Thái Bình tổ chức Lễ hội đền Trần gắn với xúc tiến du lịch, thương mại
VOV.VN - Năm nay là năm thứ 3, lễ hội đền Trần Thái Bình được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, kéo dài 5 ngày tại di tích Quốc gia đặc biệt- khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.
Được hình thành từ 800 năm trước kể từ khi xác lập vương triều nhà Trần, năm nay, Lễ hội đền Trần được tỉnh Thái Bình khai mạc vào ngày 13 tháng Giêng và kéo dài tới ngày 17 tháng Giêng, với phần lễ trang nghiêm và các hoạt động văn hóa đặc sắc trong phần hội. Đây cũng là dịp để các địa phương trên địa bàn tỉnh tiến hành các hoạt động xúc tiến du lịch và thương mại.
![thái bình tổ chức lễ hội đền trần gắn với xúc tiến du lịch, thương mại hình ảnh 1 thai binh to chuc le hoi den tran gan voi xuc tien du lich, thuong mai hinh anh 1](https://media.vov.vn/sites/default/files/styles/large_watermark/public/2025-02/le_hoi_den_tran_thai_binh_khai_mac_ngay_13_thang_gieng_anh_ctv.jpg)
Năm nay là năm thứ 3, lễ hội đền Trần Thái Bình được tổ chức với quy mô cấp tỉnh, kéo dài 5 ngày tại di tích Quốc gia đặc biệt- khu Lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, ở xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Theo Bí thư huyện ủy Hưng Hà Trần Hữu Nam: Phần lễ sẽ có các nghi lễ truyền thống và điểm nhấn là lễ khai mạc, lễ bái yết với màn nghệ thuật sử thi "Rạng rỡ Thái Bình - Miền Thánh Mẫu -Đất Thánh nhân - Dấu thiêng Phật Pháp".
Ông Nam nói: “Thế hệ đầu tiên của nhà Trần sinh ra và lớn lên tại xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, sau đó phát triển đến Hành cung Lỗ Giang (nay thuộc xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, Thái Bình) và Hành cung Thiên Trường (nay là thành phố Nam Định). Lễ hội đền Trần Thái Bình đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 231/QÐ-BVHTTDL ngày 27/1/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là một sự kiện văn hóa có quy mô cấp tỉnh, mang đậm giá trị lịch sử và truyền thống dân tộc. Lễ hội đền Trần Thái Bình khai mạc vào ngày 13 tháng Giêng hằng năm, tiếp nối ngay sau đó là Lễ hội đền Trần Nam Định vào ngày 14 tháng Giêng. Sự kiện này không chỉ tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân mà còn tạo nên sự kết nối không gian văn hóa và du lịch giữa hai tỉnh Thái Bình và Nam Định”.
Cùng với phần lễ trang nghiêm, người dân và du khách tham gia Lễ hội đền Trần Thái Bình còn được hòa mình vào các hoạt động văn hóa đặc sắc, từ các trò chơi dân gian như đốt lửa nấu cơm, kéo co, pháo đất, cờ tướng, đến liên hoan hát văn, thi gói bánh chưng, thi cỗ cá, têm trầu cánh phượng. Lễ hội không chỉ là dịp tri ân các bậc tiền nhân, mà còn là cơ hội kết nối cộng đồng, thúc đẩy phát triển du lịch và kinh tế địa phương. Ông Trần Lê Tân, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp họ Trần Việt Nam cho biết: Hội chợ kết nối cung cầu được tổ chức từ ngày 10 tháng Giêng đến hết Lễ hội đền Trần ngay tại khu di tích đã thu hút 305 doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia.
Ông Tân nói: “Chúng tôi phối hợp với chính quyền huyện Hưng Hà tổ chức Hội chợ kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp họ Trần và các doanh nghiệp trong, ngoài nước. Sự kiện thu hút sự tham gia của 5 doanh nghiệp Hàn Quốc và 20 doanh nghiệp Trung Quốc đến tìm kiếm cơ hội hợp tác thương mại. Hội chợ trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực truyền thống, sản phẩm làng nghề và triển lãm sinh vật cảnh, mở ra cơ hội giao lưu văn hóa và kinh tế đầy ý nghĩa. Không gian hội chợ không chỉ tái hiện đời sống và văn hóa của người dân Thái Bình mà còn khẳng định sức sống của các giá trị truyền thống trong dòng chảy hiện đại. Để đảm bảo nguồn kinh phí tổ chức lễ hội theo hướng xã hội hóa, 2/3 số gian hàng tại hội chợ thuộc các doanh nghiệp họ Trần, góp phần duy trì và phát huy nét đặc trưng của sự kiện".