Triển lãm "Ký ức thời hoa lửa" - Câu chuyện từ thời chiến đến hoà bình
VOV.VN - Sáng nay 5/12, tại Bảo tàng Quân khu 7, Cục Chính trị Quân khu 7 phối hợp Cục Chính trị Quân đoàn 4 tổ chức Triển lãm chuyên đề "Ký ức thời hoa lửa".
Hoạt động này hướng đến chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống Quân khu 7 (10/12/1945- 10/12/2023); 77 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946- 19/12/2023), 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023).
Triển lãm gồm ba phần với phần một là những bức thư, nhật ký chiến trường của những người chiến sĩ được viết mọi lúc, mọi nơi, khi dưới hầm trú ẩn, lúc dừng chân trên đường hành quân ra mặt trận. Phần hai là cuộc chiến thời bình chống dịch COVID-19 với những lá đơn tình nguyện, trang nhật ký, lưu bút của cán bộ, chiến sĩ và học viện trong quân đội giúp đỡ dân giữa tâm dịch.
Phần 3 là bộ sưu tập báo Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là tờ báo hoạt động từ năm 1963 đến năm 1975, là công cụ sắc bén trên mặt trận tư tưởng văn hoá, kịp thời tuyên truyền chủ trương, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Quân uỷ, Bộ tư lệnh miền đến với cán bộ chiến sĩ, vạch trần tội ác của Mỹ và nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Dịp này, Bảo tàng Quân khu 7 cũng trưng bày giới thiệu 42 số báo bản gốc, 66 số bản phục chế. Bộ sưu tập này do Đại tá PGS.TS Hồ Sơn Đài tặng cho bảo tàng Quân khu. Đại tá PGS.TS Hồ Sơn Đài cho biết: “Tôi muốn cho người xem hiểu được từng có một đội ngũ là phóng viên chiến sĩ, làm báo ở chiến trường, họ đã chiến đấu, viết bài và hy sinh như thế nào, từ đó taọ ra sự đối thoại tương tác giữa người xem với hiện vật, hun đúc tinh thần lạc quan tri ân thế hệ trước và cần phải làm thế nào để xứng đáng với các thế hệ đi trước”.
Triển lãm không chỉ thu hút cán bộ, chiến sĩ, người dân mà còn có đông đảo học sinh đến tham quan, tìm hiểu. Cô Nguyễn Thị Phương Đài, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 trường Tiểu học Trần Khánh Dư (Quận 1) chia sẻ, hoạt động đưa học sinh đến tham quan triển lãm hôm nay cũng đúng vào tháng chủ điểm về ngày Quân đội nhân dân Việt Nam của nhà trường nên lại càng thêm ý nghĩa: “Các em được tận mắt thấy được những tư liệu trải dài qua các thời kỳ giúp các em xây dựng tình cảm, lòng biết ơn của các em đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đặc biệt khi được đi thực tế, các em được tận mắt thấy hình ảnh, tư liệu, giúp cho kỹ năng, sự hiểu biết của các em rộng hơn từ đó thôi thúc các em có thể tự tìm kiếm các tài liệu liên quan”.