Tết của người Nùng Vẻn ở Cao Bằng

VOV.VN - Xuân về, đường lên vùng Lục Khu Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng trắng sắc hoa mận, hoa mơ... Đó đây văng vẳng tiếng hát, tiếng đàn và tiếng cười của thanh niên trai gái vui lễ hội Xuân nơi đầu bản nhỏ. Mời quý vị cùng đến xóm Cả Tiểng, xã Nội Thôn (Hà Quảng, Cao Bằng) chung vui với 42 hộ gia đình người Nùng Vẻn.

Người Nùng Vẻn đặc biệt coi trọng phong tục dán giấy đỏ vào ngày Tết. Những tờ giấy đỏ đã được các gia đình người Nùng Vẻn chuẩn bị từ các phiên chợ trước đó và trước khi dán những tờ giấy đỏ của năm mới, người ta sẽ bóc những tờ giấy đã dán từ Tết năm ngoái.

Ngoài dán giấy đỏ tại bàn thờ chính, người Nùng Vẻn còn dán giấy đỏ trên cửa ra vào, các vật dụng trong nhà, cây cối ngoài vườn... với mong ước may mắn trong năm mới. Số lượng giấy đỏ dán ở những vị trí khác nhau cũng khác nhau, riêng trên bàn thờ tổ tiên và trên cửa ra vào lúc nào cũng phải dán số lẻ, thường là 3, 5, 7 miếng, còn vật dụng khác chỉ cần dán 1 miếng.

Ông Hoàng Văn Khjào (xóm Cả Tiểng, xã Nội Thôn, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) cho biết: Người Nùng Vẻn bắt đầu ăn Tết bằng bữa cơm "rũ bỏ xui xẻo" chiều 30 tháng Chạp với các món ăn chủ yếu chế biến từ thịt vịt (người Nùng Vẻn quan niệm ăn thịt vịt sẽ giúp xóa sạch những xui xẻo của năm cũ). Đúng Giao thừa, mọi nhà đều thắp hương, mở rộng cửa chính để "lộc" vào nhà và đón khách tới xông đất.

Ngày Tết, trên bàn thờ tổ tiên của người Nùng Vẻn thường bày bánh chưng, gà thiến luộc, bánh kẹo, thịt lợn, hoa quả. Dịp Tết, người Nùng Vẻn còn chế biến rất nhiều món ăn khô để được lâu như thịt lợn gác bếp, lạp sườn với hương vị rất đặc trưng. Trong những ngày Tết, các loại bánh kẹo, khẩu sli, bánh khảo, mứt… cũng được gia chủ mang ra mời khách, cánh đàn ông thì nhấp chén rượu ngô thơm lừng để chúc nhau một năm mới gặp nhiều điều may mắn.

“Người Nùng Vẻn ở đây có tiếng nói rất khác với tất cả các nhánh Nùng khác. Các phong tục cũng có điểm khác. Ngày 30 Tết thì cả bản bắt đầu ăn Tết, anh em họ hàng cùng nhau thịt lợn để lấy thịt làm nhân bánh, thịt gà để cúng tổ tiên và gói bánh chưng gù của người Nùng” - ông Hoàng Văn Khjào nói.

Sáng sớm mùng 1 Tết, bản làng còn chìm trong sương đêm và hơi lạnh, nhưng trong bếp, bên ánh lửa ấm áp, các mẹ, các chị đã hối hả chế biến các món ăn truyền thống để làm lễ dâng cúng tổ tiên. Nghi thức cúng gia tiên diễn ra trong không khí thành kính, trang nghiêm với sự có mặt của đông đủ các thành viên trong gia đình.

“Chiều mùng 1 Tết vào khoảng 2h thì các nhà trong bản chuẩn bị đồ đi cúng thổ công gồm có 1 con gà thiến, 1 cái bánh chưng gù, tiền vàng, 1 chai rượu. Đến mùng 2 thì thanh niên nam nữ trong bản rủ nhau dựng cột còn cùng nhau tung còn, chơi đến tận rằm tháng Giêng mới hạ cột còn. Hôm đó sẽ mở cái bánh chưng to để ăn, bánh này được gói đầu tiên khi gói bánh, gói to nhất rồi treo để đó đến ngày rằm mới ăn, coi như hết Tết, bắt đầu vào vụ mới” - bà Nông Thị Hoa chia sẻ.

Ngày đầu Xuân, người Nùng Vẻn cũng thường xuống vườn cuốc đất trồng ngô, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy nhà, gia súc đầy chuồng, mọi người mạnh khỏe bình an. Dịp này, những chàng rể dù ở xa hay gần cũng luôn chu đáo mang theo các lễ vật như các loại bánh, hoa quả, gà thiến để cùng vợ con “pây tái” (sang nhà ngoại). Gặp nhau ngày đầu năm mới, mọi người tươi cười trò chuyện, chúc nhau những điều tốt đẹp, chúc thọ ông bà, mừng tuổi cho con trẻ…

Trong tiết Xuân ấm áp, bản làng của người Nùng nói chung và người Nùng Vẻn nói riêng đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười nói, tiếng hát sli, lượn của nam thanh, nữ tú đối đáp giao duyên. Những con đường đang được trải nhựa, bê tông để bà con đi lại thuận lợi hơn, giao thương giữa các bản làng bớt khó khăn và không khí đón xuân mới đã lan tỏa trong từng ngôi nhà, từng bản làng.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Rộn ràng phiên chợ cuối cùng trong năm ở vùng cao Bình Liêu, Quảng Ninh
Rộn ràng phiên chợ cuối cùng trong năm ở vùng cao Bình Liêu, Quảng Ninh

VOV.VN - Chợ phiên ngày cuối năm ở huyện miền núi biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống của các dân tộc bản địa, trong mùi thơm của hương trầm, hồi quế và nhộn nhịp kẻ bán người mua...

Rộn ràng phiên chợ cuối cùng trong năm ở vùng cao Bình Liêu, Quảng Ninh

Rộn ràng phiên chợ cuối cùng trong năm ở vùng cao Bình Liêu, Quảng Ninh

VOV.VN - Chợ phiên ngày cuối năm ở huyện miền núi biên giới Bình Liêu (Quảng Ninh) rực rỡ sắc màu trang phục truyền thống của các dân tộc bản địa, trong mùi thơm của hương trầm, hồi quế và nhộn nhịp kẻ bán người mua...

Mang “Tết sớm” lên bản làng vùng cao biên giới Cao Bằng
Mang “Tết sớm” lên bản làng vùng cao biên giới Cao Bằng

VOV.VN -  Điểm trường Phìn Sảng, xã biên giới Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nhộn nhịp, ấm áp hơn khi thầy cô và học trò, phụ huynh cùng người dân xóm Phìn Sảng về đây để đón “tết sớm”.

Mang “Tết sớm” lên bản làng vùng cao biên giới Cao Bằng

Mang “Tết sớm” lên bản làng vùng cao biên giới Cao Bằng

VOV.VN -  Điểm trường Phìn Sảng, xã biên giới Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng nhộn nhịp, ấm áp hơn khi thầy cô và học trò, phụ huynh cùng người dân xóm Phìn Sảng về đây để đón “tết sớm”.