Trưng bày nhiều cổ vật đặc sắc tại "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai"
VOV.VN - Triển khai Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch", thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, sáng 5/12, tại khuôn viên Quảng trường Đại Đoàn Kết, thành phố Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức khai mạc Chương trình "Thiên đường Tây Nguyên - Gia Lai".
Diễn ra đến hết ngày 31/12/2024, Chương trình “Thiên đường Tây Nguyên – Gia Lai” giới thiệu, quảng bá tới khách tham quan hàng nghìn cổ vật, đồ dùng, công cụ lao động của đồng bào Tây Nguyên do nhà sưu tầm cổ vật Đặng Minh Tâm nghiên cứu, sưu tầm. Các cổ vật trưng bày được chia làm 6 nhóm gồm: Công cụ âm nhạc, công cụ săn bắt hái lượm, công cụ dệt, hiện vật lễ nghi, hiện vật trang sức và các hiện vật khác trong đời sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Các hiện vật được trưng bày theo hướng bảo tàng mở, du khách được tham quan, trải nghiệm, tương tác với hiện vật. Cũng trong khoảng thời gian diễn ra chương trình, các hiện vật sẽ được bổ sung làm mới từ bộ sưu tầm hơn 30 ngàn cổ vật Tây Nguyên của nhà sưu tầm cổ vật Đặng Minh Tâm.
Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo ra một không gian văn hoá Tây Nguyên đặc sắc, hấp dẫn giữa lòng Phố núi Pleiku, giúp người dân và du khách có dịp tìm hiểu, nghiên cứu thêm về các giá trị độc đáo trong kho tàng di sản vật thể của cư dân Trường Sơn-Tây Nguyên. Góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng; tạo ấn tượng đẹp đối với du khách trong nước và quốc tế về một Gia Lai tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đến với chương trình, chị Pul, làng Phung, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku cho biết: “Tôi thấy chương trình rất ý nghĩa, chúng tôi được nhớ lại thời trước đây của ông bà mình, những văn hóa về đan lát, về những vật dụng thời cha ông chúng tôi hay dùng. Để từ đó những người trẻ nhớ về truyền thống văn hóa. Du khách tham quan rất đông, đặc biệt là có người thuyết trình từng cổ vật, bà con đứng rất đông để nghe và cũng để hiểu hơn về văn hóa, con người Tây Nguyên”.