thuật sáng tạo.
Những lĩnh vực khác trong ngành công nghiệp văn hóa như quảng cáo, kiến trúc, thiết kế, xuất bản, thời trang, truyền hình và phát thanh, thủ công mỹ nghệ... cũng cho thấy sự khởi sắc trong những năm trở lại đây, khẳng định Nhà nước ta đang đi đúng hướng. Trong số đó, nổi bật là doanh thu quảng cáo năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng doanh thu của thị trường quảng cáo Việt Nam đạt 12,7%, xếp thứ 2/11 quốc gia về tốc độ tăng trưởng. Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo.
Hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện
Nhằm thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển, trong giai đoạn 2018-2022, các bộ, ngành đã phối hợp triển khai xây dựng, đề xuất trình Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.
Ngày 12/11/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (Quyết định số 1909/QĐ-TTg); Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 (Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021); Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 10/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 2022-2026. Ngay sau đó, nhiều tỉnh, thành phố đã ban hành Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án cụ thể để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn.
Việc hướng dẫn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chiến lược này cũng được đẩy mạnh. Có thể thấy, hai năm vừa qua, khái niệm "công nghiệp văn hóa" đã không còn xa lạ trong cộng đồng. Điều này hoàn toàn khác biệt với giai đoạn trước năm 2016, khi không nhiều người biết tới hoặc hoàn toàn thờ ơ với cụm từ này.
Mong mỏi có thể phát triển công nghiệp điện ảnh, bà Ngô Thị Bích Hạnh- Tổng Giám đốc BHD chia sẻ, chúng ta vẫn chỉ quản lý văn hóa mà chưa có quản lý công nghiệp văn hóa. Để quản lý công nghiệp văn hóa cần từ chính sách đến con người.
Theo bà Bích Hạnh, hiện nay, rạp chiếu phim mang thương hiệu Việt chỉ chiếm 30% thị phần (các nước 80-90%). Doanh thu phim Việt chiếm 33% (so với các nước khu vực 70-80%). Như vậy, so với các nước trong khu vực, từ tỉ lệ rạp chiếu đến doanh thu của nước ta còn thấp. Trong khi Việt Nam có doanh thu phòng vé cao nhưng thị phần thấp.
Cũng theo bà Hạnh, còn có nhiều khó khăn khác như thủ tục hành chính rườm rà. "Đơn cử như để quay bộ phim ở Bờ Hồ chẳng hạn phải có 5-7 giấy phép. Nếu 1 ngày quay ở 3- 4 địa điểm thì quá phức tạp"- bà Hạnh chia sẻ.
Bà Trương Uyên Ly, Không gian sáng tạo trực tuyến Hanoi Grapevine cho rằng, không gian sáng tạo đang thể hiện ưu thế trong việc kết nối các nghệ sĩ, truyền thông và đem các tác phẩm của nghệ sĩ đến với công chúng. Các không gian sáng tạo Việt Nam đang thu hút công chúng.
Hiện nay, không gian sáng tạo đã và đang có những tác động tích cực như tạo việc làm mới, cải tạo cảnh quan của khu vực, giảm tình trạng ô nhiễm.
"Nhà máy bỏ hoang, bãi đất trống được biến thành địa điểm âm nhạc, quán café, tạo không gian cho giới trẻ. Không gian sáng tạo cũng giúp giảm bớt ô nhiễm rác thải. Những không gian ô nhiễm được cải tạo thành không gian tươi mới, sạch đẹp. Tuy nhiên, các không gian sáng tạo gặp nhiều khó khăn, cản trở sự phát triển như: thuế, hạn mức thuê… Nhiều không gian sáng tạo đang hoạt động phi lợi nhuận, nhưng thuế đóng cao"- bà Uyên Ly bày tỏ.
Theo bà Uyên Ly, thách thức lớn trong phát triển không gian sáng tạo và công nghiệp văn hóa ở Việt Nam là thiếu sự liên kết, chưa đồng bộ, nhận thức về sức mạnh công nghiệp văn hóa chưa đồng đều.
Bà Ly kiến nghị, cần có chính sách giảm thuế, miễn thuế thu nhập trong vài năm đầu cho doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị Thủ tướng thành lập Ban hành động về công nghiệp văn hóa liên bộ ngành để đẩy mạnh sự kết nối trong thực hiện công nghiệp văn hóa.
Bà Uyên Ly cho rằng, với tiềm lực của Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể trở thành trung tâm của công nghiệp sáng tạo của khu vực.