Tự hào "Xòe Thái" là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
VOV.VN - Xòe Thái là loại hình nghệ thuật đặc sắc trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung.
Tối 17/9, tại Lễ vinh danh “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại do UBND tỉnh Sơn La, đồng bào Thái và nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La càng thêm tự hào, phấn khởi, xác định sẽ cùng nhau gìn giữ, phát huy hơn nữa nghệ thuật Xòe Thái trong đời sống đương đại.
Tại lễ tôn vinh, qua những lời ca, tiếng hát, những điệu Xòe uyển chuyển, duyên dáng, các nghệ nhân dân gian người dân tộc Thái, cùng nam nữ diễn viên chuyên và không chuyên đã một lần nữa làm “sống dậy” những giá trị văn hóa truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Thái ở Sơn La nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.
Chị Lường Phạm Mai Phương, thị trấn Phù Yên, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La hào hứng chia sẻ: "Bản thân là người dân tộc Thái, hôm nay tôi rất vinh dự khi được tham dự hội Xòe và hội Xòe được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Là một người trẻ, tôi sẽ cố gắng giữ gìn nét đẹp truyền thống này và quảng bá đến anh em và du khách gần xa".
Xòe Thái là một loại hình vũ đạo với những động tác biểu tượng cho hoạt động của con người, được thực hành trong nghi lễ, văn hóa, đời sống và các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Người Thái quan niệm: “Không Xòe thì hoa không nở, không Xòe thì người không vui, không Xòe thì trai gái không thành đôi, không Xòe thì lúa, ngô không thành bắp”...
Ông Lường Chựa ở xã Chiềng Pằn, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La cho biết, hầu hết các thế hệ người Thái ở Sơn La vẫn rất thích được tham dự các cuộc sinh hoạt múa xoè nói riêng và sinh hoạt văn hoá cộng đồng nói chung, bởi nó làm sôi động thêm cuộc sống hằng ngày ở các bản, mường, nhất là dịp đầu xuân năm mới và thời gian rỗi sau mùa vụ.
Xòe là văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Thái, có từ cội nguồn xa xưa, xuất phát từ tình đoàn kết anh em luôn luôn gắn bó với nhau, tính cộng đồng cao, tức là trong vòng Xòe, nhất là vòng Xòe đại diện, nắm tay nhau để Xòe. Cội nguồn của điệu Xòe Thái từ xa xưa đến giờ có 6 điệu Xòe, đó là cốt lõi. Việc UNESCO công nhận “Nghệ thuật Xòe” là di sản văn hóa phi vật thể địa diện của nhân loại, chúng tôi rất đỗi tự hào.
Tỉnh Sơn La hiện vẫn còn lưu giữ, bảo tồn nhiều điệu Xòe cổ truyền thống như: Xòe nâng khăn mời rượu, Xòe bổ bốn, Xòe tiến lùi, Xòe tung khăn, Xòe vỗ tay múa vòng tròn, Xòe vòng... Các điệu Xòe này hiện cũng đã được nghiên cứu và phổ cập đến cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, phục vụ cho sinh hoạt cộng đồng và giao lưu văn hóa trong thời kỳ hội nhập.
Việc “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không chỉ là niềm tự hào của riêng cộng đồng người Thái, mà còn là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc trong toàn tỉnh Sơn La.
Ông Trần Xuân Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá các dân tộc thiểu số nói chung và văn hoá dân tộc Thái nói riêng trên địa bàn tỉnh Sơn La vừa có tính cấp thiết, vừa có tính lâu dài: "Qua đợt này, chúng tôi sẽ tuyên truyền để các đội về nhân rộng mô hình và tiếp tục duy trì các hoạt động Xòe Thái, đặc biệt là trong các hoạt động sự kiện văn hóa, hoạt động hàng ngày để nhân dân phát huy những nét đẹp của Xòe Thái đã được tôn vinh, đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".
Tại Lễ vinh danh, UBND tỉnh Sơn La đã tặng Bằng khen cho các đoàn đạt giải cao trong Liên hoan “Nghệ thuật Xòe Thái”; các nghệ nhân dân gian, nam nữ diễn viên chuyên và không chuyên đã trình diễn màn Xòe đoàn kết, thu hút và để lại ấn tượng sâu đậm với du khách và quần chúng nhân dân./.